Mềm dẻo trong phương thức đào tạo tín chỉ và niên chế đối với đào tạo nghệ thuật

Mềm dẻo trong phương thức đào tạo tín chỉ và niên chế đối với đào tạo nghệ thuật

00:00:00 24/06/2022
39

Năm 2021 là một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của đất nước khi Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định những định hướng lớn cho những năm sắp tới, trong đó vai trò của văn hóa được đặc biệt nhấn mạnh. Chủ đề của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 coi phát huy giá trị văn hóa, con người như một trọng tâm gồm: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Xây dựng một nền văn hóa hiện đại đậm đà bản sắc dân tộc là một nhiệm vụ rất nhiều khó khăn. Xây dựng đội ngũ nghệ sỹ, những người làm công tác biểu diễn, sáng tác là công việc của toàn xã hội, trong đó vai trò các các cơ sở đào tạo về các ngành nghề này là rất lớn.

Trước yêu cầu đối với ngành giáo dục nói chung cũng như đào tạo nghệ thuật nói riêng cần nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức đào tạo cho phù hợp với thực tiễn. Đào tạo theo hệ thống tín chỉ là một phương thức đào tạo tiên tiến trong hệ thống giáo dục đại học trên thế giới được ra đời từ năm 1872 tại Đại học Harvard (Hoa Kỳ) với cơ sở triết lý là: Tôn trọng người học, xem người học là trung tâm của quá trình đào tạo và Chương trình đào tạo phải mềm dẻo để trường đại học dễ dàng đáp ứng các nhu cầu luôn biến động của thị trường nhân lực, sau đó phương thức đào tạo này được mở rộng ra nhiều nước khác trên toàn thế giới.

Đào tạo theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín là phương thức đào tạo trong đó người học chủ động lựa chọn theo quy định của trường để học và tích lũy từng môn học, môn-đun cho tới khi hoàn tất được toàn bộ chương trình. Người học tích lũy đủ các mô-đun hoặc tín chỉ được quy định trong chương trình của ngành, nghề học thì được xét cấp bằng tốt nghiệp([1]). Như vậy, đào tạo theo hệ thống tín chỉ có những khác biệt căn bản với đào tạo theo niên chế. Trong đó đòi hỏi người học phải tích lũy kiến thức theo từng mô đun, môn học (đơn vị: tín chỉ); Kiến thức cấu trúc thành các mô đun (mô đun, môn học); Quy định khối lượng kiến thức phải tích lũy cho từng văn bằng. Xếp năm học của người học theo khối lượng tín chỉ tích lũy; Chương trình đào tạo mềm dẻo: cùng với các mô đun, môn học bắt buộc còn có các mô đun, môn học tự chọn cho phép sinh viên dễ dàng điều chỉnh ngành nghề đào tạo; Người học ghi danh học đầu mỗi học kỳ, lớp học theo mô đun, môn học; Đánh giá thường xuyên; Có hệ thống cố vấn học tập; Tận dụng thời gian học;…

 

.

 

Người học tại trường CĐ VHNT Việt Bắc được thực tiễn trải nghiệm nghề nghiệp tại sân khấu thực tế

 

Bản chất của phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ là trao quyền dân chủ cho người học, tức là người học được tự chọn các môn đun, môn học để học trong mỗi học kỳ, mỗi năm học. Cách tổ chức hoạt động theo nguyên lý này đảm bảo cho quá trình đào tạo trong các trường trở nên mềm dẻo hơn, đồng thời cũng tạo khả năng cho việc thiết kế chương trình liên thông giữa các hệ thống đào tạo khác nhau.

.

Năm 2017, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc chuyển quản lý nhà nước từ Bộ Giáo dục và Đào tạo sang Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Đến nay, Nhà trường đã xây dựng chuyển đổi, bổ sung 20 ngành đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp theo danh mục ngành nghề do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành, khối lượng kiến thức cho các ngành, nghề đào tạo được xây dựng theo hình thức mô-đun hoặc tín chỉ.

Với đặc thù đào tạo đa ngành nghề, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc hiện đang lựa chọn theo phương thức đào tạo niên chế, kết hợp một số môn học, mô đun theo hình thức tín chỉ. Sở dĩ Nhà trường lựa chọn cả 2 phương án bởi phương thức đào tạo tín chỉ giúp tiết kiệm thời gian, hiệu quả, các môn học lựa chọn theo tín chỉ phù hợp với năng lực cá nhân, nhiều ngành đào tạo mới được mở ra, đặc biệt là học liên thông giữa các trình độ thuận lợi. Khi học theo phương thức tín chỉ, người học linh hoạt về thời gian học tập, người học có thể đăng ký học theo năng lực của mình sao cho phù hợp, có thể làm thêm, học thêm kiến thức mà mình yêu thích. Công tác tuyển sinh cũng được thực hiện trải đều trong năm, người học chủ động học bù những môn còn thiếu vào các học kỳ sau khi có thông báo.

Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn trong đào tạo tín chỉ cụ thể: Đối tượng người học nhỏ tuổi (từ 14-18 tuổi chiếm 91,6%, trong đó 76% là dân tộc thiểu số), các em vẫn theo thói quen học tập từ cấp trung học cở sở lên, không quen làm việc độc lập, vẫn giữ tư duy dựa vào giáo viên chủ nhiêm, cán bộ lớp để nắm bắt thông tin của nhà trường, vì vậy mà nhiều em không biết kế hoạch học tập ra sao, không nắm được quy chế, trong khi đào tạo theo tín chỉ đòi hỏi người học phải chủ động xây dựng cho mình kế hoạch học tập thích hợp, có hiệu quả nhất.

