NGHỆ NHÂN DƯƠNG THỤC, NGƯỜI CHẾ ĐÀN TÍNH 12 DÂY TỪ BÀI THEN CỔ

Thứ ba - 01/04/2014 21:08
NGHỆ NHÂN DƯƠNG THỤC, NGƯỜI CHẾ ĐÀN TÍNH 12 DÂY TỪ BÀI THEN CỔ
NGHỆ NHÂN DƯƠNG THỤC, NGƯỜI CHẾ ĐÀN TÍNH 12 DÂY TỪ BÀI THEN CỔ

(ĐHVH) - Đàn tính là nhạc cụ dùng đệm hát then của đồng bào Tày – Nùng trong các buổi sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng và tâm linh. Theo dân gian, cây đàn tính vốn dĩ 12 dây, tiếng đàn khi ngân ngọt như mật ong và trong như nước khe, nước suối khiến người nghe quên hết cả việc mùa. Từ sự tích cây đàn tính, Nghệ nhân Dương Thục đã chế ra cây tính tẩu 12 dây như chuyện xưa vẫn kể.

Từ bài then cổ đến ý tưởng sáng tạo

Từ thị xã Bắc Kạn, chúng tôi vượt gần 60km để gặp gỡ và giao lưu với Hội VHNT Cao Bằng và Hội VHNT tỉnh Nghệ An tại hồ Hồ Ba Bể. Trên đường đi, chị tránh văn phòng hội VHNT tỉnh nhắc anh lái xe, đến thị trấn Chợ Rã nhớ đón Nghệ nhân Dương Thục. Suốt chặng đường dài, nghe chị kể về người làm ra cây đàn tính 12 dây mà tôi cứ khấp khởi mong sớm đến nơi để được một lần mục sở thi cái sự lạ ấy. Rồi tôi cũng được gặp ông. Dáng người thấp nhỏ, vầng trán cao rộng, tay sách túi đàn, người đàn ông đang đứng ngay trước tôi chính là Nghệ nhân Dương Thục, người được mệnh danh là kho tàng văn hoá cổ dân tộc Tày tại tỉnh Bắc Kạn.


Qua trò chuyện được biết Nghệ nhân Dương Thục năm nay tuổi đã gần sáu mươi, bằng tâm huyết và lòng đam mê với cây đàn tính của dân tộc Tày, ông đã miệt mài nghiên cứu, sưu tầm nhiều làn điệu then cổ từ cây đàn tính. Sinh ra, lớn lên ở mảnh đất nhiều trầm tích văn hoá cổ Hồ Ba Bể (Thị trấn Chợ Rã huyện Ba Bể, Bắc Kạn), được tắm táp, ngụp lặn trong dòng văn hoá đậm đà bản sắc, trong ông le lói một tiềm năng về nghệ thuật dân gian Tày. Niềm đam mê ấy theo ông suốt thời niên thiếu. Bất kỳ hội hát then hay lễ nghi nào ở địa phương ông đều lân la ghi chép và dày công nghiên cứu học hỏi. 

Từng có thời gian gần 10 năm làm nhạc công cho Đoàn nghệ thuật Bắc Thái, với vốn hiểu biết và tài năng của mình, ông đã đem kiến thức ấy vào việc nghiên cứu làm ra cây đàn tính 12 dây. Ý tưởng chế tác cây đàn tính đặc biệt này được bắt đầu trong một lần lân la sưu tầm các bài then cổ của người Tày. Ngồi trầm ngâm dưới nếp nhà sàn với cây tính tẩu 12 dây của mình ông bảo, ngày đó khi sưu tầm những bài then cổ, tôi may mắn có được bài then Cốc tính (Gốc tính), bài then kể rất hay về sự tích cây đàn tính và nguyên do vì đâu mà đàn tính bây giờ chỉ còn 2 hoặc 3 dây. Hồi đâu những năm 1980 gì đó, ý tưởng làm cây đàn tính như chuyện xưa đã kể trong lời then bắt đầu hình thành. Lời then kể rằng, thủa trươc có anh chàng tên là Xiên câm, tuổi đã ba mươi mà vẫn chưa lập gia đình. Sống một mình mãi chàng buồn mới lên Ngọc Hoàng xin làm cây đàn tính để khây khoả, người trời cho giống bầu làm bầu đàn cho cây gỗ mộc hương làm thân và dây tơ làm dây tính, chàng Xiên câm đã làm ra cây đàn tính 12 dây từ những vật liệu đó. Khi tiếng tính cất lên, người dân không còn biết cả ngủ, quên cả vụ mùa, bỏ bê công việc. Biết chuyên Ngọc Hoàng mới sai Pụt Luông xuống cắt đi 9 dây đàn để người dân thoát khỏi sự mê mẩn mà quay về với ruộng nương, đồng áng. Lời then kể về 12 dây đàn rất hay, lời rằng:

Dây một lên đường bách hạc

Dây hai nam bắc ngủ âm

Dây ba như tiếng ong kéo mật

Dây bốn ngân thánh thót ngũ canh

Dây năm ra tiếng then tàng nặm*

Dây sáu cảnh ngũ sắc hoa xuân

Dây bảy vọng thanh tân mai túc

Dây tám ngân cửu khúc cười vui

Dây chín ngân mọi người buồn bá

Dây mười ngân rời rã chân tay

Dây mười một như lời tiên nói

Dây mười hai như nhòi** ới thương

Lời then đã thôi thúc Nghệ nhân Dương Thục bắt tay làm cây đàn tính với mong muốn có được cây tính tẩu 12 dây cho mình.

Và cây đàn tính 12 dây chưng bày tại Bảo tàng Bắc Kạn

Nghệ nhân Dương Thục tâm sự, khi bắt tay vào làm cây đàn tính này gặp không ít khó khăn, nhiều khi tưởng chừng phải bỏ cuộc. Khó khăn lớn nhất trong việc chế tạo cây đàn tính 12 dây chính là việc dùi lỗ luồn dây và tìm kiếm bầu đàn. Với cây đàn tính 2 hoặc 3 dây thì bầu đàn là những quả bầu bình thường người ta vẫn trồng trên nương rẫy, nhưng giờ phải thêm những 9 dây thành ra bầu ấy không còn đủ lớn nên việc lựa chọn quả bầu to là rất khó. Chỉ cần nghe nói ở đâu có quả hay giống bầu lớn là ông khăn gói tìm đến. Sau nhiều lần như vậy ông cũng may mắn có được một quả đủ lớn để dùng cho việc làm bầu đàn. Đàn tính vốn chỉ có hai hoặc ba dây, giờ kéo thêm 9 dây là điều rất khó, làm sao để hợp lí cho người chơi mà âm thanh đặc trưng của tính không bị mất hoặc pha trộn. Sau thời gian dài suy ngẫm, ông đã tìm ra hướng giải quyết khi chia dây, để 6 dây lùi về phía bầu đàn, bằng cách này, người chơi có thể thuận tiện khi dùng dây tính, và đàn các bản nhạc khác hay đệm hợp âm. Bản hoà tấu đàn tính 12 dây đầu tiên được Nhạc sỹ Đức Liên soạn khi Đoàn nghệ thuật dân tộc Bắc Kạn tấu lên đã khiến ngươi nghe trầm trồ bởi âm thanh của tiếng đàn và sự kỳ lạ của cây tính tẩu 12 dây lần đầu tiên xuất hiện.


Sau gần 20 năm nung nẫu và bỏ nhiều công sức vào làm cây đàn tính 12 dây, đến nay, Nghệ nhân Dương Quang Thục đã chế được ba cây đàn tính dựa trên câu chuyện được kể trong lời then Cốc tính. Một cây được Nhạc sỹ Đức Liên mang về Hà Nội, một cây được ông Hoàng Văn Tạ, Giám đốc Bảo tàng Bắc Kạn mang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Cây còn lại luôn được ông mang theo bên mình. Với cây tính tẩu 12 dây, ông đã ba lần được biểu diễn tại các Liên hoan toàn quốc, lần gần đây nhất là tại đền Hùng, nhân ngày giỗ tổ. Theo Nghệ nhân Dương Thục, cây đàn tính 12 dây có thể đánh được nhiều làn điệu dân ca Bắc, Trung, Nam. Khi tôi nói đến việc đăng ký quyền tác giả, nghệ nhân Dương Thục cười bảo, làm được là vui lắm rồi, nếu có ai bắt trước hoặc lấy bản quyền cũng chẳng sao, miễn là cây đàn 12 dây của người Tày giờ không còn là sự tích nữa. Thật hiếm có người như ông. Cả buổi gặp gỡ giao lưu, tiếng tính tẩu cứ trong veo như nước suối, cất lên mãi không thôi. Trước lúc chia tay, ông đàn lại cho chúng tôi nghe bài then Cốc tính và bài then kể về sự tích Hồ Ba Bể quê ông. Những ngón tay mềm mại lướt trên cần đàn, ngón tay búng dây dẻo như thời hai mươi thủa nào. Xe đã lăn bánh mà tiếng đàn ông như vẫn còn theo mãi người về, dịu ngọt nhớ thương.

 

- Chú thích:

* Tàng nặm theo chiết âm tiếng tày có nghĩa là đường nước, người tày có then đường nước và đường cạn.

** Nhòi: một loại côn trùng họ ve kêu rất gợi thương gợi nhớ

 

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn https://vietbacact.edu.vn là vi phạm bản quyền

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giới thiệu về Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc

      Tên đơn vị: TRƯỜNG CAO ĐẲNG VĂN HOÁ NGHỆ THUẬT VIỆT BẮC.       Địa điểm trụ sở chính: Phường Đồng Quang - Thành phố Thái Nguyên-Tỉnh Thái Nguyên.       Lịch sử nhà trường qua các thời kỳ:       - 1959 - 1960: Thành lập Trường...

Thăm dò ý kiến

Bạn biết đến nhà trường qua kênh thông tin nào ?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi