Cao Đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc

         Chương trình là hoạt động thường niên của Hội VHNT Thái Nguyên nhằm kỷ niệm ngày thơ Việt Nam gắn liền với Tết Nguyên Tiêu và tạo sân chơi, giao lưu cho anh chị em văn nghệ sỹ trong tỉnh. Lễ hội Nguyên Tiêu năm nay có sự tham dự của các cấp chính quyền tỉnh và thành phố Thái Nguyên; các đại biểu hội VHNT tỉnh bạn cùng toàn thể hội viên của Hội.
 
 
  Đại diện các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh trong khu vực Việt Bắc.
 
        Trong truyền thống của cư dân nông nghiệp, lễ hội Nguyên Tiêu đánh dấu kết thúc các hoạt động trong Tết Nguyên đán và bắt đầu một mùa vụ sản xuất mới. Phật giáo quan niệm, Tết Nguyên Tiêu là ngày Đức Phật giáng lâm các cảnh chùa, do vậy các nhà sư thường tụ hợp để bàn luận công đức Phật. Chính vì vậy nên ở nhiều địa phương, Tết Nguyên Tiêu được tổ chức thành lễ hội với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Ngoài ra, theo văn hóa truyền thống thì Tết Nguyên Tiêu cũng là dịp các tao nhân mặc khách gặp gỡ để soạn thơ, bình văn nên từ năm 2003 đến nay, Tết Nguyên Tiêu được lựa chọn làm ngày thơ Việt Nam.
             Tết Nguyên Tiêu gắn với ngày thơ Việt Nam là hoạt động thường niên được Hội VHNT Thái Nguyên rất quan tâm và duy trì tổ chức. Đây cũng là hoạt động văn hóa nhằm chào mừng các sự kiện, các ngày lễ lớn của đất nước, đồng thời tiếp tục triển khai Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (Khóa X) về xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới, triển khai tinh thần Hội nghị văn hóa toàn quốc và thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng.
        Chương trình lễ hội Nguyên Tiêu năm 2024 được xây dựng trên chủ đề “Tiếng ca người Việt Bắc” – một tác phẩm thơ nổi tiếng của nhà thơ Nông Quốc Chấn – Nội dung chương trình lễ hội phong phú, đa dạng với nhiều hoạt động diễn ra trong ngày 24/2 như triển lãm ảnh của các nghệ sỹ nhiếp ảnh; con đường thơ với nhiều bài thơ, khúc thơ tiêu biểu được in ấn trên các tấm afic đẹp mắt; trưng bày sách, báo và tập thơ của các nhà thơ Thái Nguyên; chương trình đọc thơ và bình thơ tại sân khấu chính của chương trình với sự tham gia của các nhà thơ cùng thầy cô giáo, HSSV các trường học trong tỉnh. Đặc biệt, chương trình nghệ thuật đêm thơ nhạc “Tiếng ca người Việt Bắc” diễn ra tại sân khấu chính của Bảo tàng là điểm nhấn quan trọng trong Lễ hội thơ Nguyên Tiêu năm 2024.
        Tham dự chương trình có đồng chí Bùi Thanh Tâm, Phó vụ trưởng Vụ Văn hoá, văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Duy Hoàng, Uỷ viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo một số ban, ngành, cơ quan, đơn vị của tỉnh; lãnh đạo các Hội VHNT khu vực Việt Bắc và đông đảo giới thơ ca, người yêu thơ.
        Chương trình được kết cấu 3 chương có tựa đề: “Cội rễ”, “Đây núi rừng chiến khu”, “Việt Bắc boong hây”. Trong cả 3 chương là những tiết mục được chọn lọc kỹ càng, từ những trích đoạn thơ truyền thống đến những tác phẩm đương đại, từ những giai điệu dân ca đến những bản nhạc sâu lắng, đong đầy sắc Xuân. Tất cả đã tạo nên một bức tranh đa dạng, phong phú về văn hóa và nghệ thuật của người Việt Bắc.
        Chương mở đầu, “Cội rễ”: Tái hiện không gian văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Việt Bắc với 4 màn diễn xướng đầy sắc màu, gồm: trích đoạn Then cầu yên của người Nùng, hát Soọng cô củi tza người Sán Dìu, hát đồng dao của người Mông, và múa Tắc xình của người Sán Chay. Chương 2 với tựa đề “Đây núi rừng chiến khu” là những tác phẩm thơ nhạc nổi tiếng của một số tác giả nổi bật đã chung góp tâm huyết để cùng xây dựng nền văn hóa Việt Bắc đáng tự hào, gồm: hoạt cảnh thơ “Muối Cụ Hồ – Dọn về làng”, liên khúc thơ “Quê hương Việt Bắc – Ông Ké về Nà Lọm”; ca khúc “Việt Bắc nhớ Bác Hồ”; thơ múa “Tên làng – Tiếng hát tháng Giêng”. Được dàn dựng từ thơ của các nhà thơ Bàn Tài Đoàn, Nông Quốc Chấn, Nguyễn Đình Thi, Ma Trường Nguyên, Y Phương, và nhạc sỹ Phạm Tuyên. Chương 3 là những tác phẩm thơ nhạc tiêu biểu được lựa chọn và dàn dựng một cách công phu, đặc sắc.
 
 
 
 
 
Chàng Bách và các Pựt, Chàng trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc diễn xướng một trích đoạn “Xỉnh an đón tướng” (Đón thần linh xuống chúc bình an)
 
        Trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc cũng là đơn vị tham gia tích cực trong chương trình Lễ hội Nguyên Tiêu “Tiếng ca người Việt Bắc” ở nhiều hoạt động. Trong chương trình đêm thơ nhạc, Nhà trường có giảng viên NSƯT Hoàng Thiện Thực (khoa Múa) và Nguyễn Văn Bách (khoa Nghiệp vụ Văn hóa & Du lịch) tham gia dàn dựng, biểu diễn tiết mục thơ múa “Tên làng”, “Tiếng hát tháng giêng” của nhà thơ Y Phương và trích đoạn then cổ dân tộc Nùng “xỉnh an, đón tướng”. Các tiết mục do thầy trò nhà trường dàn dựng, biểu diễn đều được khán giả đánh giá cao.
        Đêm thơ Nguyên tiêu “Tiếng ca người Việt Bắc” đã kết nối, hội tụ và lan tỏa sâu sắc hơn nữa các giá trị văn hóa, văn chương nghệ thuật của các tỉnh vùng Việt Bắc. Đó còn là một nét đẹp trong sự phát triển và đa dạng hóa văn hóa ở Thái Nguyên, góp phần vào sự đoàn kết, gắn kết giữa các dân tộc, giữa con người Việt Bắc với cộng đồng yêu thi ca toàn quốc.

Trả lời