TRƯỜNG CAO ĐẲNG VĂN HÓA NGHỆ THUẬT VIỆT BẮC

https://vietbacact.edu.vn


Xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam

Xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam

Xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam

Hương ước, quy ước là di sản văn hóa được hình thành trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc; là tri thức dân gian được tích lũy, đúc kết từ nhiều thế hệ, không ngừng được bổ sung hoàn thiện và trở thành hình thái văn hóa pháp lý đặc biệt; là văn bản quy phạm xã hội, trong đó quy định các quy tắc ứng xử do cộng đồng dân cư cùng thỏa thuận đặt ra để điều chỉnh các quan hệ xã hội của nhân dân, nhằm gìn giữ và phát phát huy những phong tục tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng. Với vai trò là thiết chế tự quản của cộng đồng, thời gian qua, hương ước, quy ước trở thành công cụ tự quản hỗ trợ đắc lực cho pháp luật trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội tại cộng đồng dân cư đối với những vấn đề, những nội dung mà pháp luật chưa điều chỉnh. Hương ước, quy ước còn là một công cụ nhằm đảm bảo sự tồn tại phát triển của cộng đồng, là hệ thống phong phú các quy tắc xã hội, thực hiện tối đa tinh thần mở rộng dân chủ ở cơ sở, giúp nhân dân trong tiến trình tham gia giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước.

Qua tư liệu nghiên cứu, chúng ta được biết bản quy ước đầu tiên được biết đến là quy ước của làng Trang Liệt, xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Giang (nay là tỉnh Bắc Ninh), khởi thảo năm 1987, đây là quá trình triển khai các mô hình thí điểm xây dựng làng văn hóa đã khẳng định: “là mô hình tốt, chứa đựng những nội dung cơ bản của tiêu chí làng văn hóa” được ngành văn hóa nhân rộng, trở thành phong trào soạn thảo Quy ước làng, gắn với phong trào “Xây dựng làng văn hóa”. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1996) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và Chỉ thị 24/1998/CT-TTg với chủ trương “khuyến khích xây dựng và thực hiện các hương ước, các quy chế về nếp sống văn minh ở các thôn, xóm” đã trở thành nền móng cho việc xây dựng hệ thống thể chế về hương ước, quy ước, hạt nhân là “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Những chủ trương này nhằm tạo ra môi trường văn hóa ở khu vực nông thôn, có đời sống chính trị ổn định, kinh tế phát triển, đời sống tinh thần phong phú, tiến bộ; kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng tinh thần đoàn kết, tạo ra sự kết hợp giữa các yếu tố văn hóa truyền thống và hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử và đất nước. Việc soạn thảo và tổ chức thực hiện quy ước văn hóa là nội dung quan trọng của phong trào “Xây dựng làng văn hóa ở khu dân cư”; yếu tố đảm bảo sự thành công của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Sự ra đời của quy ước xây dựng đời sống văn hóa là một đòi hỏi tất yếu với sự phát triển làng xã toàn diện trong tình hình mới.

 

.

 

Qua 20 năm triển khai thực hiện, các nội dung của Phong trào “Toàn dân  đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được cụ thể hóa trong hương ước, quy ước ở cộng đồng dân cư nhằm mục đích triển khai các Nghị quyết Đại hội và các Hội nghị của Đảng về xây dựng nông thôn mới giàu đẹp, xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và phát huy tính chủ động sáng tạo của mỗi người dân, mỗi gia đình trong các hoạt động văn hóa, bảo vệ, giữ gìn và phát huy các phong tục tập quán tốt đẹp; loại bỏ các hiện tượng mê tín dị đoan; phòng chống có hiệu quả các tệ nạn xã hội; ma túy mại dâm, cờ bạc…; phòng chống và đẩy lùi sự xâm nhập của văn hóa độc hại.  Xây dựng làng (thôn, ấp, bản…) văn hóa là xây dựng mô hình tổ chức, quản lý và hoạt động văn hóa cơ sở phù hợp với chủ trương đã nêu.

Xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có mối liên hệ mật thiết với nhau. Hương ước, quy ước nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nội dung, tiêu chí của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” như: Mục tiêu về thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh và phong phú; xây dựng cảnh quan, môi trường sạch đẹp, có khu giải trí hoạt động văn hóa, thể thao... đáp ứng nhu cầu tham gia hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân. Ngược lại, qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” góp phần củng cố vị trí, vai trò của hương ước, quy ước trong đời sống xã hội ở các làng, vùng nông thôn. Hiện nay, việc xây dựng, soạn thảo hương ước, quy ước đã được thể chế hóa và phát triển rộng khắp ở các làng quê Việt Nam.

Nhiều bản quy ước đã đưa ra những quy định cụ thể về “Xây dựng gia đình văn hóa”, như: tại Điều 5 bản Quy ước xây dựng thôn văn hóa Phủ Liễn 3, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế quy định về xây dựng gia đình văn hóa: Phấn đấu hàng năm có 90% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; Trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường, chăm ngoan, hiếu học, người lớn trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, không vi phạm pháp luật Nhà nước thực hiện nghiêm túc chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình theo quy định hiện hành; kinh tế gia đình ổn định, thực hiện tiết kiệm; đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho các thành viên trong gia đình ngày càng được nâng cao”. Quy ước xây dựng tổ dân phố văn hóa Thạch Bình, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế quy định về xây dựng gia đình văn hóa: Mỗi gia đình trong tổ dân phố phải đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, phấn đấu hằng năm trong tổ dân phố có từ 85 - 95% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.

Vai trò hương ước, quy ước với phong trào xây dựng đời sống văn hóa còn gắn với việc phát huy truyền thống của các dòng họ; tôn vinh các dòng họ có nghề thủ công truyền thống; các dòng họ khuyến học... Ở một số địa phương đã đăng ký, xây dựng dòng tộc văn hóa trong phong trào xây dựng làng văn hóa. Năm 2001, tỉnh Quảng Nam đã có tới 1.184 họ tộc văn hóa. Họ tộc văn hóa là gạch nối giữa gia đình văn hóa và làng văn hóa. Khi đăng ký các họ tộc văn hóa, các dòng họ ở Quảng Nam đều soạn thảo tộc ước văn hóa với nội dung: “Giữ gìn và tăng cường đoàn kết nội bộ họ tộc và đoàn kết các gia tộc ở địa phương; giáo dục con cháu sống có đạo lý, nghĩa tình, thực hiện phong trào 5 không (không có người vi phạm pháp luật, kể cả say rượu bia, quậy phá; không có người thất học mù chữ; không có hộ đói nghèo; không có người nợ nần dây dưa; không có người sinh con thứ ba trở lên); giữ gìn thuần phong mỹ tục, tiếp thu chọn lọc các tục lệ cổ truyền; chấp hành và thực hiện đầy đủ luật pháp và các quy định của chính quyền địa phương”. Có thể nói, đây là mô hình điểm về xây dựng làng văn hóa  khu vực miền Trung.

Trong phát triển kinh tế, hương ước, quy ước còn có những quy định nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, quản lý và sử dụng đất đai có hiệu quả, đúng mục đích; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo đúng quy định của pháp luật...; khuyến khích mọi người, mọi nhà làm giàu chính đáng... Trong chăm sóc sức khỏe, có những quy định: không có dịch bệnh, không có người mắc bệnh HIV/AIDS, phụ nữ có thai được chăm sóc định kỳ, đảm bảo 100% trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ theo quy định của Bộ Y tế, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, 100% hộ gia đình dùng nước sạch hợp vệ sinh và có nhà tắm...; Trong xây dựng thôn, làng văn hóa, có những quy định: Không vi phạm trật tự an toàn giao thông, không lấn chiếm lòng đường, hè phố; không đổ chất phế thải, rác ra đường, sông, ao, hồ; các gia đình gom và đổ rác thải đúng nơi quy định, dùng thùng đốt vàng mã để đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ, xây dựng mô hình “tổ dân phố không rác”...;     

Việc triển khai thực hiện hương ước, quy ước ở các thôn, làng ấp bản gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, ngày càng xuất hiện nhiều điển hình về xây dựng làng văn hóa, phát triển sản xuất như: “Gia đình nông dân văn hóa”, “Cựu chiến binh gương mẫu”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo”, “Ông bà cha mẹ gương mẫu, con cháu thảo hiền”, “Gia đình văn hóa - sức khỏe”...

Có thể thấy, đời sống xã hội đã có sự chuyển biến, đời sống kinh tế của người dân được cải thiện rõ rệt, không còn hộ đói, giảm số hộ nghèo; đời sống văn hóa, tinh thần được nâng lên, tình làng nghĩa xóm được củng cố; giảm các tệ nạn xã hội; các tập quán, hủ tục trong cưới xin, ma chay giảm. Người dân ngày càng ý thức hơn trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Vai trò tự quản của cộng đồng tham gia vào việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước ngày càng được phát huy. Trải qua quá trình triển khai và thực hiện, có thể khẳng định: Hương ước, quy ước của thôn, làng trong thời gian qua đã đem lại những kết quả thiết thực đối với công tác quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư, góp phần đưa pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước đi vào cuộc sống; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; giữ gìn, phát huy truyền thống tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư ở cơ sở; bài trừ hủ tục; hình thành giá trị chuẩn mực xã hội phù hợp với truyền thống, bản sắc của địa phương; phát huy và mở rộng dân chủ ở cơ sở./.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây