TRƯỜNG CAO ĐẲNG VĂN HÓA NGHỆ THUẬT VIỆT BẮC

https://vietbacact.edu.vn


Liên hoan Múa Quốc tế 2017 – Tỏa sáng nghệ thuật múa

Diễn ra từ 16-22/9, Liên hoan Múa Quốc tế 2017 là dịp để các nghệ sĩ múa đến từ các quốc gia khác nhau gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp; Đồng thời là cầu nối văn hóa giúp nhân dân các nước hiểu biết thêm về những giá trị văn hóa mỗi quốc gia.

Liên hoan Múa Quốc tế 2017 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Uỷ ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình giao Cục Nghệ thuật biểu diễn, Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Ninh Bình, Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức.

Quy tụ đông đảo các đoàn nghệ thuật quốc tế tham dự 

 

..

 

Hình ảnh trong tác phẩm "Ký ức dòng Lam" của Tường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Ảnh: Nhạc sỹ Hồ Trọng Tuấn

 

Năm 2017, “Liên hoan Múa Quốc tế” diễn ra tại thành phố Ninh Bình - cố đô Hoa Lư, mảnh đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa với nhiều danh tích thắng cảnh nổi tiếng và lòng mến khách.

So với lần đầu tiên tổ chức tại Thừa Thiên Huế năm 2014, Liên hoan Múa Quốc tế 2017 quy tụ đông đảo các đơn vị múa hàng đầu trong nước và quốc tế tham dự với hơn 500 nghệ sĩ đến 15 quốc gia  bao gồm: Bangladesh, Campuchia, Colombia, Trung Quốc, Ai Cập, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Cộng hòa Liên bang Nga, Singapore và Việt Nam (so với năm 2014 là 8 đơn vị); với tổng số 24 đoàn nghệ thuật và gần 100 tác phẩm múa được biểu diễn với nhiều phong cách nghệ thuật Múa như Múa dân gian dân tộc, Múa dân gian đương đại, múa Cổ điển châu Âu, múa Hiện đại...vv

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên khẳng định, “với quy mô lớn về số lượng đơn vị nghệ thuật trong nước và nước ngoài tham gia, “Liên hoan Múa quốc tế - 2017”  là ngày hội sáng tạo, đua tài của các nghệ sĩ trong nước và quốc tế; là cơ hội tiếp cận, giao lưu, trao đổi, học hỏi những tinh hoa nghệ thuật Múa quốc tế của các nghệ sĩ Múa Việt Nam; là dịp khán giả Việt Nam được tận hưởng giá trị nghệ thuật độc đáo của các quốc gia về tham dự Liên hoan tại 03 thành phố gồm: Ninh Bình, Thanh Hóa và Thủ đô Hà Nội.”

Qua đó, tạo cơ hội để quảng bá hình ảnh, đất nước, con người, văn hóa đặc sắc của Việt Nam; đồng thời góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.

 

..

 

Điệu Múa truyền thống của Đoàn múa K-Art, Hàn Quốc

 

Ngôn ngữ múa là tiếng nói chung

Dù khác biệt về tiếng nói nhưng qua ngôn ngữ múa các đoàn nghệ thuật đã giúp khán giả Việt Nam được thưởng thức những giá trị văn hóa nghệ thuật đến từ các quốc gia ASEAN như Indonesia, Myanmar, Malaysia, Phillippin, Singapore, Campuchia hay các quốc gia xa xôi như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ai Cập, Colombia và Cộng hòa Liên bang Nga.

Từ những giá trị khác biệt đó, qua sự thể hiện tinh tế, điêu luyện và nét đẹp truyền cảm chỉ có trong nghệ thuật múa đã tạo nên một khung cảnh rực rỡ sắc màu về bản sắc văn hóa dân tộc của mỗi quốc gia mang đến Liên hoan lần này.

 

..

 

Tiết mục “Terri Jorio” của Đoàn múa Colombia – Huy chương Vàng biểu diễn trong Lễ bế mạc

 

NSND Phạm Anh Phương - Chủ tịch Hội đồng giám khảo Liên hoan Múa Quốc tế 2017 đánh giá, "Với gần 100 tác phẩm múa thuộc nhiều thể loại như: Folklore, múa dân tộc truyền thống, múa dân tộc – hiện đại, múa ballet cổ điển và hiện đại, múa hiện đại, đã mang tới Liên hoan sự đa dạng văn hóa múa của từng quốc gia, dân tộc trên thế giới. Dù mỗi tác phẩm được thể hiện ở những cung bậc và mức độ khác nhau, song nhìn chung đều phản ánh được năng lực sáng tạo nghệ thuật múa trong lựa chọn ý tưởng, đề tài và nội dung. Cấu trúc, mối quan hệ giữa âm nhạc và múa… tất cả các yếu tố đó đều được sắp đặt trong một chỉnh thể hài hòa phản ánh đặc điểm, tính chất của mỗi thể loại múa, đồng thời chứa đựng hơi thở, thẩm mỹ đương đại.”

Điểm đặc biệt của các tác phẩm tham gia Liên hoan Múa Quốc tế 2017 là ở sự khác biệt đến từ văn hóa truyền thống của mỗi quốc gia. Điều đó đã tạo thêm sự hấp dẫn, lôi cuốn cho khán giả Việt Nam. Đâu đó ta nhìn thấy sự giao thoa văn hóa giữa các quốc gia qua nghệ thuật Múa bởi ngôn ngữ múa không có giới hạn.

NSND Phạm Anh Phương cho biết, “liên hoan lần này, chúng tôi nhận thấy khả năng vận dụng chất liệu Múa dân gian các dân tộc để cấu tạo, xây dựng và phát triển ngôn ngữ múa trong mỗi tác phẩm. Đó là dấu hiệu tích cực về sự biến đổi của nghệ thuật múa trong xây dựng ngôn ngữ múa dân tộc kết hợp hiện đại. Từ đó cho thấy các biên đạo luôn trân trọng các giá trị ngôn ngữ múa truyền thống của mỗi quốc gia, làm cơ sở để phát huy những giá trị đó qua hơi thở thời đại ngày nay.”

 

..

 

Múa “Zaclornaja” của Đoàn Cộng hòa Liên bang Nga – Huy chương Vàng

 

Mỗi tác phẩm múa đều có thông điệp bắt nguồn từ những hoạt động bình dị của con người hay tư duy mang tính triết lý về cuộc sống. Qua sự truyền tải ngôn ngữ của nghệ thuật múa các nhà biên đạo, các nghệ sĩ biểu diễn đã gửi tới khán giả những góc nhìn phong phú về cuộc sống và những khát vọng của con người trong vũ trụ bao la, NSND Phạm Anh Phương chia sẻ.

Chính vì vậy, các thành viên Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật từng tác phẩm của mỗi quốc gia tham dự Liên hoan Múa Quốc tế 2017. Mỗi tác phẩm đã để lại những dấu ấn không chỉ đối với khán giả mà còn tạo ấn tượng tốt cho đồng nghiệp.

Nở rộ những tài năng nghệ thuật Múa

Bên cạnh chất lượng của các tác phẩm, từ góc nhìn khác, Hội đồng nghệ thuật cũng ghi nhận sự phát triển về đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn, biên đạo, chất lượng nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp cao của các đoàn nghệ thuật Việt Nam được thể hiện qua  những tác phẩm như: Thơ múa “Ký ức dòng Lam” của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, múa “Mùa xuân thiêng liêng” của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, múa “Chong Shieu” của Đoàn Nghệ thuật tỉnh Hà Giang, thơ múa “Mẹ phù sa” của Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân gian Sao Biển…. “Từng chi tiết trong mỗi tác phẩm là sự khám phá, tôn vinh và phát triển nghệ thuật múa dân tộc ở tầm cao mới”.


..


Tiết mục “Thiên hương” của Đoàn múa Hà Nam, Trung Quốc – Huy chương Bạc

 

 “Liên hoan lần này có sự tham gia của các diễn viên nhỏ tuổi đến từ đất nước Nhật Bản, cho chúng ta thấy tương lai của nghệ thuật múa luôn được quan tâm phát triển, đó chính là sự tiếp nối tạo ra một dòng chảy văn hóa mà những người làm nghề như chúng ta cảm thấy thật hãnh diện và trân trọng" – NSND Phạm Anh Phương cho biết. Nhóm thiếu nhi của Học viện Ballet hiện đại Mariko Tosa, Nhật Bản với tiết mục “Hiroshima seven’s summer days” cũng chính là đơn vị giành giải “Nhóm diễn viên trẻ nhất” Liên hoan.

Nhiều tài năng nghệ sĩ đã tỏa sáng trong cuộc Liên hoan Múa Quốc tế 2017. Kết quả này một lần nữa khẳng định và ghi nhận sự sáng tạo nghệ thuật cũng như niềm say mê luyện tập của các nghệ sĩ. Qua mỗi tác phẩm, chúng ta càng thấy cần hơn nữa sự tôn vinh những nghệ sĩ, các nhà biên đạo cũng như các thành phần sáng tạo khác tạo nên tác phẩm múa có chất lượng nghệ thuật cao.

Không chỉ mang tác tác phẩm đến dự thi tại Ninh Bình, các nghệ sĩ còn sẵn sàng cống hiến, phục vụ khán giả tại Thủ đô Hà Nội và thành phố Thanh Hóa. Điều này cho thấy nghệ thuật múa đã tạo cho mình những giá trị đích thực và có sức lan tỏa lớn trong công chúng yêu nghệ thuật; Đồng thời, tiếp tục khẳng định thương hiệu cho Liên hoan Múa Quốc tế tại Việt Nam những năm tiếp theo – Nơi nghệ thuật Múa tỏa sáng và lan tỏa./.

 

10 Huy chương Vàng thuộc về: Thơ múa “Ký ức dòng Lam” của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; múa “Mùa xuân thiêng liêng” của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam; múa “Chong Shieu” của Đoàn Nghệ thuật tỉnh Hà Giang; thơ múa “Mẹ phù sa” của Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân gian Sao Biển; “Hồng nhạn bay về phương Nam” của Đoàn Nghệ thuật Ca, Múa, Nhạc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc; “Zaclornaja” của Đoàn Múa Vezelitsa, Liên bang Nga; “Main Zapin” của Đoàn Múa Ask – Malaysia; “Hoang dã” của Nhà hát  Nghệ thuật múa Trung Hoa Singapore; “Terriforio/Mantos” của Vũ đoàn Periferia, Colombia; “The white road” của Đoàn Nghệ thuật múa truyền thống K-Art, Hàn Quốc.

03 giải “Diễn viên xuất sắc” cho các diễn viên: Nicole Barroso với tiết mục “Don Quixote Grand Pas de Deux” của Đoàn Ba - lê Manila, Philippines;  Nguyễn Văn  Nam với tiết mục “Mùa xuân thiêng liêng” của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam; Lu Peng với tiết mục “Cánh rừng tuyết” của Đoàn Nghệ thuật Ca, Múa, Nhạc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.

01 giải “Nhóm diễn viên trẻ nhất”: nhóm thiếu nhi của Học viện Balet hiện đại Mariko Tosa, Nhật Bản với tiết mục “Hiroshima seven’s summer days”.

Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tặng bằng khen cho 04 đơn vị: Ai Cập, Bangladesh, Philippines và Myanmar.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây