Cao Đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc

 
Tiết mục văn nghệ chào mừng do học sinh, sinh viên trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc biểu diễn
 
Tham dự chương trình có đồng chí Vũ Duy Hoàng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện một số sở, ban, ngành cùng đông đảo các hội viên Chi hội Nhiếp ảnh; Chi hội Điện ảnh, Phát thanh – Truyền hình (Hội VHNT tỉnh) và những người đang hoạt động trong 2 loại hình nghệ thuật này…

https://vannghethainguyen.vn/wp-content/uploads/2023/03/DSC08400.jpg

Các đại biểu tham dự chương trình
 
Tại chương trình, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại truyền thống ngành Nhiếp ảnh và Điện ảnh Việt Nam. Theo đó, ngày 15/3/1953, tại Đồi Cọ thuộc bản Bắc, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên thuộc chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 147/SL thành lập Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam với mục đích: “Tuyên truyền chính sách, chủ trương của Chính phủ; Nêu cao những thành tích, những gương chiến đấu anh dũng của quân và dân Việt Nam; Giới thiệu đời sống và thành tích đấu tranh kiến thiết của nhân dân nước bạn; Giáo dục văn hóa và chính trị cho nhân dân”. Đây là mốc son quan trọng đánh dấu sự phát triển và định rõ hướng đi cho Nhiếp ảnh, đồng thời tạo nền móng cho sự phát triển rực rỡ sau này của hai ngành Nhiếp ảnh và Điện ảnh Việt Nam.
Cũng chính từ sự kiện trên, ngày 16/12/2002, Nhà nước đã cho phép chính thức lấy ngày 15/3 hàng năm làm ngày Truyền thống của giới Nhiếp ảnh Việt Nam. Trải qua 70 năm, Nhiếp ảnh Việt Nam đã có những bước tiến dài. Vị thế của Nhiếp ảnh Việt Nam trên thế giới đã được nâng cao. Nhiếp ảnh Việt Nam đã và đang hoàn thành sứ mệnh cùng nhân dân cả nước xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng văn minh, giàu mạnh.
Thái Nguyên là chiếc nôi khai sinh của Điện ảnh, Nhiếp ảnh cách mạng của đất nước. 70 năm qua, tỉnh đã xây dựng và hình thành một đời sống nhiếp ảnh và điện ảnh đa dạng, phong phú.
Thái Nguyên đã đóng góp cho nền điện ảnh nước nhà những tên tuổi lớn. Có thể kể đến Nghệ sĩ nhân dân, đạo diễn, diễn viên điện ảnh Trần Phương (Trần Đức Phương); NSƯT, đạo diễn nhà quay phim tài liệu thời sự Ma Văn Cường… Những năm gần đây, từ sự phát triển của ngành truyền hình Thái Nguyên cùng những cố gắng sáng tạo của các nhà báo và nghệ sĩ nên đã có một số bộ phim truyện truyền hình về đề tài lịch sử như “Dưới cờ phục quốc”, “Tể tướng Lưu Nhân Chú” được tổ chức sản xuất, đánh dấu bước tiến mới của Thái Nguyên trong lĩnh vực Điện ảnh – Phát thanh truyền hình.
Đối với nhiếp ảnh, các nhà nhiếp ảnh Thái Nguyên đã cùng nhau dựng nên một nền nhiếp ảnh mới mang dấu ấn riêng của tỉnh nhà. Đặt nền móng là các nghệ sĩ lớp trước như: Chu Thi, Trần Quyết Thắng, Anh Sơn, Trần Thông… Các thế hệ nối tiếp sau đó cũng ngày càng trở nên đông đảo hơn và đưa Thái Nguyên dần trở thành một tỉnh có phong trào nhiếp ảnh mạnh trong khu vực phía Bắc. Hiện nay, Chi hội Nhiếp ảnh của tỉnh đã phát triển lên tổng số 42 hội viên trong đó có 14 hội viên là hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Các hội viên đã giành được nhiều giải thưởng cao trong nước và quốc tế, như: “Dự hội bản em” của Đồng Khắc Thọ đoạt giải Ảnh xuất sắc quốc gia năm 1994; “Nền Tổ quốc” của Đào Ngọc Long đoạt Huy chương Vàng Triển lãm nghệ thuật nhiếp ảnh toàn quốc lần thứ nhất 1996 – 2000; “Nhộn nhịp ngày mùa” của Văn Chi đoạt Huy chương Vàng Cuộc thi Ảnh ASEAN năm 1997 …

https://vannghethainguyen.vn/wp-content/uploads/2023/03/DSC08827.jpg

Các đại biểu tham quan không gian trưng bày 70 bức ảnh tiêu biểu của giới nhiếp ảnh tỉnh Thái Nguyên
 
Tại chương trình, thông qua tọa đàm, một số nghệ sĩ tiêu biểu đã chia sẻ cởi mở những kỉ niệm, những câu chuyện chân thực về nghề cũng như những mong muốn, dự định sáng tác trong thời gian tới.
Đóng góp cho chương trình của hội, Ban biểu diễn của Trường CĐ VHNT Việt Bắc xây dựng các tiết mục đặc sắc, tạo chương trình thêm phần sinh động và hấp dẫn. Chương trình nhận được sự đánh giá cao của khán giả tham dự và đế lại ấn tượng mạnh đối với các văn nghệ sĩ tham dự tại buổi gặp mặt.

Trả lời