Cao Đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc

        Thành viên của đoàn gồm 90 HSSV ở các ngành học Quản lý văn hóa, Văn hóa Văn nghệ quần chúng, Biên tập & Dàn dựng ca múa nhạc, Nghệ thuật biểu diễn dân ca, Du lịch và Kỹ thuật chế biến món ăn; 12 thầy cô là giáo viên chủ nhiệm và giảng viên giảng dạy các môn học có liên quan trực tiếp đến hoạt động Quản lý, tổ chức lễ hội truyền thống.
        Đền Kỳ Cùng và đền Tả Phủ là 02 di tích tín ngưỡng tiêu biểu của nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn. Đền Kỳ Cùng nằm bên cạnh bờ đá sông Kỳ Cùng thuộc phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn. Theo sách Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triểu Nguyễn Biên Soạn) thì đền thờ Thần sông Kỳ Cùng (thần giao long) với danh hiệu Kỳ Cùng Đại Vương và đền cũng được nhiều triều đại phong kiến ban tặng sắc phong. Sau này, đền phối thờ Quan Lớn Tuần Tranh và chư vị thần linh trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ. Đền Tả Phủ được xây dựng vào thời kỳ Lê – Mạc (Thế kỷ XVI) thờ Tả Đô Đốc Quận Công Thân Công Tài, nằm trên địa bàn phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn. Thân Công Tài là người gốc ở huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang), ông có công rất lớn trong việc mở mang phố chợ Kỳ Lừa và kêu gọi các thương nhân người Việt, người Hoa đến làm ăn, sinh sống, tạo nên diện mạo sầm uất, nhộn nhịp cho Xứ Lạng. Do vậy nên sau khi mất, ông được nhân dân lập đền thờ ngay tại phố chợ Kỳ Lừa. Theo truyền thuyết, Quan Lớn Tuần Tranh vì mắc phải tội oan nên trầm mình xuống sông Kỳ Cùng tự vẫn và ông Thân Công Tài là người trực tiếp giải oan cho Quan Tuần. Chính vì vậy nên trong sinh hoạt tín ngưỡng và lễ hội truyền thống, 02 di tích này luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau.
        Lễ hội đền Tả Phủ – Kỳ Cùng là hoạt động văn hóa được nhân dân thành phố Lạng Sơn tổ chức, duy trì từ lâu đời. Đây là một trong những lễ hội lớn và thường xuyên được UBND tỉnh Lạng Sơn chọn làm lễ hội điểm với quy mô cấp tỉnh. Lễ hội đền Tả Phủ – Kỳ Cùng được tổ chức trong thời gian 05 ngày từ 22 đến 27 tháng giêng âm lịch. Trong đó, hoạt động chính của hội trong ngày 22 được tổ chức tại đền Kỳ Cùng với hoạt động rước thần linh và Quan Lớn Tuần Tranh từ đền Kỳ Cùng lên đền Tả Phủ vào buổi sáng với ý nghĩa Quan Tuần lên tạ ơn Thân Công Tài. Hoạt động chính của hội ngày 27 được tổ chức tại đền Tả Phủ với hoạt động tranh đầu pháo và rước Quan Lớn Tuần Tranh trở lại đền Kỳ Cùng vào buổi chiều.
        Hàng năm, lễ hội đền Tả Phủ – Kỳ Cùng thu hút rất đông du khách trong và ngoài tỉnh đến tham dự. Điểm đặc sắc nhất trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội này chính là sự tham gia của cộng đồng. Ngay từ ngày 20 tháng giêng, các gia đình, các tổ liên gia, các hội nhóm và cửa hàng kinh doanh quanh trục lộ Trần Đăng Ninh từ đền Tả Phủ đến đền Kỳ Cùng đã đồng loạt dựng lán trại cũng như tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí để chào đón lễ hội, chào đón du khách gần xa đến tham gia.

 



        Trong thời gian lễ hội, UBND tỉnh Lạng Sơn còn tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa khác như Khai mạc “Triển lãm không gian văn hóa – du lịch Xứ Lạng” tại khuôn viên Bảo tàng Lạng Sơn; “Liên hoan diễn xướng Hầu Thánh”; “Khai mạc tuần văn hóa, du lịch Xứ Lạng”; “Liên hoan ẩm thực Xứ Lạng”… nhằm tạo không khí sôi động cho lễ hội và thu hút khách du lịch gần xa, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế, du lịch.
        Tại lễ hội đền Tả Phủ – Kỳ Cùng năm nay, đoàn tham quan thực tế của HSSV khoa Nghiệp vụ đã được tham gia trải nghiệm các hoạt động tại “Liên hoan ẩm thực Xứ Lạng” và hoạt động rước kiệu từ đền Tả Phủ về đền Kỳ Cùng. Qua sự hướng dẫn của các giảng viên môn học: Quản lý lễ hội & sự kiện; Quản lý văn hóa cơ sở; Chính sách và Pháp chế văn hóa; Tín ngưỡng, Tôn giáo và Nghiệp vụ hướng dẫn Du lịch, HSSV trong đoàn quan sát và nghiên cứu công tác tổ chức hoạt động lễ hội với các nhiệm vụ như bảo vệ an ninh, an toàn, thanh tra kiểm tra lễ hội, điều hành từng nội dung hoạt động,…
        Thông qua chuyến tham quan, thực tế, HSSV đã có cơ hội quan sát thực tiễn các hoạt động trong công tác quản lý, điều hành hoạt động lễ hội truyền thống. Đồng thời nhận diện được vai trò của từng chủ thể trong công tác quản lý, tổ chức hoạt động này. Đặc biệt, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân thành phố Lạng Sơn trong lễ hội đền tả Phủ – Kỳ Cùng là minh chứng rõ nhất để HSSV thấy được vai trò của cộng đồng đối với di sản văn hóa nói chung và lễ hội truyền thống nói riêng.

Trả lời