Cao Đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc

 
  1. Mở đầu
Ở Việt Nam, tín ngưỡng đã hình thành và lưu truyền gắn chặt với đời sống của các tầng lớp nhân dân. Mỗi vùng miền, mỗi dân tộc, mỗi địa phương lại có những tín ngưỡng dân gian khác nhau, thể hiện rõ nét thế giới quan của con người. Hiện nay, ở Việt Nam có nhiều loại hình tín ngưỡng khác nhau, nhiều cách phân chia dựa vào các giác độ tiếp cận, có thể tạm chia làm 4 loại là: Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ thần thánh, tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc, tín ngưỡng gắn với ngành nghề[1], trong đó, tín ngưỡng thờ Mẫu là một trong những tín ngưỡng phổ biến, ăn sâu vào đời sống văn hóa tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân. Để hiểu được sâu sắc giá trị nhân văn của tín ngưỡng này, trước hết chúng ta phải làm rõ một số khái niệm: tín ngưỡng, tín ngưỡng dân gian và tín ngưỡng thờ Mẫu.
Theo tác giả Đào Duy Anh trong cuốn Từ điển Hán – Việt giải nghĩa: “tín ngưỡng là lòng ngưỡng mộ mê tín đối với một tôn giáo hay một chủ nghĩa”[2]. Một số nhà nghiên cứu khác như Phan Kế Bính, Phan Ngọc, Toan Ánh xem tín ngưỡng là tín ngưỡng dân gian với các nghi lễ thờ cúng thể hiện qua lễ hội, tập quán, phong tục truyền thống của dân tộc Việt Nam. Theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.
Tín ngưỡng dân gian được hiểu là những hình thái tôn giáo sơ khai, được hình thành trên cơ sở các quan niệm dân gian để nhận thức hiện thực và tác động đến hiện thực bằng các biện pháp ma thuật của thuyết hồn linh. Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp trồng lúa nước, có nền văn hóa bản địa phong phú, đa dạng, được hình thành từ trong đời sống, sinh hoạt của tầng lớp bình dân lao động, chính vì vậy không thể tách rời với tín ngưỡng dân gian. Với quan niệm cho rằng bất cứ vật gì cũng có linh hồn (vạn vật hữu linh) nên người Việt cổ đã thờ nhiều thần linh, đặc biệt là những sự vật, hiện tượng có liên quan đến nông nghiệp như trời, trăng, đất, rừng, sông… để mong sự che chở, nương tựa về mặt tinh thần. Trong số các tín ngưỡng dân gian còn tồn tại đến ngày nay thì tín ngưỡng thờ Mẫu, đặc biệt thờ Mẫu Liễu Hạnh được coi là sự phát triển đỉnh cao của tín ngưỡng này.  
Tín ngưỡng thờ Mẫu là một loại hình tín ngưỡng dân gian bắt nguồn từ tục thờ nữ thần, là một bộ phận của ý thức xã hội được hình thành từ chế độ thị tộc mẫu hệ, tôn vinh những người phụ nữ có công với nước, với cộng đồng tiêu biểu cho những giá trị tốt đẹp về lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội làm Thánh mẫu, qua đó gửi gắm niềm tin vào sự che chở, giúp đỡ của các lực lượng siêu nhiên thuộc nữ thần. Trải qua quá trình phát triển và “lên khuôn”[3] hoàn chỉnh, từ tục thờ Nữ thần đến Mẫu thần và cuối cùng là Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, với việc xuất hiện của Mẫu Liễu Hạnh đã tạo nên một hệ thống tín ngưỡng hoàn chỉnh, phân bố ở khắp các địa phương của Việt Nam, trong đó có Lạng Sơn.  
          Theo các tài liệu lịch sử, tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh có mặt ở Lạng Sơn từ khoảng cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, ngay từ khi du nhập đã có sự giao lưu và tiếp nhận mạnh mẽ với tín ngưỡng dân gian bản địa, đến nay đã ăn sâu vào đời sống văn hóa tâm linh của đại đa số người dân Xứ Lạng. “Hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 100 di tích trực tiếp thờ Mẫu hoặc phối thờ (có ban thờ Mẫu)”[4], tập trung chủ yếu ở thành phố Lạng Sơn và các huyện: Tràng Định, Hữu Lũng, Chi Lăng, Cao Lộc,… Một số địa điểm tiêu biểu thờ Mẫu ở Lạng Sơn như: đền Mẫu Đồng Đăng (Cao Lộc), đền Mẫu Thất Khê (Tràng Định), đền Mẫu Khánh Sơn (Lộc Bình)…
          Như vậy, có thể nói, tín ngưỡng là hình thái tâm linh đặc biệt, gắn liền với đời sống của mọi người dân Việt Nam, tùy từng vùng miền, từng dân tộc thì tín ngưỡng lại tồn tại ở dạng thức khác nhau, nổi bật trong đó là tín ngưỡng thờ Mẫu và thần chủ là Mẫu Liễu Hạnh. Cùng với các địa phương khác, Lạng Sơn đã từ lâu được coi là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu với nhiều truyền thuyết gắn liền với Mẫu Liễu Hạnh.
2. Truyền thuyết và di tích thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở Lạng Sơn
2.1. Truyền thuyết về Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở Lạng Sơn
Với vị trí là miền biên viễn địa đầu Tổ Quốc, Lạng Sơn là nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hóa trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung và tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh nói riêng. Trong đó, truyền thuyết quan trọng nhất về Thánh Mẫu Liễu Hạnh tại mảnh đất Xứ Lạng được Đoàn Thị Điểm ghi lại trong truyện “Vân Cát nữ thần” ở tập sách Truyền kỳ tân phả. Trong truyện này, tác giả Đoàn Thị Điểm kể lại sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh hiển linh tại nơi biên cương xứ Lạng. Theo đó, tương truyền Đức Thánh Mẫu là con gái Ngọc Hoàng tên là Quỳnh Hoa, giáng sinh ở đất Phủ Dầy, Nam Định. Sau khi trả nợ trần duyên với Đào Lang, Đức Thánh Mẫu thanh thản mà vân du tiêu dao khắp chốn non tiên, cảnh lạ. Một lần khi Thánh Mẫu vân du đến nước non Lạng Sơn, Ngài thấy nơi đây non xanh nước biếc, thông ngàn vi vu thì vô cùng đẹp lòng đẹp dạ. Tuy vậy, nơi phong cảnh đẹp đẽ ấy lại có một ngôi chùa hoang không có ai hương khói phụng thờ. Thánh Mẫu nhác trông cảnh đẹp lạ vô biên nhưng lại tiêu điều, man mác như vậy nên mới dạo khúc đàn cầm và ngâm vài câu thơ. Khi đó, vừa hay Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan đi sứ Trung Quốc về qua nơi đây và gặp gỡ với Đức Thánh Mẫu. Tại cuộc gặp gỡ này, Đức Thánh Mẫu và Trạng Bùng đã có đôi lời ứng đối. Vâng lời Thánh Mẫu, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan đã tu bổ lại ngôi chùa tại nơi mình gặp gỡ với Ngài để lưu lại thánh tích.
Đây có lẽ cũng là truyền thuyết duy nhất về thánh Mẫu Liễu Hạnh tại tỉnh Lạng Sơn cho đến nay mà chúng tôi sưu tầm được. Truyền thuyết này khẳng định vị trí quan trọng của Lạng Sơn trong dòng chảy của tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Đồng thời thông qua truyền thuyết Thánh Mẫu Liễu Hạnh gặp Phùng Khắc Khoan tại nơi biên giới Xứ Lạng phần nào cũng phản ánh quá trình di dân từ miền xuôi lên miền ngược trong suốt chiều dài của lịch sử. Quá trình di dân đó không chỉ đem theo những nguồn sinh kế mới mà còn có cả hệ thống tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần tăng thêm màu sắc cho diện mạo văn hóa Xứ Lạng. Chính vì vậy nên trong tâm thức của những tín đồ tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ thì Lạng Sơn cũng là một trong những “thánh địa” quan trọng.
2.2. Một số di tích tiêu biểu thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở Lạng Sơn
Điều đầu tiên cần lưu ý là các di tích thờ Mẫu Tứ phủ của người Việt luôn có sự hiện diện của Thánh Mẫu Liễu Hạnh trong bộ Tam Tòa Thánh Mẫu. Tuy nhiên không phải di tích nào cũng là nơi chính cung thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Qua quá trình khảo sát các văn bia, sắc phong và thực hành tín ngưỡng tại một số điểm di tích trong tín ngưỡng Tứ phủ tại các huyện Tràng Định, Văn Lãng, Cao Lộc, Lộc Bình, Chi Lăng và Hữu Lũng, chúng tôi nhận thấy rằng: Những ngôi đền lớn của tỉnh như đền Kỳ Cùng, đền Công Đồng Bắc Lệ, đền Đèo Kẻng, đền Chầu Lục, đền Chầu Mười,… tuy có thờ thánh Mẫu Liễu Hạnh nhưng việc thờ phụng chính cung lại là Thánh Mẫu Thượng Ngàn và các thánh Chúa, thánh Chầu. Các ngôi đền chính cung thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh phần đa nằm ở các huyện giáp biên giới Việt – Trung gồm Tràng Định, Văn Lãng, Cao Lộc và Lộc Bình. Những ngôi đền này đều được xây dựng trong thời gian từ thế kỷ XIX đến thế kỷ XX và gắn với những lớp di dân từ miền xuôi lên miền núi để sinh cơ, lập nghiệp. Nhiều ngôi đền hiện nay còn giữ được sắc phong (sắc sao lại) chỉ rõ thần chủ được thờ phụng trong đền là Thánh Mẫu Liễu Hạnh như đền Mẫu Thất Khê, đền Mẫu Khánh Sơn. Điều này cũng phản ánh phần nào truyền thuyết về cuộc gặp gỡ giữa Thánh Mẫu Liễu Hạnh và Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan tại nơi biên giới. Có thể điểm đến một số di tích sau:
– Đền Mẫu Thất Khê huyện Tràng Định
Đây là ngôi đền thờ Mẫu Liễu Hạnh nằm ở vị trí đầu tiên tính trên trục địa lý Bắc – Nam của tỉnh Lạng Sơn. Đồng thời, đây cũng là di tích tiêu biểu cho sự lan tỏa của tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh từ Nam Định đến các địa phương khác nói chung và tỉnh Lạng Sơn nói riêng. Đặc biệt, trong đền hiện nay vẫn còn lưu giữ nhiều văn vật khẳng định vị thế thần chủ của Thánh Mẫu Liễu Hạnh trong sự thờ phụng tại đền.
Thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn có vị trí địa lý đặc biệt, nằm án ngữ giữa các trục đường giao thông nối liền các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn và giữa Việt Nam với Trung Quốc. Do đặc điểm này nên trong quá khứ và cả hiện tại, thị trấn Thất Khê vẫn là nơi hội tụ các dòng văn hóa chảy theo những lớp di dân từ mọi miền Tổ quốc đến giao thương và tìm sinh kế mới. Do vậy ở khu vực này không chỉ có tín ngưỡng dân gian các dân tộc thiểu số mà còn có cả các hình thức tín ngưỡng, tôn giáo người Việt với hệ thống các thiết chế tâm linh như chùa Linh Quang, nhà thờ giáo xứ Thất Khê, đền Gốc Sung (thờ Đức Thánh Trần) và đền Mẫu Thất Khê. Những di dân ở Thất Khê chủ yếu đến từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Nam và Ninh Bình. Họ cũng chính là những người có công lớn trong việc thiết lập và gìn giữ hương khói cho 02 di tích quan trọng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh và đức Thánh Trần tại thị trấn Thất Khê là đền Mẫu Thất Khê, đền Gốc Sung. Trong đó, chiếm số đông là người Việt có nguồn gốc từ tỉnh Nam Định, Thái Bình. Đây là 02 tỉnh có số lượng tín đồ đạo Mẫu Tứ phủ đông đảo. Trong đó, tỉnh Nam Định là quê hương của Thánh Mẫu Liễu Hạnh và cũng là nơi phát tích của dòng tín ngưỡng này. Trên thực tế, những thanh đồng nổi tiếng ở thị trấn Thất Khê như cụ Phó Lan (đã mất), cụ đồng Bát (đã mất), cụ đồng Công (đã mất), bà đồng Sửu, bà đồng Huệ, bà đồng Hồng,… đều từ Nam Định và Thái Bình di cư lên Thất Khê lập nghiệp qua từng thời kỳ.
Đền Mẫu Thất Khê nằm trên địa bàn khu III, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Đây là ngôi đền cổ được xây trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Đền Mẫu Thất Khê được thiết kế theo hình chuôi vồ với 02 gian chính là gian thờ Thánh Mẫu cùng chư vị thần linh trong Tứ phủ và gian ngoài là nơi các tín đồ đến chiêm bái. Ngôi đền này có tên chữ là “Thăng Tiêu linh từ”. Tên chữ này được ghi trong sắc phong hiện nay còn được lưu giữ tại đền.
Thần điện của đền Mẫu Thất Khê gồm 05 lớp tượng chính:
Ở tầng trên cùng trong cung cấm là ban thờ Phật. Pho tượng Phật trong đền Mẫu Thất Khê là tượng Phật Mẫu Chuẩn đề với 05 đôi tay. Đôi tay chính được tạc trong thế kết ấn liên hoa hợp chưởng, 01 đôi tay kết ấn thiền định, các đôi tay còn lại tỏa ra xung quanh với các thế ấn khác nhau. Lớp thứ hai là tượng Ngọc Hoàng đội mũ triều thiên và tay cầm hốt ngọc. Lớp tượng thứ ba là tượng Tam Tòa Thánh Mẫu gồm Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải. Trong đó, Mẫu Liễu Hạnh được đồng nhất với Thánh Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên. Thời điểm trước năm 2004 khi đền chưa trùng tu, lớp tượng Tam Tòa Thánh Mẫu được đặt ở vị trí thứ hai sau tượng Phật và lớp tượng Ngọc Hoàng đặt ở vị trí thứ ba. Tuy nhiên sau khi trùng tu, 02 lớp tượng này đã đổi vị trí cho nhau và hiện tại vẫn đặt theo cách bày trí này. Lớp tượng thứ tư là tượng quan với 01 pho tượng quan lớn. Lớp thứ năm là tượng hai vị quan hoàng là quan Hoàng Bảy và Hoàng Mười. Phía đầu ban thờ chính là 02 pho tượng cậu được đặt trong hộp kính. Phía trong gầm ban thờ là bộ tượng ngũ dinh quan lớn và thanh xà, bạch xà. Ngoài phần chính điện thì phía bên phải đền (nhìn từ phía cửa ra vào) là gian thờ Trần Triều với pho tượng Đức Thánh Trần và 02 tượng Vương Cô. Phía bên trái đền là động sơn trang với tượng Chúa Sơn Trang và 12 tượng cô sơn trang nhỏ. Như vậy về cơ bản, phương cách bài trí tượng trong đền Mẫu Thất Khê cũng giống với các điện thờ Mẫu khác.
Trong đền còn lưu giữ nhiều hiện vật quý giá như hệ thống tượng thờ, những bức bích họa được vẽ vào khoảng những năm 70, 01 bia đá và 02 đạo sắc phong (sắc sao lại). Căn cứ theo sắc phong hiện nay còn lưu giữ tại đền thì đền Mẫu Thất Khê là di tích thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh làm thần chủ. Đây là sắc sao lại bản sắc phong cổ được ghi là có từ năm Cảnh Trị (1671) thời vua Lê Hy Tông. Do thời gian cùng với phương pháp bảo quản chưa được tốt nên sắc phong này hiện nay bị xuống cấp và mất khá nhiều chữ. Tuy nhiên nội dung chính của sắc phong vẫn còn đọc được rõ như sau:
“Sắc phong cho Đế Thích Tiên Đình Liễu Hạnh công chúa. Là thần tiên trên thượng giới, là thánh Mẫu trong nhân gian sinh ra ở làng Vân Cát, thực là ngọc nữ chốn thiên đình, thăng giáng vô cùng … Năm Cảnh Trị thứ 8, tháng tư ngày thứ tám, Lạng Sơn tỉnh, Trường Định[5] huyện, Thất Khê thị trấn, Thăng Tiêu từ, thừa sao phụng sự”[6].
Căn cứ theo nội dung sắc phong, chúng tôi cho rằng sắc này được sao lại từ sắc phong cho Thánh Mẫu Liễu Hạnh năm Cảnh Trị (1671) hiện nay vẫn được lưu giữ tại Phủ Dầy. Thời điểm sao lại sắc có lẽ từ sau năm 1865 khi huyện lỵ của huyện Tràng Định chuyển từ phố Hoa Sơn (nay thuộc Bản Chu, xã Hùng Sơn, huyện Tràng Định) ra tổng Lạc Dương (khu vực thị trấn Thất Khê ngày nay) thì tên gọi Thất Khê mới chính thức trở thành đơn vị hành chính thị trấn theo như sắc phong đã ghi. Như vậy, tuy là bản sao lại nhưng bản sắc phong là căn cứ quan trọng để khẳng định việc tôn thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh tại di tích này có nguồn gốc từ phụng thờ Mẫu Liễu Hạnh ở Vân Cát, một di tích thờ Mẫu Liễu Hạnh tiêu biểu trong quần thể di tích Phủ Dầy.
Lễ hội truyền thống đền Mẫu Thất Khê được tổ chức vào ngày mùng 2 và mùng 3 tháng Ba hàng năm để tưởng nhớ ngày giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Trong lễ hội có rước kiệu từ đền Mẫu về đền Gốc Sung để bái yết Đức Thánh Trần. Thời gian tổ chức lễ hội vào ngày giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh cũng là minh chứng cho việc di tích này là nơi chính cung thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh gắn với nơi phát tích ở Phủ Dầy. Tuy nhiên từ năm 2016 trở lại đây, lễ hội đền Mẫu Thất Khê bị gián đoạn do nhiều yếu tố.

Bản sắc phong sao lại từ sắc phong năm Cảnh Trị hiện lưu giữ tại đền Mẫu Thất Khê, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn

 Như vậy có thể thấy rằng, đền Mẫu Thất Khê là di tích tiêu biểu cho tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh của tỉnh Lạng Sơn. Sự hiện diện của ngôi đền phản ánh lịch sử hình thành và phát triển của thị trấn Thất Khê qua từng thời kỳ cũng như sự lan tỏa của tín ngưỡng Thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh – thần chủ của tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ – từ Phủ Dầy, Nam Định đến các địa phương khác. Sự hiện diện của đền Mẫu Thất Khê không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân khu vực thị trấn Thất Khê mà còn cả ở những vùng lân cận. Thời điểm trước năm 2000 khi hệ thống giao thông từ các tỉnh miền núi về Phủ Dầy còn khó khăn, đền Mẫu Thất Khê là điểm hành hương quan trọng hoặc thậm chí là nơi thực hiện lễ trình Thánh Mẫu của các tín đồ trong khu vực từ huyện Văn Lãng (tỉnh Lạng Sơn) cho đến các huyện và thị xã thuộc các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn.
– Đền Mẫu Na Sầm huyện Văn Lãng
Đền Mẫu Na Sầm hiện nay nằm trên quốc lộ 4A và sát với UBND huyện Văn Lãng. Ngôi đền này mới được xây dựng trong thời gian từ năm 2000 trở lại đây theo nguyện vọng của nhân dân và tín đồ của tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ trên địa bàn huyện Văn Lãng và các huyện lân cận như Bình Gia, Cao Lộc, Văn Quan. Đền thờ vọng Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Dầy (Nam Định). Đền Mẫu Na Sầm cũng có thiết kế theo hình chuôi vồ giống với đền Mẫu Thất Khê.
-Đền Mẫu Đồng Đăng huyện Cao Lộc
          Đền Mẫu Đồng Đăng tọa lạc tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, đây là một trong những di tích tiêu biểu của tín ngưỡng thờ Mẫu, gắn liền với những truyền thuyết dân gian về Mẫu Liễu Hạnh tại vùng biên giới. Di tích Đền Mẫu Đồng Đăng được xây dựng lần đầu tiên vào khoảng thế kỷ XIX tại một mái đá sát chân núi cách vị trí ngày nay khoảng 300 m về phía Đông Bắc. Khoảng vài chục năm sau, thấy nơi đây chật hẹp không mấy thuận tiện cho việc thờ phụng, nhân dân địa phương đã di chuyển đền đến vị trí hiện tại và dựng lên một bát hương nhỏ để thờ. Từ năm 1990, nhân dân địa phương đã đóng góp xây dựng đền. Theo tiềm thức dân gian, đền Mẫu là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Mẫu Liễu Hạnh và Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan sau khi ông đi sứ từ Trung Quốc trở về. Kiến trúc đền gồm hậu cung, cung đệ nhất, đệ nhị, đại bái và các công trình phụ cận khác, đền được xây 2 tầng vững chắc, mặt sau dựa vào chân núi đá, mặt trước hướng ra đường. Trong cung cấm của đền có tượng Mẫu Liễu Hạnh bằng đồng nguyên khối, khoác áo đỏ. Mặc dù đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng đến nay, đền vẫn bảo tồn được kiến trúc nghệ thuật truyền thống và nhiều di vật, cổ vật có giá trị như: bia đá ma nhai, nghiên mực đá chạm khắc năm Kỷ Tỵ, triều Gia Long (năm 1809), hoành phi câu đối… Năm 2002, đền Mẫu được Chủ tịch UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh, thành phố. Lễ hội truyền thống của đền diễn ra vào ngày 10 tháng Giêng hằng năm với nhiều nghi lễ, trò chơi đặc sắc.
-Đền Mẫu Khánh Sơn huyện Lộc Bình
          Đền Mẫu Khánh Sơn hiện tọa lạc tại trung tâm thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, có tên chữ là “Khánh Sơn Linh từ”. Đền được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIX, thờ Mẫu Liễu Hạnh. Trải qua bao biến cố của thời gian đền đã được sửa chữa nhiều lần. Trước đây, đền quay về hướng Nam nhìn ra sông Kỳ Cùng, sau được xây dựng lại quay về hướng Bắc nhìn ra phố chợ Lộc Bình. Năm 1986 trận lũ lụt lịch sử lớn nhất của Lạng Sơn chảy theo sông Kỳ Cùng đã cuốn trôi hết các tài sản quý của đền, trong đó có hai bản sắc phong cùng một số đồ thờ tự khác… Hiện nay đền chỉ còn giữ lại chiếc hộp đựng sắc phong. Thấy đền bị xuống cấp như vậy, năm 1992 bà Lưu Thị Đoan đã bỏ tiền ra xây dựng lại tòa Đại bái. Năm 1998 xây mới cổng Tam quan và sửa chữa gian Hậu cung. Năm 2008, Ban quản lý đền cho tu sửa lại toàn bộ đền một lần nữa… Lúc này kiến trúc đền cũng như hệ thống thờ tự của đền mới hoàn chỉnh. Đền có kiến trúc kiểu chữ Tam bài trí tượng pháp kiểu “tiền Thánh hậu Phật” gồm các gian: Gian Tiền tế – Đại bái và Hậu cung nối liền nhau tạo thành thế liên hoàn. Cổng Tam quan khá uy nghi trang trí hình đắp nổi “Lưỡng Long chầu Nguyệt” giống như các ngôi đền khác. Toàn bộ phần khung, kèo, dui mè (loại to bản) đều được xây dựng bằng vật liệu bền chắc (xi nmăng sơn giả gỗ). Mái lợp ngói mũi. Nghi môn đền được xây dựng liền với tòa Tiền tế của đền, kiến trúc kiểu Hai tầng lầu, trên tầng 2 có đặt một pho tượng phật Bà quan âm Bạch Y khá lớn, trên đầu 4 cột biểu của Nghi môn đắp “Phượng Hí Cầu”và Nghê Chầu, mặt tiền Nghi môn đắp mặt Rồng Phù. Gian Hậu cung có diện tích nhỏ khoảng 10m2, trên cao nhất là Phật Thích ca Sơ sinh đặt trong khám dưới là Tam Tòa Thánh Mẫu (Mẫu Đệ nhất Thượng thiên; Mẫu Đệ nhị Thượng Ngàn và Mẫu Đệ Tam – Thoải) ngồi trong khám gỗ cùng nhị vị Tiên Cô và các đồ sính lễ phục vụ Thánh Mẫu như: Lõng, vọng, nón thờ, hương án…
4. Sự ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh đến đời sống tinh thần của người dân Lạng Sơn
Mặc dù là tín ngưỡng của người Việt ở vùng miền xuôi nhưng sự phụng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã có những ảnh hưởng nhất định đến văn hóa truyền thống các dân tộc của tỉnh Lạng Sơn. Sự ảnh hưởng này thể hiện ở việc tham gia các hoạt động thực hành tín ngưỡng của đồng bào tại các đền, phủ thờ Thánh Mẫu.
Theo báo cáo về tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ của Phòng Văn hóaThông tin huyện Tràng Định năm 2021 thì ngoài hệ thống di tích và các điểm thờ thuộc tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ nói chung và tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh nói riêng thì ở Tràng Định còn có sự hiện diện của rất nhiều những thanh đồng là người bản địa hoặc đã định cư tại địa phương. Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, đã có nhiều cụ đồng nổi tiếng ở Thất Khê thường xuyên đi thực hành lên đồng tại các đền, phủ trong và ngoài tỉnh Lạng Sơn. Có nhiều thanh đồng mặc dù đã mất từ những năm 70 của thế kỷ trước nhưng đến nay vẫn được nhân dân nhắc đến như: Cụ Phó Lan (bà Trần Thị Lan), cụ đồng Bát (bà Nguyễn Thị Bát), cụ đồng Công (bà Trần Thị Công),… Đến nay, theo thống kê của UBND huyện Tràng Định thì toàn huyện có 14 nghệ nhân thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ phủ (đồng cốt) với đủ các lứa tuổi khác nhau và 01 nghệ nhân hát văn. Trong đó, cao tuổi nhất hiện nay là bà H và ít tuổi nhất là bà T. Có 03 thanh đồng là nam giới. Đặc biệt, có 04 thanh đồng là người Tày và 03 thanh đồng là người Nùng. Điều này cho thấy sự lan tỏa của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ phủ nói chung và tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh nói riêng đối với đồng bào các dân tộc thiểu số tại Tràng Định.
Bên cạnh đó, tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh còn hòa chung vào tín ngưỡng dân gian các dân tộc địa phương trong hình thức nhận con hương, con ký gửi và nghi lễ bái yết thần linh (pái slằn) của các thầy cúng tâm linh người địa phương.
-Đối với tục ký gửi con
Cũng như người Việt, người Tày, Nùng cũng có tục đem con đi ký gửi vào các đền, chùa, miếu,… làm con nuôi các vị thần linh để giải đi sự xung đột theo bát tự của con cái đối với cha mẹ. Những điểm di tích thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh cũng là nơi được đồng bào chọn lựa để làm lễ ký gửi. Đồng bào thường ký gửi con cháu theo 03 cách sau:
Cách thứ nhất: Nhờ các thầy cúng (thầy thống) và các thanh đồng người Việt làm lễ để xin ký gửi con vào đền. Cách thức thực hành nghi lễ trong hình thức ký gửi này tương tự ở miền xuôi. Theo đó thì các thầy cúng sẽ tấu sớ để xin Thánh Mẫu nhận và che chở cho đứa bé được bình an. Tiếp đó, bát nhang bản mệnh của đứa bé được đưa vào đền và thầy cúng sẽ đặt cho bé họ tên mới (thường là họ Mầu nếu gửi vào cửa Thánh Mẫu và họ Trần nếu gửi vào cửa Trần Triều).
Cách thứ hai: Nhờ những thầy cúng là người dân tộc ở địa phương (thầy mo, then, tào, bụt) đến đền để làm lễ xin Thánh Mẫu nhận con ký gửi. Các nghi thức trong lễ này được thầy cúng thực hiện bằng tiếng dân tộc và theo lề lối cổ truyền của từng ngành cúng cụ thể. Điều đặc biệt, khi nhờ thầy cúng là người dân tộc đến làm lễ ký gửi đứa trẻ vào cửa Thánh Mẫu thì không cần phải thay tên đổi họ.
Cách thứ ba: Người nhà đứa trẻ đem lễ vật (tam sinh, bánh kẹo, hoa quả) đến nhờ thủ nhang của đền để kêu xin Thánh Mẫu. Việc Thánh Mẫu có nhận đứa trẻ làm con ký gửi hay không đều phụ thuộc vào đài âm dương.
Ngoài những đền công thì đồng bào còn tìm đến các điện thờ tư của các thanh đồng ở địa phương để làm lễ ký gửi con cái.
-Đối với tục bái thần của các thầy cúng sau khi cấp sắc
Theo truyền thống, sau khi hoàn thành đại lễ cấp sắc cho thầy tào (cái tào), mo (piẳm mo), thầy then (lảu pựt),… thì người mới được cấp sắc phải theo sư phụ đi đến các đền, miếu trong khu vực để lễ bái thần linh. Nghi thức bái yết thần linh được gọi là “pái slằn” (bái thần). Ngoài những ngôi chùa, đình, đền, miếu theo tín ngưỡng dân gian địa phương thì các đền thờ Mẫu Liễu Hạnh cũng là nơi được các thầy cúng tìm đến để bái yết thần linh. Lễ vật thầy mo/ then/ tào đem đến đền để lễ Đức Thánh Mẫu thường là 01 khổ thịt lợn, 01 chai rượu và vàng hương. Việc bái yết Thánh Mẫu Liễu Hạnh sau lễ cấp sắc thể hiện sự dung hòa giữa tín ngưỡng dân gian các dân tộc miền núi và tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Trong tiếng Tày, Nùng vùng Tràng Định, Văn Lãng, Cao Lộc,… Thánh Mẫu Liễu Hạnh được đồng bào gọi là “Slấn Mủ Miểu Cải/Miểu Luông/Miểu Vàng” (nghĩa là thần Mẫu trong đền to, đền lớn, đền vàng). Ngoài ra, trong thực hành tín ngưỡng truyền thống của đồng bào Tày, Nùng tại tỉnh Lạng Sơn như giải hạn, cầu an,… bao giờ các thầy mo/ then/ tào/ bụt cũng phải thực hiện nghi thức “xỉnh slằn” (thỉnh mời thần linh) và “khao lao” (khao các vị thần linh) nhằm thể hiện sự cung kính đối với các vị thần linh bản xứ. Trong đó, Thánh Mẫu Liễu Hạnh (Slấn Mủ) là vị thần linh quan trọng và luôn được các thầy cúng thỉnh mời đến để chứng giám lễ nghi. Có thể thấy điều này qua trích đoạn Mo sau:
Xỉnh bó xỉnh tu đai
Nài bó nài tu ứn
Căm ứn mà trấn tu
Căm phù lồng trấn trạch
Xỉnh thâng pháp nư thản
Xỉnh thâng quan nư bâm
Xỉnh slấn Phjia Mi
Xỉnh thần Phjia Món
Xỉnh slấn Đâư Linh
Xỉnh thần Thả Và
Xỉnh slấn Mủ Miểu Vàng
Xỉnh thưng Nàng tu Cháo
Phỏng dịch:
Con thỉnh mời thần linh chẳng mời không
Con cầm sắc cầm lệnh lên mời các Ngài
Con thỉnh mời tổ sư trên điện
Con thỉnh mời các quan trên cung
Con thỉnh mời thần Phjia Mi
Con thỉnh mời thần Phjia Món
Con thỉnh mời thần Đâư Linh
Con thỉnh mời thần Thả Và
Con thỉnh mời Thánh Mẫu Miếu Vàng (Mẫu Liễu Hạnh)
Con thỉnh mời thần Táo quân…[7]
5. Kết luận
Có thể nhận thấy, tín ngưỡng là một trong những yếu tố gắn bó chặt chẽ trong đời sống của con người trên lãnh thổ Việt Nam nói chung và Lạng Sơn nói riêng, chi phối mọi mặt và giúp con người cảm thấy yên tâm về phương diện tinh thần. Trong số các hình thái tín ngưỡng dân gian hiện có mặt ở Việt Nam thì tín ngưỡng thờ Mẫu mà tiêu biểu là thờ Mẫu Liễu Hạnh đã đóng vai trò quan trọng, thể hiện thế giới quan của con người Việt Nam.
Lạng Sơn, vùng đất địa đầu tổ quốc, được coi là một trong những trung tâm phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu, trong đó có Mẫu Liễu Hạnh. Sự du nhập của tín ngưỡng này ở Lạng Sơn vào khoảng cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX đã phần nào thỏa mãn nhu cầu tâm linh của một bộ phận người dân di cư lên biên giới giao thương buôn bán và đông đảo cư dân bản địa. Thông qua, truyền thuyết, di tích và một số phong tục dân gian đã cho thấy Mẫu Liễu Hạnh cùng tín ngưỡng của Ngài đã gắn bó mật thiết với đồng bào các dân tộc Xứ Lạng, làm giàu cho tài nguyên di sản văn hóa mảnh đất nơi vùng cao biên viễn.

                                       Tài liệu tham khảo 

  1. Đào Duy Anh (1996), Từ điển Hán – Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội
  2. Hoàng Minh Hiếu (2020), “Phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ Mẫu ở Lạng Sơn”, https://baolangson.vn/van-hoa/318594-phat-huy-gia-tri-di-san-tin-nguong-tho-mau-o-lang-son.html, truy cập ngày 13/3/2023.
  3. Nguyễn Xuân Cường (2022), Tín ngưỡng thờ Mẫu trong các ngôi chùa của người Việt, Nxb Văn học, Hà Nội.
  4. Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận (2022), Tín ngưỡng và công tác Quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng hiện nay, https://snv.binhthuan.gov.vn/1316/32261/66135/616540/ban-ton-giao/tin-nguong-va-cong-tac-quan-ly-nha-nuoc-ve-hoat-dong-tin-nguong-hien-nay.aspx, truy cập ngày 13/3/2023.
  5. Vũ Hồng Vận (2020), Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.
  6. Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn (2006), Di sản văn hóa Lạng Sơn (tập 1 văn hóa vật thể), Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
  7. Nguyễn Thị Yên (2018), “Tín ngưỡng Tứ phủ trong văn hóa xứ Lạng”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học nghiên cứu, bảo tồn và phát huy đặc trưng văn hóa xứ Lạng, Ủy Ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Lạng Sơn, tr.148 – 158.
8. UBND huyện Tràng Định, phòng Văn hóa và thông tin (2021), “Báo cáo về thực trạng tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ tại huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn”
9. UBND huyện Tràng Định (1999), “Địa chí huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn”, Công ty in Lạng Sơn.
 

[1] Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận (2022), Tín ngưỡng và công tác Quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng hiện nay, https://snv.binhthuan.gov.vn/1316/32261/66135/616540/ban-ton-giao/tin-nguong-va-cong-tac-quan-ly-nha-nuoc-ve-hoat-dong-tin-nguong-hien-nay.aspx, truy cập ngày 13/3/2023.
[2] Đào Duy Anh (1996), Từ điển Hán – Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.283.
[3] Chữ dùng của Giáo sư Ngô Đức Thịnh
[4] Hoàng Minh Hiếu (2020), Phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ Mẫu ở Lạng Sơn, https://baolangson.vn/van-hoa/318594-phat-huy-gia-tri-di-san-tin-nguong-tho-mau-o-lang-son.html, truy cập ngày 13/3/2023
[5] Tràng Định
[6] Người dịch sắc: NNƯT Nguyễn Văn Thọ,
[7] Trích lời hát của Hoàng Văn Đủ, thầy mo thôn Bản Mới, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn trong một lễ cúng tại khu III, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định năm 2023.

Trả lời