Cao Đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc

        Nằm ngay cửa sông Bạch Đằng, di tích Bạch Đằng Giang (Tràng Kênh-Thủy Nguyên) xứng đáng là quần thể hội tụ những dấu ấn lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng lớn bậc nhất Hải Phòng, một trong những điểm đến hấp dẫn du khách thập phương. Vùng cửa sông Bạch Đằng thực sự là một địa danh đặc biệt bởi trong một không gian không mấy rộng nhưng lại gắn liền với 3 trận thủy chiến. Đó là những trận chiến biểu tượng cho tinh thần của một dân tộc anh hùng, chống lại những thế lực ngoại xâm lớn mạnh gấp bội lần.
        Chính bởi ý nghĩa vô cùng lớn lao đó mà chuyến ra quân sau kỳ nghỉ tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024, Công đoàn Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc đã tổ chức chuyến đi cho các công đoàn viên thực tế, trải nghiệm tại khu di tích nhằm tạo không khí phấn khởi đầu năm trước khi bắt đầu vào một năm làm việc mới. Đợt tổ chức này, có 36 công đoàn viên tham gia hành trình với tinh thần: đoàn kết – vui vẻ – phát triển.
        Đây là vùng đất có nhiều nét văn hóa đặc sắc, bề dày lịch sử dân tộc và cũng là vùng đất yên bình với những con người thân thiện. Khu di tích này được bao bọc bởi dãy núi đá liền kề nối nhau san sát của Tràng Kênh, nối qua sông Giá tĩnh lặng, hiền hòa và chiếm lĩnh phần lớn di tích quần thể là dòng sông lớn Bạch Đằng chứng nhân của hàng nghìn năm lịch sử. Trước đây Bạch Đằng Giang chỉ là một địa danh đơn sơ, chẳng mấy ai biết đến. Tuy nhiên với những gì mà lịch sử đã ghi nhận, chính quyền địa phương đã tiến hành quy hoạch và phục dựng lại những chứng tích một thời hào hùng của dân tộc. 
        Hiện nay khu di tích Bạch Đằng Giang là một quần thể kiến trúc rộng lớn, mang nhiều yếu tố tâm linh lẫn nghệ thuật. Công trình được xây dựng vào năm 2008 và chính thức hoạt động đưa vào sử dụng vào năm 2011. Có thể coi Bạch Đằng Giang là một công viên rộng lớn, khang trang giúp du khách cảm nhận nhiều sự khác nhau về nghệ thuật kiến trúc hiện đại.
Quảng trường Chiến Thắng được xây nổi trên sông Bạch Đằng với diện tích 2000m2. Đây là nơi trang trọng đặt một công trình uy nghiêm, đó là tượng của 3 vị anh hùng dân tộc: Ngô Quyền, Lê Đại Hành và Trần Hưng Đạo.
        Các pho tượng được đúc bằng đồng nguyên khối, mỗi pho có chiều cao 8m, trọng lượng 40 tấn. 3 vị anh hùng được tạc với thần thái sống động, mỗi vị mang một sắc thái riêng. Đức vương Ngô Quyền đứng giữa, chân đạp sóng, tay chỉ thẳng dòng sông Bạch Đằng, nơi vùi xác quân thù. Đức hoàng đế Lê Đại Hành áo bào tung bay trong gió, tay nắm chặt đốc kiếm, mắt rực sáng thiêu đốt quân thù. Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn khoan thai, tay phải giữ “Binh thư yếu lược” Bình Nguyên, tay trái nắm chắc chuôi gươm, dánh hiên ngang trong tư thế: “Năm nay đánh giặc nhàn”.
                Cả 3 vị đứng trên bệ đá, lưng tựa tùng xanh Thiên niên thịnh, mắt dõi trùng khơi trong tư thế uy phong, rực sáng giữa màu xanh của trời, của non, của nước, là sự hòa quyện linh khí Thiên – Địa – Nhân, làm nên sự trường tồn của đất Việt. Dưới mặt nước là bãi cọc tượng trưng cho thế trận năm xưa mà các tiền nhân đã cho dựng lên để tiêu diệt quân thù.
Hiện nay, Quần thể Khu di tích Bạch Đằng Giang là điểm du lịch độc đáo và là nơi giáo dục truyền thống anh dũng, bất khuất, nơi tưởng nhớ công lao to lớn của các bậc tiên liệt đối với non sông, đất nước. Cùng với việc được tham quan, tìm hiểu về lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, khi đến khu di lích này du khách không khỏi bất ngờ về sự khác biệt ở đây, khi đem so sánh với nhiều điểm văn hóa tâm linh khác.
        Chuyến trải nghiệm đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với các công đoàn viên, đồng thời giúp các thầy cô bổ sung kiến thức vào bài giảng của mình về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, về vai trò trọng yếu của dòng sông Bạch Đằng trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc. Chuyến đi đã thành công tốt đẹp.

Trả lời