Thứ hai, lưu lượng người học tại trường hiện nay là 546 người học, số môn học chung trùng lặp là các môn đại cương (Chính trị, Pháp luật, Tiếng anh, Tin học, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh), các môn cơ sở ngành và chuyên ngành khác nhau không thể ghép được cũng là khó khăn trong việc lựa chọn môn cho người học. Trong chương trình đào tạo có 75% môn học thực hành, trong đó 55% môn học yêu cầu theo nhóm tập luyện, biểu diễn, nếu người học đăng ký riêng lẻ sẽ làm phá vỡ tổ chức hoạt động tập thể

Thứ ba, công tác quản lý đào tạo cũng phức tạp, nếu như trong đào tạo theo niên chế, người học học theo một kế hoạch chung theo sự sắp xếp của phòng đào tạo, khoa chuyên môn, thì trong đào tạo theo tín chỉ, mỗi người học có một kế hoạch học tập riêng nên việc tổ chức điều hành quản lý đào tạo rất phức tạp. Người học phải mất nhiều thời gian để lập kế hoạch học tập, đăng ký môn học, điều chỉnh kế hoạch và đăng ký bổ sung… Trong khi lượng giáo viên, phòng học, quỹ thời gian, v.v… có hạn, nên việc đào tạo tín chỉ mang tính chất toàn phần vẫn chưa thật sự đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người học.  Mặc dù hiện nay có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, nhưng trên thực tế người học vẫn thụ động phụ thuộc vào cố vấn học tập, hoặc đăng ký mang tính chất cho có, lập danh sách sau đó người học ký nhận.

Thứ tư, phương pháp giảng dạy của giáo viên nghệ thuật hiện nay phần lớn đang theo hình thức truyền nghề, tuy nhiên nguyên lý của đào tạo theo hệ thống tín chỉ cho thấy: Nhiệm vụ chính của nhà trường không phải là cung cấp kiến thức, mà là trang bị cho người học phương pháp học tập, phương pháp tư duy, phương pháp nghiên cứu, song với trình độ trung cấp, cao đẳng hiện nay, chúng ta thường thấy dạy cho các em phương thức “cầm tay chỉ việc”, nên nhà giáo gặp khó khăn trong công tác giảng dạy.

Với những ưu và nhược điểm như vậy, đào tạo nghệ thuật chúng ta nên vận dụng mềm dẻo cả hai phương thức tín chỉ và niên chế. Chuyển từ đào tạo theo niên chế sang hệ thống tín chỉ là việc nên làm; để phát huy được tính ưu việt cả hai phương thức và giữ ổn định được chất lượng đào tạo, giữ giá trị và nền nếp tốt đẹp đã được định hình trong nhiều năm của trường, điều đó cần phải có những biện pháp hết sức cụ thể:

– Đồng bộ các hoạt động chuyển đổi thực hiện đào tạo tín chỉ cho tất cả các cơ sở đào tạo, thống nhất và liên thông giữa các cơ sở đào tạo nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người học. Thống nhất cả về chương trình, giáo trình, tài liệu tham khảo. Cập nhật bổ sung những kiến thức mới. Chương trình, giáo trình tài liệu tham khảo đảm bảo tính khoa học, theo hệ thống lôgic trong các ngành và chuyên ngành học; nội dung các mô đun, môn học có dung lượng vừa phải, thể hiện ngắn gọn các nội dung cốt lõi của từng môn đun, môn học và liên kết chặt chẽ  với nhau xuyên suốt nội dung toàn mô đun, môn học; phân bổ  thời gian cho các mô đun, môn học hợp lý, đảm bảo cho người học có điều kiện tham gia toàn bộ nội dung mỗi mô đun, môn học; chương trình và nội dung phải nhằm đạt được mục tiêu gắn với các đơn vị sử dụng nguồn lực và nhu cầu xã hội nói chung.

– Đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá cho phù hợp với từng mô đun, môn học theo đặc thù nghề nghiệp, không giới hạn về hình thức đánh giá: viết, trức nghiệm, thực hành,.. mà đối với nghệ thuật là trình diễn, biểu diễn, trưng bày,… Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ quản lý, giảng viên về phương thức đào tạo tín chỉ đặc biệt là đội ngũ cố vấn học tập hỗ trợ người học.

– Hoàn thiện các văn bản khung, triển khai đồng bộ các văn bản, có kiểm tra thường xuyên, đột xuất, kịp thời giải quyết vướng mắc tồn đọng từ các đơn vị trong từng cơ sở đào tạo, tiến tới đồng bộ ở các trường.

– Bổ sung cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học. Tăng cường đầu tư, liên kết với các đơn vị, các doanh nghiệp,… tạo thuận lợi nhất cho người dạy và người học tăng tính chủ động trong quá trình nghiên cứu học tập, tạo môi trường cọ sát cho người thầy, người học chủ động lĩnh hội, cập nhật kiến thức mới thực tiễn.

Việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ là việc trao quyền dân chủ cho người học quyết định lộ trình thích hợp nhất để tích lũy kiến thức. Quyền dân chủ ấy chẳng những được thể hiện qua từng giờ học, từng mô đun, môn học, mà còn phải được thể hiện qua việc hoạch định kế hoạch học tập của người học: người học phải biết những việc đang làm và sẽ làm để có thể chủ động xác định phương hướng học tập và nghiên cứu cho chính mình trong suốt quá trình đào tạo. Muốn đạt được kết quả cao nhất phù hợp với xu thế của khu vực và thế giới, mỗi cán bộ giảng viên phải xác định lại vai trò của mình để lựa chọn phương thức đào tạo mềm dẻo phù hợp. Mặc dù còn có một số khó khăn nhất định nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, chúng ta tin sẽ có thể khắc phục được trong thời gian tới.

 


Tác giả: