Ngày 28/04 vừa qua, được sự đồng ý của BGH trường CĐ VHNT Việt Bắc và sự kết hợp tổ chức của nhóm Đình làng Việt do nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình (cục mỹ thuật nhiếp ảnh, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch) sáng lập cùng BQL Di tích phố cổ Hà Nội, Thầy và Trò Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc cùng một số nghệ nhân, cựu sinh viên nhà trường đã biểu diễn chương trình "Câu then Việt Bắc" tại đình Kim Ngân và Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ (50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
.
Then là hình thức diễn xướng tổng hợp với các thành tố ca, múa, nhạc, văn học, mỹ thuật và tâm linh đặc sắc của người Tày, Nùng Việt Bắc và người Thái Tây Bắc. Trải qua bao năm tháng cùng sự biến đổi của lịch sử và con người, then vẫn được đồng bào trân trọng, gìn giữ và lưu truyền đến ngày nay.
Xác định được then là viên ngọc quý trong vốn văn hóa, văn nghệ của Việt Bắc, trường CĐ VHNT Việt Bắc đã đưa môn hát then vào giảng dạy cho HSSV khối văn hóa văn nghệ quần chúng và quản lý văn hóa ngay từ ngày mới thành lập trường. Qua gần 60 năm đào tạo, nhà trường luôn là địa chỉ đào tạo môn hát then hàng đầu và có uy tín. Các thế hệ thầy cô như thầy Hoàng Hưng, cô Hà Bời, thầy Đinh Quang Khải, thầy Hoàng Huy Ấm, thầy Đỗ Minh, NSUT Quỳnh Nha,... là những người đặt nền móng đầu tiên cho công tác đào tạo đàn hát then của nhà trường cũng như là những người đầu tiên nghiên cứu, sưu tầm, chỉnh biên và đưa then từ cõi tâm linh lên sân khấu chuyên nghiệp, đưa then từ các nghi lễ để đến với công chúng. Đến nay, các thầy cô như thầy Phạm Văn Quang, cô Đinh Phương Lan, thầy Nguyễn Văn Bách lại tiếp tục kế nối các thế hệ giáo viên đi trước để đào tạo các lớp HSSV hát then nhằm gây dựng phong trào văn hóa văn nghệ các địa phương, đồng thời bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.
.
Gần 60 năm đào tạo, nhiều nghệ sỹ, nghệ nhân nguyên là HSSV nhà trường đã thành danh từ nghệ thuật hát then như NSƯT Bích Hồng, NSƯT Minh Huệ, NNƯT Phạm Văn Quang, Đinh Thị Niêm, Nguyễn Văn Thọ,... Đặc biệt năm 2015 vừa qua, Nhà trường đã bảo vệ thành công và đưa vào sử dụng Giáo trình đàn hát then cấp Bộ. Đây là bước ngoặt quan trọng trong việc đào tạo đàn hát then và là kết tinh hơn nửa thế kỷ giảng dạy, nghiên cứu của rất nhiều thế hệ giảng viên nhà trường. Để hát then đến với công chúng yêu âm nhạc và văn hóa dân tộc của thủ đô, cũng như để HSSV nhà trường có cơ hội thực hành thực tế chuyên môn, ngày 28/04 vừa qua, được sự đồng ý của BGH trường CĐ VHNT Việt Bắc và sự kết hợp tổ chức của nhóm Đình làng Việt do nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình (cục mỹ thuật nhiếp ảnh, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch) sáng lập cùng BQL Di tích phố cổ Hà Nội, nhóm then Việt Bắc của nhà trường đã biểu diễn chương trình "Câu then Việt Bắc" tại đình Kim Ngân và Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ (50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Chương trình thu hút nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc, văn hóa dân gian, báo chí và khán giả yêu âm nhạc thủ đô. Về phía nhà trường có Ths Bùi Quốc Chiều, P. Hiệu trưởng nhà trường, Ths Trần Trung Hiếu, P. Trưởng khoa Nghiệp vụ VH&DL cùng đông đảo các cán bộ, giảng viên các khoa chuyên môn đến dự.
.
Với 3 phần chính là Hội xuân Việt Bắc, Từ trong cõi thiêng và Tính then vang mãi, chương trình "Câu then Việt Bắc" đã đưa khán giả đi từ ngày hội lồng tồng với những chú sư tử mèo, những điệu múa khèn đặc sắc của chàng trai Mông, những câu hát ví yêu thương của trai gái Tày đến những đêm then huyền thoại của bản, của làng và đến câu hát then được vang lên từ những năm tháng kháng chiến của dân tộc, vang lên trong khúc ca hân hoan, yêu đời của công cuộc xây dựng Tổ Quốc.
.
Ngoài giảng viên, sinh viên nhà trường, chương trình có sự tham gia của các nghệ nhân tiêu biểu và gạo cội của nghệ thuật hát then như NNUT Nông Thị Lìm, nghệ nhân Nguyễn Văn Thọ, nghệ nhân Hoàng Hữu Năm. Trong đó, nghệ nhân Nguyễn Văn Thọ nguyên là sinh viên học ngành Quản lý văn hóa của nhà trường. Nghệ nhân Nguyễn Văn Thọ hiện đã có gần 15 năm hành nghề then và là nghệ nhân nổi tiếng với giọng hát hay, ngón đàn điêu luyện cùng nhiều giải thưởng cấp quốc gia, khu vực. Với các tiết mục "sláo ví" (giải uế), "vọng én" (gọi én), "Pủ biooc pủ va" (lễ vun hoa), "cáp tơ hồng" (xe duyên), "mừng thọ" và "Tẳng tướng", lần lượt các nghi lễ vòng đời của người Tày, Nùng đã được trình diễn trong sự ngạc nhiên, thích thú của khán giả. Đặc biệt, tiết mục "Tẳng tướng" (nghi thức đón tướng), trích trong đại lễ Lẩu then đã khiến không gian nhà hát như vỡ òa cùng với tiếng vỗ tay không ngớt.
.
Chương trình "Câu then Việt Bắc" là một hoạt động ý nghĩa, không chỉ là cơ hội để SV được thực hành chuyên môn mà còn là hoạt động thiết thực nhằm vinh danh nghệ thuật hát then - viên ngọc quý trong kho tàng văn hóa văn nghệ của quê hương Việt Bắc. Đó là một dấu ấn quan trọng trong việc đưa diễn xướng then đến gần khán giả. Đồng thời, khẳng định thương hiệu và uy tín trong công tác giảng dạy, nghiên cứu sưu tầm hát then của trường CĐ VHNT Việt Bắc.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn