Bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Tỉnh Lạng Sơn

Thứ bảy - 05/11/2022 18:09
Bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Tỉnh Lạng Sơn
Bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Tỉnh Lạng Sơn

Nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc trong thời kỳ hội nhập, phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 33–NQ-TW ngày 09/06/2014 Hội nghị lần thứ IX của BCH Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và Nghị quyết số 58-NQ/TU ngày 29/11/2011 của BCH Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn “Về Công tác dân tộc và thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2030”, trong 02 ngày 02,03/11/2022 vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Lạng Sơn đã long trọng tổ chức “Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống và hát dân ca các dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2022” và Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”. Nhận lời mời của Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Lạng Sơn, trường CĐ VHNT Việt Bắc đã cử 02 giảng viên của Nhà trường là giảng viên Nguyễn Văn Bách và giảng viên Nguyễn Thị Tuyết Nhung tham gia chương trình.

 

.

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

Chương trình “Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống và hát dân ca các dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2022” được tổ chức từ ngày 02 đến ngày 03/11/2022 tại sân khấu trung tâm văn hóa, nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn với sự tham gia của 11 đoàn đến từ các huyện, thành phố trong tỉnh Lạng Sơn. Mục tiêu của liên hoan không đơn thuần là đánh giá kết quả của công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của trang phục dân tộc và kho tàng dân ca, dân vũ của các địa phương mà còn là dịp để quảng bá sự đa dạng, phong phú của văn hóa các dân tộc anh em trên mảnh đất biên cương Xứ Lạng. Trong thời gian 02 ngày diễn ra liên hoan, khán giả Lạng Sơn đã được chiêm ngưỡng 22 bộ trang phục nguyên bản của các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Cao Lan và Hoa với nhiều hình thức như trang phục sinh hoạt đời thường, trang phục lễ hội, trang phục dùng trong các nghi lễ,… Ngoài ra, khán giả còn được thưởng thức hơn 40 tiết mục dân ca, dân vũ do các nghệ nhân đến từ 11 huyện và thành phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn biểu diễn. Kết thúc chương trình, BTC đã trao 01 giải đặc biệt, 02 giải nhất, 03 giải ba và 05 giải khuyến khích cho các đoàn.

          Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” được tổ chức vào chiều ngày 03/11/2022 tại Hội trường khách sạn Trung Xuân, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn. Hội thảo có sự tham gia của 30 các nhà khoa học, nghiên cứu viên đến từ Viện Dân tộc học, Viện Văn hóa Nghệ thuật, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc, Hội Di sản Lạng Sơn và hơn 50 đại biểu đến từ các cơ quan, ban ngành, các sở, các phòng Văn hóa, cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Hội thảo có 28 tham luận của các nhà khoa học, các nhà quản lý. Nội dung các tham luận được chia thành 02 phần chính là những đặc trưng, giá trị của trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Lạng Sơn và những phương án nhằm bảo tồn trang phục trong thời kỳ hiện nay. Trong thời gian 01 buổi chiều, các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu đã lần lượt trình bày các tham luận về trang phục các dân tộc thiểu số ở Lạng Sơn và cùng bàn luận để đưa ra những phương án tối ưu nhằm bảo tồn di sản quý báu này.

Tại hội thảo, giảng viên Nguyễn Văn Bách – giảng viên trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc - đã trình bày tham luận “Những đặc trưng và giá trị của trang phục truyền thống tộc người Tày ở Lạng Sơn”. Tham luận đã góp phần không nhỏ trong việc giúp định hình nhận diện trang phục truyền thống của dân tộc Tày ở tỉnh Lạng Sơn trong mối tương quan giữa trang phục người Tày ở các địa phương khác và giữa người Tày với các dân tộc anh em. Đồng thời, tham luận còn nêu lên những giá trị của trang phục truyền thống dân tộc Tày cần phải giữ gìn và phát huy. Trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc cũng là địa chỉ đỏ trong công tác bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc. Hiện nay nhà trường đang lưu giữ 50 bộ trang phục nguyên bản của các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao và Pà Thẻn. Đây là thành quả quá trình nghiên cứu, sưu tầm của cán bộ, giảng viên nhà trường. Những bộ trang phục này được Nhà trường sử dụng trong các chương trình biểu diễn, trong các cuộc họp, hội nghị quan trọng và là mẫu để khôi phục hoặc sáng tạo nên các bộ trang phục biểu diễn.

 

.

 

Giảng viên Nguyễn Văn Bách – Khoa Nghiệp vụ Văn hóa và Du lịch tại Hội thảo

 

Chương trình “Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống và hát dân ca các dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2022” và Hội thảo khoa học“Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” là dịp để nhìn nhận và đánh giá lại công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Qua đó, nhận diện được quá trình vận động, phát triển trên cả phương diện tích cực và hạn chế của trang phục dân tộc trong xu thế phát triển, toàn cầu hóa. Đồng thời, chương trình liên hoan trang phục truyền thống và Hội thảo khoa học về bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cũng góp phần không nhỏ trong việc đưa ra những giải pháp, con đường để nhằm bảo tồn di sản văn hóa dân tộc nói chung và trang phục truyền thống nói riêng trong giai đoạn hiện nay.

 

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn https://vietbacact.edu.vn là vi phạm bản quyền

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi