Cao Đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc

        Vì vấn vương cõi hồng trần nên trong lần giáng sinh cuối cùng, Thánh Mẫu đã xin Ngọc Hoàng cho ở lại trần gian mãi mãi để tác phúc độ dân. Trong văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Thánh Mẫu Liễu Hạnh là vị nữ thần duy nhất được tôn vinh vào hàng “Tứ thánh bất tử”. Qua các triều đại phong kiến, Thánh Mẫu Liễu Hạnh đều được sắc phong lên hàng Thượng đẳng thần. Sự hiện diện cùa Thánh Mẫu Liễu Hạnh trong văn hóa Việt Nam không chỉ phản ánh quá trình những lớp người từ đồng bằng Bắc Bộ di cư tỏa ra các vùng miền khác trong thời kỳ thương nghiệp phát triển mà còn đại diện cho thân phận người phụ nữ đứng lên chống lại lễ giáo phong kiến. Sự phụng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh hàm chứa nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng và thể hiện quan điểm nhân sinh quan, thế giới quan của người Việt.
        Để làm rõ hơn sức lan tỏa và giá trị của tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh trong thời kỳ hiện nay, ngày 02 tháng 04 năm 2023 vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng của con người (trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) đã tổ chức hội thảo khoa học “Tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh; lịch sử, giá trị, sự lan tỏa và việc bảo tồn, phát huy” tại hội trường cụm di tích đền Kim Ngưu – Phủ Tây Hồ (phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội). Nhận lời mời của Ban tổ chức, Trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc đã cử giảng viên Nguyễn Văn Bách thuộc khoa Nghiệp vụ Văn hóa & Du lịch viết tham luận và tham gia hội thảo.

Nhà giáo Nguyễn Văn Bách tham luận tại hội thảo

        Hội thảo khoa học “Tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh; lịch sử, giá trị, sự lan tỏa và việc bảo tồn, phát huy” có hơn 100 đại biểu tham gia gồm các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu khoa học xã hội Việt Nam; các nhà quản lý văn hóa; Ban quản lý các di tích gắn với việc phụng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh trên địa bàn các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Nội và các nghệ nhân thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ. Đến dự hội thảo có lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Nam Định, lãnh đạo hội văn nghệ dân gian Việt Nam, hội di sản văn hóa Việt Nam, đặc phái viên UNESCO tại Việt Nam. Hội thảo do PGS.TS Võ Hòa Bình (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng của con người), PGS.TS Phạm Lan Oanh (Phó viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam) và PGS.TS Nguyễn Thị Yên (Viện nghiên cứu văn hóa dân gian) điều hành với 23 tham luận được trình bày và thảo luận. Chương trình báo cáo tham luận được chia thành 03 phần cơ bản:
        Phần một: Di sản văn hóa, tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh với 09 tham luận.
        Phần hai: Tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh trong sự kết nối, lan tỏa với 08 tham luận.
        Phần ba: Bảo tồn, phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh trong bối cảnh đương đại với 06 tham luận.
        Các tham luận do các nhà nghiên cứu thuộc Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian, Viện nghiên cứu Tôn giáo, Viện nghiên cứu Hán Nôm, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Nam Định, trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc thực hiện. Tham luận tập trung vào việc phân tích lịch sử hình thành, giá trị, những lớp tín ngưỡng gắn với sự phụng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh và giải pháp bảo tồn, phát huy tín ngưỡng này trong đời sống đương đại.
        Tại hội thảo, giảng viên Nguyễn Văn Bách đã viết và trình bày tham luận “Tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh tại các huyện biên giới tỉnh Lạng Sơn”. Tuy tỉnh Lạng Sơn có vị trí địa lý nằm cách khá xa trung tâm thờ thánh Mẫu Liễu Hạnh là khu di tích Phủ Giày (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) nhưng theo truyện “Vân Cát nữ thần” của Đoàn Thị Điểm thì đây là nơi Thánh Mẫu Liễu Hạnh gặp Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan khi ông mới đi sứ Trung Quốc về. Do đó, Lạng Sơn cũng là địa phương có vai trò quan trọng trong diễn trình phát triển của tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Bài viết của giảng viên Nguyễn Văn Bách đã chỉ ra mối quan hệ của tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh với quá trình hình thành, phát triển của cư dân vùng biên giới thuộc tỉnh Lạng Sơn gắn với hệ thống di tích và thực hành tín ngưỡng. Đồng thời, nêu lên tương quan giữa tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh với hệ thống tín ngưỡng dân gian các dân tộc địa phương. Từ đó, khẳng định vai trò của tín ngưỡng này trong đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn. Tham luận đã được Hội thảo đánh giá cao.
        Trong chương trình buổi chiều, các đại biểu đã được mời tham dự nghi lễ hầu thánh do các nghệ nhân thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ đến từ các di tích trong khu di tích Phủ Giày (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) thực hiện tại chính điện đền Kim Ngưu thuộc khu di tích Phủ Tây Hồ, phường Quảng An, thành phố Hà Nội.
        Hội thảo khoa học “Tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh; lịch sử, giá trị, sự lan tỏa và việc bảo tồn, phát huy” có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định vị trí của tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh trong văn hóa Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là dịp để nhìn nhận lại quá trình phát triển của tín ngưỡng này cả ở mặt tích cực và hạn chế. Từ đó, tỉm ra những giải pháp tối ưu nhằm bảo tồn và phát huy vai trò của tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh trong giai đoạn hiện nay.

Trả lời