TRƯỜNG CAO ĐẲNG VĂN HÓA NGHỆ THUẬT VIỆT BẮC

https://vietbacact.edu.vn


Hoa văn trong Lịch sử design - cầu nối giữa truyền thống và hiện đại

Hoa văn trong Lịch sử design - cầu nối giữa truyền thống và hiện đại

Hoa văn trong Lịch sử design - cầu nối giữa truyền thống và hiện đại

Nghệ thuật thủ công truyền thống là tiền đề cho design hiện đại

Lịch sử design ghi dấu nhiều thành tựu lớn lao một phần nhờ vào tiến trình phát triển của các lĩnh vực nghề thủ công truyền thống với thế mạnh là nghệ thuật trang trí. Nhìn chung trong bất kỳ một giai đoạn lịch sử nào của con người, nhu cầu thẩm mỹ trong đời sống mà đặc biệt là nghệ thuật trang trí luôn giữ vị thế quan trọng trong sự phát triển của lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng nói chung và design hiện đại nói riêng.

 

.

 

Công trình cửa ga tàu điện ngầm tại Paris Pháp (nguồn ảnh: tác giả)

 

Trải qua tiến trình lịch sử, câu chuyện về hoa văn và những ứng dụng của hoa văn đối với nghệ thuật truyền thống có từ các nền văn hoá thì rất nhiều, đa dạng và mang đậm bản sắc dân tộc. Nhưng hoa văn với vai trò làm cầu nối giữa nghệ thuật trang trí truyền thống và công năng hiện đại trong lịch sử design thì chúng ta có thể thấy rõ nét nhất ở một giai đoạn lịch sử mà từ đây nền mỹ thuật ứng dụng của thế giới cũng bước sang một trang sử mới. Nhờ vào sự bùng nổ các phát minh phát kiến về khoa học kỹ thuật tại châu Âu cuối thế kỷ XVIII mà người ta thường nhắc đến với một thuật ngữ mạnh mẽ - “cuộc cách mạng công nghiệp”, từ đó tạo đà cho thế kỷ XIX, XX với vô số các cuộc cải cách và tìm đường cho nghệ thuật trang trí cũng như mỹ thuật ứng dụng lên ngôi.

Trong khuôn khổ nhất định, người viết ngõ hầu muốn tìm về một giai đoạn trên, là lúc mà lịch sử design chứng kiến sự thay da đổi thịt nhanh chóng của các ngành nghề thủ công truyền thống trong sự tiếp biến đi đến design công nghiệp hay còn được hiểu là design hiện đại. Diễn biến này tại nơi khai sinh ra design, nói cách khác lịch sử design là lịch sử của design châu Âu. Đây cũng là lúc hoa văn tiếp tục vừa làm giàu có hơn cho kho tàng nghệ thuật trang trí, vừa là một phần không thể tách rời của tính ích dụng cho đối tượng. Nói cách khác hoa văn đóng góp một cầu nối, gắn bó hữu cơ giữa trang trí và công năng, là sự đi từ truyền thống đến design hiện đại.

 

.

 

Chiếc tủ gỗ, Hector Guidmard 1899 (nguồn ảnh: internet)

 

Nghệ thuật trang trí có ngôn ngữ đặc trưng thể hiện bởi các hình thức “hoa văn”, ở đó có họa tiết hoa văn và các mô tip trang trí và thường có những nhịp điệu nhất định, (tiếng Anh thường được nhắc tới với các thuật ngữ quen thuộc như decorative, pattern, floral, ornament...). Hoa văn truyền thống được bắt nguồn từ những hoa lá cỏ cây, các con vật quen thuộc của thiên nhiên xung quanh đời sống, người ta có khuynh hướng mô tả lại rồi dần dà biến hoá cách điệu làm cho chúng đẹp lên, nhằm ứng dụng vào mọi mặt của đời sống từ những vật dụng sinh hoạt đến các công cụ lao động, cho đến các đồ tế lễ thờ cúng tâm linh. Bên cạnh đó còn là những đề tài từ các truyện thần thoại, các tích truyện cổ được hư cấu. Cứ như vậy “cha truyền con nối”, để chúng đi sâu bắt rễ vào tiềm thức và trở thành bản sắc văn hoá lúc nào không hay…

 

.

 

Chiếc ghế của tác giả Arthur Heygate Mackmurdo (nguồn ảnh: internet)

 

Những mô típ hoa văn truyền thống tiêu biểu của châu Âu đến từ những mẫu hình có từ xa xưa, trải dài từ buổi bình minh của xã hội nguyên thuỷ, đến thời kỳ cổ đại, trung cổ và cận đại. Tại đây, với nguồn cội là nền văn minh Hy Lạp - La Mã cổ đại tập trung nhiều thành tựu tiêu biểu về văn hoá nghệ thuật, rồi thời kỳ Trung Cổ với nghệ thuật Gothic, tiếp sau là giai đoạn nghệ thuật Phục Hưng, Baroque, Rococo... Sự đa dạng về mẫu hình tạo lịch sử đã tạo nên các hệ thống hoa văn khác nhau, tuy đến từ nhiều cội rễ văn hoá khác nhau và năm tháng khác nhau nhưng kết quả tựu chung đều nhất quán ở một số thể thức tạo hình đối với hoa văn. Như của hệ đường cong tròn và ô van, hệ đường thẳng vuông và chữ nhật, thể thức tam giác và góc cạnh, các dạng hoa văn dây leo đường riềm trang trí, thể tự do... Chúng còn trở thành những biểu tượng của văn hoá và nghệ thuật, mang tính tượng trưng cao cả. Hình tượng bông lúa thể hiện sự thịnh vượng, hình tượng vòng nguyệt quế là sự vinh quang, lá cây ô rô thể hiện sự cao quý, cây thánh giá là biểu tượng thiêng liêng của đức tin Thiên chúa giáo, chim bồ câu là sự trong sáng và hoà bình, thiên nga là hiện thân của sự tinh khiết trinh trắng và duyên dáng, con rắn có khả năng tái sinh, thiên thần mặt trời là thần linh là ánh sáng... Thậm chí ngay cả màu sắc cũng mang ý nghĩa tượng trưng nhất định.

 

Sự xuất hiện công năng hoá các hình thức hoa văn tại một số trào lưu khuynh hướng

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX sự phát triển của nghệ thuật trang trí và phát triển của design có sự tham gia của hoa văn trong vai trò chính, vai trò làm gốc rễ. Từ hoa văn các thể nghiệm mới cho các thiết kế mới được ra đời. Hoa văn có sự gắn kết cả hai, đóng vai trò cầu nối bởi sự phát triển mang tính quy luật. Một là nhu cầu cần thiết cho một hướng đi hiện đại hơn, mới mẻ hơn cho thẩm mỹ của hoa văn, nhất là có sự tham gia ảnh hưởng từ khoa học kỹ thuật & công nghệ và mỹ cảm thời đại mới vào trong đó. Hai là đòi hỏi vấn đề công năng từ phía design công nghiệp. Có thể thấy rõ nét nhất ở ngành luyện kim khi đã tạo ra được những thanh sắt thép dài hơn trước và phong phú chủng loại, kích thước cùng các công nghệ tạo uốn thép phức tạp. Kết quả đã tạo ra một loại nguyên vật liệu công nghiệp mới rẻ đi và phổ biến lúc này. Và sự ứng dụng của hoa văn tạo hình từ sắt thép đã có nhiều thành tựu. Ngoài ra lĩnh vực kiến trúc và nội thất còn ứng dụng từ những vật liệu khác như gỗ, gạch đá… Xu hướng công năng hoá một số hình thức trang trí của nghệ thuật truyền thống mà điển hình là hoa văn chính thức bắt đầu.

 

.

 

Công trình khách sạn Tassel tại Brussels - Bỉ (nguồn ảnh: internet)

 

Giai đoạn có sự bắt đầu rõ nét nhất, phát triển mạnh mẽ nhất và nhanh chóng lan toả rộng khắp để trở thành những trào lưu quốc tế là giai đoạn từ khoảng 1890s - 1930s, thậm chí xu hướng này ngày nay vẫn rất phổ biến. Một số phong cách nghệ thuật tiêu biểu phải kể đến như: nghệ thuật trang trí mang tên gọi Art Nouveau (Nghệ thuật mới) (1890 - 1914) và Art Deco (1920s - 1930s), và design tiền hiện đại, design hiện đại sau này.

Có thể kể đến một số dẫn chứng tiêu biểu như:

Đầu tiên, đó là công trình Cửa ga tàu điện ngầm tại thủ đô Paris - Pháp do kiến trúc sư Hector Guimard thiết kế, được lấy cảm hứng từ một cái cây vươn lên từ lòng đất, kết hoa và đồng thời cũng chính là cái đèn, trong khi một đầu cửa khác của ga là hình mái vòm bắt nhịp cùng hệ thống hoa văn dây leo. Đây là công trình rất hiện đại xuất hiện vào đầu thế kỷ XX mà vẫn đảm bảo được tính trang trí đậm nét phong cách Paris kiểu cách và duy mỹ. Có ý kiến bình luận trong giới kiến trúc cho rằng sao lại có một công trình phù hợp với thủ đô Paris hoa lệ lúc đó đến vậy. Tuy dùng nguyên vật liệu sắt thép và kính hiện đại nhưng lấy ý tưởng từ hệ thống hoa văn cách điệu trong truyền thống nên vẫn giữ gìn được đầy đủ nét cổ kính. Ngày nay, các cửa ga tàu điện ngầm vẫn hiện hữu cùng người Paris, tạo nên sự gắn kết giữa truyền thống lịch sử và hiện đại. Vẻ đẹp cùng sự hữu dụng cho đến nay vẫn nguyên vẹn tinh thần nói trên.

 

.

 

Công trình nhà riêng nay là bảo tàng của kiến trúc sư Victor Horta(nguồn ảnh: internet)

 

 

.

 

Ô gió của khách sạn Van Etvelde tại Brussels, Bỉ (nguồn ảnh: internet)

 

Tiếp đến là chiếc ghế của kiến trúc sư, nhà thiết kế đồ dùng nội thất của Anh - Arthur Heygate Mackmurdo. Ông cho ra đời chiếc ghế sử dụng phần dựa lưng ghế là hình thức hoa văn mềm mại uốn lượn lấy cảm hứng từ những hoa văn truyền thống của trào lưu Art & Craft (nghệ thuật và thủ công) trước đó. Chiếc ghế cũng được coi là tác phẩm đặc sắc thời kỳ thịnh hành của trào lưu Art Nouveau

Và cái đèn hình bông hoa của tác giả Louis Majorelle và Daum Frères, có thân đèn là hình hoa leo cách điệu uốn lượn điệu đà. Xuất hiện tại Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu XX, thiết kế mang đậm phong cách Art Nouveau.

 

.

 

Chiếc đèn, Louis Majorelle và Daum Frères

 

 

.

 

 Chiếc bình mang phong cách hoa văn Art Nouveau

 

Cùng giai đoạn nói trên tại Brussels - Bỉ xuất hiện công trình  khách sạn nổi tiếng mang tên Tassel (1893) sử dụng hoa văn làm cầu nối trong không gian, chúng là những lan can cầu thang, chấn song ô cửa sổ, cổng và cửa ra vào. Cống hiến của kiến trúc sư Victor Horta ở đây là ông biết ứng dụng các loại vật liệu xây dựng mới để thiết kế thành các cấu trúc tự do tạo nên những không gian lớn đầy ánh sáng. Ông đã kết cấu các cột đỡ, vì kèo bằng sắt giống như cây cỏ, hoa lá như vươn lên từ lòng đất và trang hoàng chúng một cách hài hòa trong không gian được trang bị nội thất, bàn ghế, treo tranh thích hợp cùng phong cách.

Bên cạnh đó là một ô gió của khách sạn Van Etvelde tại Brussels, Bỉ nơi mà du khách có thể ngắm nhìn đường phố bên ngoài, cũng do kiến trúc sư Architect V. Horta thiết kế.

Cũng vậy, phải kể đến là lan can cho các công trình kiến trúc tại thủ đô Praha - Séc. Chúng sử dụng nguyên vật liệu hiện đại thép uốn, một vật liệu rất phổ biến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Tạo hình bởi hoa văn đan kết theo phong cách Art Nouveau tạo ra giá trị công năng rõ ràng cho công trình. Rõ ràng chúng ta thấy đảm bảo hài hoà giữa tính thẩm mỹ và giá trị công năng. Chúng vẫn an nhiên hoà chung với đời sống hiện đại của ngày hôm nay.

 

.

 

Chiếc quạt mang phong cách Art Deco

 

Cuối cùng có thể kể đến là một số những sản phẩm úng dụng nhỏ khác  như: chiếc bình hoa có kết cấu từ kim loại đồng vừa làm trang trí vừa làm bệ đỡ phần lọ sứ. Chiếc quạt mang phong cách Art Deco đến chiếc bàn có phần chân đỡ là hình hoa văn kỷ hà.

Tại Việt Nam, bắt kịp xu hướng này có công trình Ngân hàng nhà nước Việt Nam (trước đây là Chi nhánh Ngân hàng Đông Dương), ở đây có sự pha trộn ảnh hưởng văn hóa phương Đông và phương Tây. Toà nhà sử dụng các mô típ hoa văn hình bát giác và các chi tiết kỷ hà rất đặc trưng của văn hoá Á Đông kết hợp với phong cách kiến trúc Pháp, ứng dụng trên cửa, các ô gió, hoa văn trang trí. Tòa nhà này được coi là công trình tiêu biểu nhất cho phong cách kiến trúc Art Deco ở Hà Nội thời thuộc địa.

 

.

 

Chiếc bàn có phần chân đỡ là hình hoa văn kỷ hà Art Deco(nguồn ảnh: internet)

 

Lời kết

Các ứng dụng trên rõ ràng đã được đưa vào ứng dụng thực tế trong cả một chặng đường lịch sử, chúng đạt đến các giá trị mang tính phổ quát, không chỉ dừng lại ở một khía cạnh dân tộc cụ thể mà nâng tầm thành một xu hướng trang trí quốc tế mà hoa văn trở thành cầu nối giữa thẩm mỹ và công năng, nói cách khác là giữa truyền thống với hiện đại. Ban đầu các xu hướng chú trọng nhiều đến hoa văn cầu kỳ kiểu cách, nhiều đường cong và chi tiết, sau cùng lược giản và phát triển theo hướng hình học để rồi hoà trộn tìm đến những dạng thức đạt giá trị thẩm mỹ và công năng cao nhất.

 

.

 

Hệ thống lan can làm từ sắt uốn tại thủ đô Praha - Séc (nguồn ảnh: tác giả)

 

Trong một bối cảnh phát triển như vũ bão của công nghiệp hiện đại vốn dễ dàng lấn lướt các giá trị văn hoá lịch sử, chúng ta càng trân trọng, muốn giữ gìn và phát huy những gì là tinh hoa trong nền lịch sử design. Mà tại đó, hoa văn là cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, là câu chuyện đời sống trong các không gian sống của con người qua biết bao thế hệ.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây