Ngành văn hóa, văn nghệ quần chúng tại trường CĐ VHNT Việt Bắc

Ngành văn hóa, văn nghệ quần chúng tại trường CĐ VHNT Việt Bắc

06:23:48 21/05/2024
221

Văn hóa văn nghệ quần chúng, theo định nghĩa tại khoản 2 Điều 2 của Thông tư 26/2017/TT-BGDĐT, đó là một khái niệm phản ánh sự đa dạng và phong phú của các hoạt động văn hóa mà đông đảo người dân tham gia. Điều này bao gồm nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa, từ các hoạt động nghệ thuật, văn hóa truyền thống đến các sự kiện, festivals và các hình thức giải trí khác nhau.

Ngoài ra, văn hóa văn nghệ quần chúng còn phản ánh sự đa dạng và tích tụ văn hóa của một quốc gia hoặc cộng đồng. Các sự kiện văn hóa quần chúng thường mang đến không gian cho những biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc, múa lan tỏa và đa dạng nghệ thuật khác, giúp bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tại các cơ sở ở địa phương. Hiện nay, ngành văn hóa văn nghệ quần chúng có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong cộng đồng.

Tại Việt Nam, công tác Văn hóa văn nghệ quần chúng được tiến hành từ thập kỉ 50 thế kỉ 20 dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự hỗ trợ của Nhà nước nhằm đáp ứng nhu cầu văn hoá ngày càng tăng của nhân dân, làm nền móng để xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Công tác văn hóa quần chúng giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức văn hoá, xây dựng tư tưởng, tình cảm cách mạng, nâng cao đời sống văn hóa văn nghệ của người dân.

          Mục tiêu đào tạo ngành Văn hóa văn nghệ quần chúng là giúp trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về Văn hóa quần chúng để có năng lực tổ chức, điều hành các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong vùng Việt Bắc nói riêng và cả nước nói chung, tại các cơ quan, doanh nghiệp liên quan tới lĩnh vực văn hóa. Đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển văn hóa xã hội, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Với kiến thức đối với học sinh: Nhận diện đúng và vận dụng phù hợp trong một số trường hợp cụ thể cá nguyên lí cơ bản của Chủ nghĩa Mác- Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối chính sách của Đảng trong quá trình công tác; Hiểu sâu sắc bản sắc Văn hóa Việt Nam và nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa; Trình bày được những kiến thức cơ bản về công tác văn hóa cơ sở (thiết chế nhà văn hóa, câu lạc bộ, bảo tàng, thư viện, các dịch vụ du lịch văn hóa công cộng…) và các bộ môn văn hóa, nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật, nghệ thuật múa, sân khấu…) và hoạt động xã hội đáp ứng nhu cầu xã hội (marketing văn hóa nghệ thuật, pr, tổ chức sự kiện,…) và đặc biệt có kiến thức về dàn dựng, tổ chức, biểu diễn các tiết mục văn hóa văn nghệ quần chúng; Trình bày được một số kiến thức đại cương về khoa học quản lý, văn hóa, văn nghệ quần chúng, quản lý nhà nước về văn hóa; Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại cơ sở.

Các em HSSV ngành Văn hóa, văn nghệ quần chúng biểu diễn tại làng văn hóa các dân tộc Việt Nam

 

Khi tham gia khóa học ngành văn hóa văn nghệ quần chúng, học sinh sẽ có những kĩ năng: Triển khai thực hiện các văn bản quản lý nhà nước, các hướng dẫn của cấp trên về tổ chức, quản lý các hoạt động văn hóa tại địa phương; Xây dựng kế hoạch, tổ chức và hướng dẫn quần chúng tham gia một trong những hoạt động cụ thể của nhà văn hóa, Câu lạc bộ, trung tâm văn hóa đảm bảo theo đúng hướng dẫn và nội dung tư tưởng đạt hiệu quả cao; Tổ chức dàn dựng các chương trình, hội thi, hội diễn và các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng vừa và nhỏ tại cơ sở; kiến tạo nội dung tổ chức hội thi nghiệp vụ, tổ chức quản lí các thiết chế văn hóa cơ sở: nhà văn hóa, bảo tàng, thư viện, hoạt động biểu diễn nghệ thuật, dịch vụ lễ hội,…; Lập kế hoạch truyền thông, tuyên truyền, cổ động và trình diễn các tiết mục văn nghệ trong các hoạt động tuyên truyền; Trong quá trình học, người học sẽ trang bị cho mình những kỹ năng giao tiếp tốt, có khả năng truyền cảm lôi cuốn người đối diện, có khả năng diễn đạt ý tưởng, tiếp thu và phân tích, tổng hợp các ý kiến; hòa đồng với tập thể và đặc biệt có phương pháp tổ chức hoạt động quần chúng (phát hiện, bồi dưỡng, hướng dẫn các hạt nhân văn hóa văn nghệ tại địa phương).

Xã hội đang ngày càng phát triển toàn diện, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, do đó mà cơ hội dành cho các bạn theo đuổi khối ngành này ngày càng rộng mở và đầy tiềm năng; Làm cán bộ văn hóa đảm nhận các công việc liên quan đến quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa tại Ban văn hóa xã, thị trấn; Làm việc tại các trung tâm văn hóa, cung văn hóa, nhà văn hóa từ cấp huyện trở lên hoặc đội lưu động tuyên truyền các cấp ; Làm việc tại các cơ sở khác như: Nhà hát, đoàn ca nhạc, bảo tàng, gallery, các văn phòng và các bộ phận chuyên trách trong các doanh nghiệp kinh tế; Làm việc tại các đài phát thanh, truyền hình, nhà xuất bản, báo, tạp chí, các tổ chức sản xuất điện ảnh; Làm việc tại các công ty tổ chức sự kiện trong các khu vực và trên cả nước.

Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc với bề dầy nhiều năm đào tạo với 33 khóa chuyên ngành Văn hóa văn nghệ quần chúng đã là nơi gửi gắm niềm tin của các thế hệ học trò và sẽ là sự lựa chọn đáng tin cậy của các thế hệ học sinh và phụ huynh trên khắp cả nước. Nhà trường luôn nỗ lực đổi mới các chương trình đào tạo để phù hợp với xu thế phát triển xã hội nói chung và lĩnh vực Văn hóa văn nghệ nói riêng.

Công tác ngành đào tạo nhằm đưa văn hoá đi sâu vào quần chúng, phát huy tác dụng tích cực của văn hoá đối với đời sống xã hội, khuyến khích quần chúng tham gia hoạt động văn hoá, làm cho "Văn hoá thiết thực phục vụ nhân dân, góp phần vào việc nâng cao đời sống vui tươi, lành mạnh của quần chúng" (Hồ Chí Minh). Văn hóa văn nghệ quần chúng là công tác giáo dục tự nguyện, không cưỡng bức đối với mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp xã hội; được thực hiện ngoài nhà trường, ngoài giờ lao động dưới nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn.a


Tác giả: TS. Nguyễn Thị Tuyết Nhung - Khoa Nghiệp vụ Văn hóa và Du lịch