Cao Đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc

          Cuộc gặp mặt nhằm ôn lại chặng đường lịch sử với những thành tích vẻ vang mà giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn đã dành được.
          Tới dự buổi gặp mặt có Đ/c Trần Tám Thân – Chủ tịch công đoàn, các đ/c trong Ban chấp hành công đoàn khóa XXIII, nhiệm kỳ 2023 – 2028, các đồng chí tổ trưởng của 8 tổ công đoàn trong nhà trường.
          Trong buổi gặp mặt, đ/c Trần Tám Thân đã giới thiệu về quá trình ra đời của tổ chức Công đoàn Việt Nam, với tên gọi ban đầu là Tổng Công Hội Đỏ, được thành lập vào ngày 28/7/1929 tại Hà Nội và đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được bầu làm người đứng đầu Ban chấp hành lâm thời Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và đường lối công vận của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, trong giai đoạn kể từ khi ra đời cho đến khi Cách mạng tháng tám thành công, tổ chức Công đoàn lần lượt được thay đổi tên gọi để phù hợp với tình hình chính trị thế giới, đồng thời thay đổi hình thức đấu tranh, mở rộng tính quần chúng để thu hút và tập hợp được đông đảo lực lượng quần chúng tham gia phong trào đấu tranh đòi quyền lợi cho người lao động.
          Tiếp theo lịch sử các giai đoạn đấu tranh cách mạng và xây dựng đất nước, tổ chức Công đoàn tiếp tục hoàn thiện và hợp nhất khi hai miền Nam-Bắc thống nhất. Ngày 6-6-1976, Hội nghị thống nhất Công đoàn toàn quốc đã họp và thông qua lấy tên gọi thành “Tổng Công đoàn Việt Nam”, bầu ra Ban chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam và đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu làm Chủ tịch. Dấu mốc quan trọng sau khi Đảng ta quyết định đổi mới toàn diện cơ cấu nền kinh tế tại Đại hội lần thứ VI của Đảng, đã làm chuyển biến nhận thức trong toàn xã hội. Cũng từ đây, Đại hội lần thứ VI Công đoàn Việt Nam diễn ra tại Hà Nội từ ngày 17 đến ngày 20/10/1988 xác định “Việc làm, đời sống, dân chủ và công bằng xã hội” là mục tiêu hoạt động của Công đoàn các cấp; Đại hội quyết định đổi tên Tổng Công đoàn Việt Nam thành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và được duy trì cho tới ngày nay.
          Cùng với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn trong cả nước, tổ chức Công đoàn Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc đã góp phần không nhỏ trong sự nghiệp phát triển công đoàn của tỉnh Thái Nguyên, thành phố Thái Nguyên. Với đội ngũ đoàn viên trẻ và nhiệt huyết đã không ngừng phấn đấu trưởng thành và vững mạnh trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, thực hành, biểu diễn thực hiện các nhiệm vụ chính trị mà các Bộ, ngành giao cho. Đến nay, Công đoàn Nhà trường đã trải qua 22 nhiệm kỳ; trong suốt gần 60 năm qua Công đoàn Nhà trường đã hoàn thành tốt vai trò, chức năng nhiệm vụ chính trị của mình, luôn cùng các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động; đồng thời tuyên truyền phổ biến kịp thời chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến người lao động, để người lao động thấy được nghĩa vụ và quyền lợi của mình, cùng tham gia đóng góp xây dựng xã hội Việt Nam ngày càng phát triển vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
          Cũng trong buổi sáng, BCH công đoàn nhà trường đã đến chúc mừng Liên đoàn lao động tỉnh và thành phố Thái Nguyên.

Trả lời