Cao Đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc

Phong slư là loại hình nghệ thuật đặc sắc trong kho tàng văn hóa, nghệ thuật của người Tày ở vùng Đông Bắc. Phong slư mang nhiều giá trị về lịch sử, âm nhạc và văn học. Người Tày yêu mến phong slư không đơn thuần chỉ do phong slư có âm điệu nhẹ nhàng, da diết mà còn là người bạn tâm tình, tự sự và sẵn sàng sẻ chia trong mọi hoàn cảnh. Bên cạnh vai trò là loại hình nghệ thuật thì phong slư còn là một hình thức truyền tải thông tin của người Tày. Trong thời kỳ trước đây khi chưa có mạng thông tin phát triển, người Tày thường viết những bức thư dưới hình thức thơ thất ngôn để trao gửi, bày tỏ tâm sự với nhau. Những bức thư được viết theo cách này được gọi là phong slư và thường được đồng bào ngâm nga trong những lúc thanh nhàn. Ngày nay, sự phát triển của khoa học, kỹ thuật đã thay thế các hình thức truyền tải thông tin truyền thống trong đó có phong slư. Phong slư hiện nay đơn thuần chỉ còn là một hình thức dân ca chứ không còn là cách thức trao đổi thông tin liên lạc. Hình thức hát phong slư thường xuyên xuất hiện trong các chương trình văn nghệ quần chúng tại cơ sở, góp phần không nhỏ cho công tác tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước đến các tầng lớp quần chúng nhân dân cũng như bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, dân tộc. Tuy vậy, việc sáng tác, truyền dạy và biểu diễn phong slư hiện nay đang gặp nhiều bất cập, thậm chí nhiều tác phẩm tuy được gọi là “phong slư” nhưng về bản chất thì chỉ là những bài thơ đơn thuần vì không có đủ điều kiện đáp ứng các tiêu chí. Do đó, rất cần đưa những thông tin về lề lối, niêm luật của nghệ thuật phong slư vào công tác truyền dạy để không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động giảng dạy, biểu diễn mà còn giúp người học hiểu đúng về loại hình nghệ thuật này.

1. Phong slư trong đời sống người Tày

Phong slư (hoặc phong thư theo ngữ âm vùng Bắc Kạn, Tuyên Quang) nguyên nghĩa là những bức thư dùng để truyền tải thông tin giữa con người với con người. Tuy nhiên khác với bức thư thông thường, bức thư được gọi là phong slư có tính chất nghệ thuật rõ ràng hơn khi nội dung bên trong thư được thể hiện dưới dạng thơ thất ngôn (7 chữ) và được ngâm nga trong giai điệu nhẹ nhàng, du dương. Những bức thư theo lối phong slư được dùng để giãi bày tình cảm giữa người gửi và người nhận. Do vậy, nội dung của phong slư rất đa dạng, phong phú, đó có thể là bức thư của chàng trai gửi tới người yêu của mình nhưng cũng có thể là bức thư của người con ở nơi phương xa gửi về cho cha mẹ,… Tuy nhiên, chủ đề về tình yêu lứa đôi luôn là yếu tố xuyên suốt trong nghệ thuật trình diễn phong slư.

Những bức phong slư thường được thể hiện ở 02 dạng cơ bản là viết bằng chữ Nôm Tày và viết bằng chữ quốc ngữ. Chất liệu để viết phong slư có thể là giấy gió hoặc trên vải màu. Ngoài ra, còn có cả những bài thơ ngắn theo dạng phong slư được viết trên quạt giấy.

Trước đây, do bản chất phong slư là những bức thư bày tỏ tâm sự cá nhân nên việc ngâm phong slư thường chỉ có 01 người và thường chỉ phục vụ bản thân họ (tự sự) hoặc cho một nhóm người thân quen để cùng chia sẻ chứ không công khai một cách rộng rãi như hiện nay. Khi đưa phong slư lên trình diễn tại sân khấu, các tác giả và người thể hiện còn đưa thêm hình thức đôi đối đáp vào phong slư, biến hình thức dân ca tự sự này thành dân ca giao duyên như sli lượn. Chúng tôi cho rằng sự thay đổi này không đúng với tính chất của phong slư, tuy nhiên do đã được cộng đồng chấp nhận nên chúng tôi cũng không quá máy móc trong việc đánh giá. Tuy vậy cũng cần đưa ra để có cái nhìn đúng đắn và khách quan đối với nghệ thuật trình diễn nguyên bản trong phong slư.

Trong thời kỳ phát triển khoa học – kỹ thuật như hiện nay, nhiều phương tiện truyền tải thông tin ra đời đã thay thế các phương thức truyền tin truyền thống trong đó có phong slư. Phong slư hiện nay đơn thuần chỉ là hình thức dân ca chứ không còn là hình thức trao gửi thông tin và bày tỏ tâm tình như trước đây nữa.

2. Cấu trúc của bài phong slư

Phong slư cũng có cấu trúc như một bức thư thông thường. Về cơ bản, một bức phong slư đảm bảo đủ yêu cầu thường gồm 03 phần chính như sau:

Phần 1: Mở đầu

Phần mở đầu này gồm những câu thơ nói về thời gian, người nhận thư và mục đích của chủ nhân bức phong slư muốn gửi tới người nhận. Đây là đặc điểm rất quan trọng để xác định bức phong slư đúng nghĩa, nếu không có phần này thì tác phẩm chỉ đơn thuần là bài thơ thất ngôn chứ không thể đủ điều kiện gọi là phong slư. Thông thường, việc đề thời gian cho bài phong slư thường được căn cứ vào các mùa trong năm. Ví dụ:

Thu thiên vằn dú vắng buồn lai

Căm bút chép slư bài phjác mẹ

Chứ công trình mẹ nắc tọ phjia

Tải lục cẩu bươn pài chang múc

(Công mẹ liệng lục – Công mẹ nuôi con. Sáng tác NNƯT Đoàn Bích Khê)

Dịch nghĩa:

Ngày thu ngồi một mình buồn bã

Cầm bút viết lá thư gửi mẹ.

Nhớ công ơn mẹ nặng như núi

Hoài thai con 9 tháng trong bụng

Bài phong slư này do NNƯT Đoàn Bích Khê (huyện Tràng Định) viết vào những năm 70 khi bà đang học tại trường Trung cấp Thương nghiệp Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên) để gửi về cho mẹ của mình. Căn cứ theo phần đầu bài ta có thể thấy, bài phong slư trên được tác giả Đoàn Bích Khê viết vào thời gian mùa thu và đối tượng nhận lá thư là người mẹ. Nội dung của bức phong slư này nhằm giãi bày tình cảm thương nhớ của người con đang đi học ở nơi xa đến mẹ

Phần 2: Nội dung

Đây là phần thể hiện đầy đủ nhất những tâm tư và tình cảm của người viết dành cho người nhận. Tùy từng đối tượng mà người nhận như người yêu, người bạn thân hoặc cha mẹ,… mà phong slư có những cách thể hiện khác nhau; tuy nhiên đặc điểm chung của tất cả các bức phong slư là lời ca rất da diết và chân tình. Ở nhiều bài phong slư, người viết còn vận dụng cả những tích truyện như Lưu Bình – Dương Lễ, Phạm Công – Cúc Hoa, Pú  Lương – Đính Quân,… để tăng thêm sức truyền tải thông điệp và tình cảm.

Phần 3: Kết bài

Phần kết của bài phong slư thường nhắc lại những nội dung chính của cả bài và gửi gắm những lời dặn dò, ước hẹn của người viết đến người nhận. Trong đó, những hình tượng trong văn học dân gian Tày như chim én, làn gió, đám mây,… thường được người viết mượn để làm phương tiện đưa tin mang tính ước lệ đến người nhận. Sự hiện diện của các hình tượng này không đơn thuần nâng cao tính nghệ thuật, tính phong phú cho ngôn ngữ phong slư mà còn mang hàm ý sâu sắc khi bày tỏ nỗi nhớ. Theo đó, một bức phong slư tuy có thể chưa đủ sức để làm người ta nhớ nhung nhưng khi nhìn gió, nhìn mây, nhìn chim én,… với tần suất hiện hữu liên tục lại gợi cho người nhận những tình cảm tốt đẹp từ phía người trao.

Ví dụ:

Táng cần dú táng tàng dá vọng

Noọng phác ẻn mừa pjoóng thông tin.

Dịch:

Mỗi người ở mỗi phương nào tưởng vọng

Em gửi cánh chim én tin này đến anh.

3. Âm nhạc trong phong slư

Do là lối hát ngâm trên nền tảng thơ thất ngôn nên hát phong slư còn được gọi là ngâm thơ hoặc ca ngâm phong thư. Chính vì là lối ngâm thơ nên trong phong slư có cả hình thức nói vần (phjuối pác) và ngâm có giai điệu (hát).

Lối nói vần là cách đọc thơ diễn cảm từng câu, từng chữ một cách khoan thai, nhẹ nhàng, có trầm bổng và chậm rãi, thong thả. Cách nói vần này hiện nay không được sử dụng nhiều trong các tiết mục hát phong slư.

Lối ngâm thơ có giai điệu (hát phong slư) nhẹ nhàng, du dương, da diết và sâu lắng. Âm vực trong phong slư thường không vượt quá 1 quãng 8. Đặc điểm cơ bản của âm nhạc trong hát phong slư là giai điệu dàn trải, tự do và không có nhịp phách rõ ràng. Cách hát này tuy gây khó khăn khi áp dụng vào việc kết hợp giữa người hát với dàn nhạc đệm nhưng lại tạo cho phong slư những sự tinh tế riêng và giúp người hát khoe được chất giọng cũng như những nốt luyến láy đặc biệt. Giai điệu của hát phong slư không có tính phong phú, đa dạng mà chỉ có 02 giai điệu chính phân theo 02 vùng là phong slư Lạng Sơn và phong slư Cao Bằng. Trong đó, giai điệu của phong slư Cao Bằng dàn trải hơn phong slư Lạng Sơn.

4. Cách thức đặt lời trong phong slư

Do phong slư có những đặc thù riêng trong cấu trúc và nội dung tư tưởng nên khi đặt lời, tác giả cần phải tuân thủ chặt chẽ lề lối này để tránh cho sáng tác phong slư trở thành một bài thơ bảy chữ thông thường. Theo đó, cần có phần mở, phần nội dung và phần kết bài với những đặc trưng như chúng tôi đã đề cập ở phần 2.

Việc đặt lời cho tác phẩm phong slư cần lưu ý 02 yếu tố là ngôn ngữ và thể thơ. Ngôn ngữ sử dụng trong phong slư là tiếng Tày, tuy nhiên có thể thêm cả phần tiếng Việt để tạo thành song ngữ nhằm mục đích phổ biến rộng cho tất cả đối tượng khán giả. Khi sử dụng tiếng Việt để sáng tác phong slư, cần phải chú ý đến các thanh điệu (bằng, sắc, hỏi, ngã, nặng, huyền) trong từng chữ phải phù hợp với giai điệu để khi hát không bị mất chữ, mất dấu dẫn đến không rõ lời. Trước đây người Tày thường viết phong slư bằng chữ Nôm Tày, hiện nay số lượng người biết chữ Nôm Tày không nhiều nên sáng tác chủ yếu bằng chữ quốc ngữ.

Thể thơ trong phong slư Tày phải là thơ thất ngôn. Có nhiều người thử cải tiến phương pháp sáng tác bằng cách đưa thơ lục bát hoặc song thất lục bát vào phong slư nhưng do không phù hợp nên tạo ra sự gượng ép khi thể hiện. Cách gieo vần trong sáng tác thơ thất ngôn nói chung và phong slư nói riêng thường là chữ thứ 7 của câu thứ nhất sẽ gieo xuống chữ thứ 5 của câu tiếp theo và cứ nối tiếp như vậy cho đến khi kết thúc bài. Cách gieo vần này tạo cho bài thơ dễ đọc, dễ ngâm và cho người nghe dễ cảm thụ.

Ví dụ

Xuân thiên vằn dú quẹng puồn lai

Củ bút chép slư đai vàn noọng

Nhân tình đạo nghịa toọng đuổi căn

Mự nâng dậu sloong vằn cụng ngại.

Dịch nghĩa:

Ngày xuân lúc vắng vẻ buồn thay

Cầm bút viết thư này thăm bạn

Tình hai ta nặng nghĩa với nhau

Dẫu một ngày, hai ngày cũng bạn

(Vằn xuân)

Từ đây có thể thấy, để có thể sáng tác được một bài phong slư có giá trị thì người viết không phải chỉ cần có vốn ngôn từ phong phú mà còn phải có cả một tâm hồn yêu đời, yêu thơ và yêu người.

Kết luận

Phong slư là loại hình nghệ thuật đặc sắc trong kho tàng văn nghệ dân gian của người Tày; phong slư hàm chứa nhiều giá trị về văn học, nghệ thuật cũng như lịch sử. Do sự tác động của các yếu tố gồm cả khách quan và chủ quan nên một thời gian khá dài, nghệ thuật phong slư bị ảnh hưởng, mai một khá nhiều. Đến nay, phong slư đang dần trở lại với cộng đồng thông qua các chương trình văn nghệ tại cơ sơ. Tuy nhiên sự hiện diện của phong slư ngày nay không còn mang tính nguyên gốc mà đã bị biến đổi khá nhiều, sự biến đổi này thậm chí gây khó khăn cho việc nhận diện phong slư với các loại hình dân ca khác.

Tin bài. Nguyễn Văn Bách – GV Khoa Nghiệp vụ Văn hóa và Du lịch