Cao Đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc

           Thực hiện kế hoạch học tập môn học Cơ sở văn hoá Việt Nam, sáng thứ 2 ngày 4/12/2023, khoa Nghiệp vụ Văn hoá và Du lịch phối hợp giảng viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm hai lớp Cao đẳng Quản lí văn hoá K18 và lớp Trung cấp Văn hoá, văn nghệ quần chúng K33 đi học tập thực tế thành công và an toàn tại Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam.
           Dưới sự hướng dẫn chuyên môn của giảng viên Nguyễn Thị Thoa và các thầy giáo Trần Trung Hiếu – Trưởng Khoa chuyên môn, thầy Nguyễn Xuân Bách giảng viên môn học Các loại hình nghệ thuật dân gian Việt Nam, các em học sinh, sinh viên đã được tham dự buổi học tập thực tế, tìm hiểu trực tiếp văn hóa của các dân tộc Việt Nam. Tại buổi học tập, học sinh, sinh viên hai lớp đã được tham quan và nghe giới thiệu, quan sát trực quan những đặc điểm văn hoá tiêu biểu của các dân tộc Việt Nam (54 dân tộc anh em) trải dài từ vùng văn hóa Việt Bắc, Tây Bắc đến vùng văn hóa Nam Bộ. Mỗi vùng văn hóa, học sinh, sinh viên được tìm hiểu những nét đặc trưng văn hóa tiêu biểu bao gồm đặc điểm văn hoá vật chất và tinh thần từ văn hoá sinh hoạt trong nhà đến ngoài trời của các dân tộc vùng văn hoá Việt Bắc, Tây Bắc, vùng văn hoá châu thổ Bắc Bộ, vùng văn hoá miền Trung, vùng văn hoá Tây Nguyên và Nam Bộ.
           Trong buổi học, để tăng thêm tính trực quan trong việc tìm hiểu đặc trưng văn hóa của các dân tộc, các em đã lựa chọn loại hình nghệ thuật diễn xướng múa Rối nước của người Việt ở Bắc Bộ do các cô chú diễn viên của Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam trình diễn. Múa rối nước là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian nguyên hợp, độc đáo, sáng tạo mang đậm nét truyền thống của nền văn minh nông nghiệp lúa nước, ra đời cùng lúc với nền văn hóa Đại Việt. Nghệ thuật múa rối truyền thống của dân tộc Việt Nam gắn liền với những điều kiện tự nhiên, sinh hoạt của người nông dân trồng lúa nước ở đồng bằng Bắc Bộ.
           Bằng trí tưởng tượng phong phú, óc sáng tạo thông minh, người Việt xưa đã góp phần làm hình thành nên loại hình nghệ thuật đặc sắc này. Nhờ những giá trị mà múa rối nước mang lại, nó đã nhanh chóng trở thành loại hình nghệ thuật truyền thống và được coi là di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Với đối tượng học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số miền núi ở Việt Bắc, chủ yếu là người Mông, Dao, Tày, Nùng thì việc được thưởng thức nghệ thuật múa rối nước của người Việt ở Bắc Bộ giúp các em có thêm cái nhìn mới mẻ về văn hóa của người Việt xưa cũng như hiểu biết hơn về sự phong phú và đa dạng của văn hóa các dân tộc ở Việt Nam.
           Từ buổi học tập thực tế, trên cơ sở đã tìm hiểu khái quát lí thuyết cơ sở văn hoá Việt Nam, học sinh, sinh viên một lần nữa được trực tiếp tìm hiểu và quan sát các đặc trưng văn hoá của các dân tộc tiêu biểu trên cả nước từ truyền thống đến hiện đại, xuyên suốt không gian các vùng văn hoá. Từ đó dễ dàng nhận biết và hiểu hơn về văn hoá của Việt Nam, của các dân tộc ở Việt Nam.

Qua buổi học tập thực tế, các em đều vô cùng hào hứng và nhận thức được rằng, việc tiếp thu bài học từ thực tế có hiệu quả rất cao và bổ ích. Mong muốn của các em là được tham dự những buổi học thực tế như trên nhiều hơn trong chương trình học tiếp theo.

           Sau đây là một số hình ảnh của buổi học tập:


                                 Lưu lại chuyến đi cùng với thầy giáo Trưởng khoa Nghiệp vụ VH&DL

Bắt đầu buổi học với khái quát về các dân tộc ở Việt Nam
 
 

Xem trình diễn nghệ thuật múa Rối nước


Văn hóa tinh thần của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ


Tìm hiểu văn hóa nhà ở của người Mông


Đặc trưng văn hóa người Khơ me ở Nam Bộ

Trả lời