Cao Đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc

Đây là năm thứ 2 hội văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tổ chức chương trình này. Chương trình “Hoa Núi” năm 2022 gồm 11 tác phẩm ca, múa, nhạc của 19 tác giả đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển văn hóa, nghệ thuật của Thái Nguyên và cả nước. Chương trình được thực hiện với sự tham gia của hơn 100 nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, dưới sự chỉ đạo nội dung của Nhạc sĩ, NSƯT Đỗ Quang Đại; tổng đạo diễn – NSƯT Mai Thanh.
Trong dịp này, trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc đã có 03 giảng viên có tác phẩm được lựa chọn để công bố tại chương trình.
Tác phẩm “Gọi hoa” của giảng viên Hoàng Thiện Thực – Trưởng khoa múa cùng với những tiết mục múa: “Lời ngọt trên nương”, “Xe lanh” đan cài cùng các tiết mục hát: “Gọi anh”, “Người Dao trồng rừng” trong phần đầu của chương trình đã khéo léo dựng lên một không gian mang đậm tính dân tộc. Thông qua những điệu múa đầy điêu luyện và nhuần nhuyễn tái hiện khung cảnh lao động của đồng bào Dao, Mông, những con người nhẫn nại, cần mẫn hiền lành luôn hết mình với công việc nhưng khi yêu thì rất táo bạo, đắm say. Những câu hát da diết, những làn điệu đặc trưng đã khiến cho người xem như được sống cùng đời sống hiện thực đậm chất thơ của đồng bào Tày – Nùng, Dao – đó là những cô gái Tày khéo léo, chịu thương chịu khó, là những chàng trai người Dao rắn rỏi, tươi vui.

.

Múa “Gọi hoa” của nhà giáo Hoàng Thiện Thực – Trưởng khoa Múa và Sân khấu
Giảng viên Nguyễn Văn Bách – Khoa Nghiệp vụ văn hóa và Du lịch có trích đoạn diễn xướng Then cổ “Lên cõi thần tiên”- ở cuối của phần 1 để lại ấn tượng rất mạnh với người xem. Đây là trích lược trong thực hành Nghi lễ Lẩu Then của dân tộc Tày (Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại). Trích đoạn then mô tả cuộc hành trình của đoàn quân then lên cõi thần tiên. Với lời ca, âm nhạc trữ tình cộng với những vũ điệu chầu then duyên dáng, tinh tế, trích đoạn lột tả những cung bậc cảm xúc nửa thực, nửa mơ của tâm hồn con người giữa cõi thực, cõi mơ và thể hiện ước vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Để biểu diễn thành công tiết mục này thì người nghệ nhân cần có kỹ năng chơi đàn tính, hát và múa cực tốt cùng sự thăng hoa mạnh khiến người xem như cuốn theo không khí vừa thiêng liêng, huyền ảo nhưng cũng rất thực và rất đời này.

.

Giảng viên Nguyễn Văn Bách biểu diễn trích đoạn
Giảng viên Nguyễn Thị Thanh Mai – Phó Trưởng khoa Múa và Sân khấu với tác phẩm “Hồn đá” đã thu hút người xem bởi vẻ đẹp tổng hòa của ngôn ngữ hình thể, âm thanh, ánh sáng, phục trang, đạo cụ,… từ đó làm nổi bật lên nội dung của tác phẩm với nhiều cung bậc cảm xúc.

.

Tác phẩm “Hồn đá” – đạo diễn: GV Nguyễn Thị Thanh Mai
Đây là chương trình đặc biệt công diễn những tác phẩm cũng đặc sắc cho công chúng Thái  Nguyên được thưởng thức. Với sự sáng tạo không ngừng nghỉ của đội ngũ văn nghệ sĩ Thái Nguyên trong đó có các giảng viên Trường CĐ VHNT Việt Bắc góp phần làm cho chương trình hoành tráng, cho thấy sự nghiên cứu tìm tòi của các nghệ sĩ là rất lớn. Với những kiến thức ấy, các giảng viên nhà trường cập nhật vào nội dung giảng dạy làm phong phú chương trình, giữ gìn bản sắc dân tộc của khu vực và bổ sung kiến thức thực tiễn cho người học trong đào tạo của trường hiện nay.

Trả lời