Thực hiện kế hoạch ngoại khóa chương trình môn học "Tín ngưỡng- Tôn giáo" ngành Quản lý văn hóa, đồng thời để sinh viên có cơ hội trải nghiệm các thực hành tín ngưỡng gắn với diễn xướng tâm linh đặc sắc của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ phủ. Được sự giúp đỡ của Khoa chuyên môn và BQL Di tích đền Xương Rồng, chiều ngày 26/3, sinh viên lớp Cao đẳng QLVH K12 đã đi thực tế tìm hiểu di tích và tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ của người Việt tại đền Xương Rồng (p. Phan Đình Phùng, tp. Thái Nguyên) dưới sự hướng dẫn của giảng viên Nguyễn Văn Bách.
Trong khuôn khổ chương trình, nhóm sinh viên đã được ông Nguyễn Công Nam (trưởng ban quản lý di tích) và bà Hoàng Thị Mai (thủ nhang đền) hướng dẫn tham quan và giới thiệu về di tích đền Xương Rồng. Đền Xương Rồng là một di tích tín ngưỡng quan trọng của tỉnh Thái Nguyên.
.
Sinh viên được giới thiệu chi tiết về di tích đền Xương Rồng
Đền được xây dựng từ thế kỷ XIX để thờ phụng thánh Mẫu Liễu Hạnh và Trần Hưng Đạo. Ban đầu đền chỉ gồm 1 nhà cấp 4 với 3 gian hậu cung, gian trung và gian ngoài. Đến năm 2012, được sự đóng góp công đức của khách thập phương nên BQL đã tiến hành xây dựng lại toàn bộ không gian đền. Hiện nay đền gồm 3 hạng mục chính là cung công đồng, cung sơn trang và lầu thờ cô bé Xương Rồng. Theo truyền thuyết, cô bé Xương Rồng là người có công bốc thuốc chữa bệnh cho quân lính của Dương Tự Minh. Hiện nay trong đền còn giữ được hệ thống tượng thờ và các bức hoành phi, câu đối từ thế kỷ XIX.
Sau khi tham quan và được giải thích cặn kẽ nội dung, ý nghĩa của các câu đối, hoành phi và hệ thống tượng thờ trong đền, nhóm thực tế đã được trải nghiệm nghi lễ hầu đồng tại cung sơn trang nhà đền. Tại buổi lễ, nhóm sinh viên đã được trải nghiệm 17 giá đồng do thanh đồng Trương Quốc Thành (25 tuổi) thực hiện. Qua động tác múa và âm nhạc trong giá đồng, thanh đồng Trương Quốc Thành đã lần lượt tái hiện hình ảnh các vị thánh trong tín ngưỡng thờ Tứ phủ. Các vị thánh đó có vị là anh hùng lịch sử có thật như Trần Quốc Tảng, Vũ Thị Thục,... cũng có vị là anh hùng văn hóa nhưng đều có vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh người Việt và dần được "sống lại" qua hình ảnh của các thanh đồng. Cuối buổi thực tế, thanh đồng Trương Quốc Thành đã dành thời gian để chia sẻ với nhóm thực tế về tín ngưỡng thờ Mẫu và những trải nghiệm của mình trong quá trình thực hành, tham gia tín ngưỡng đặc sắc này.
.
Trải nghiệm thực tế tại di tích
Qua buổi thực tế, sinh viên đã hiểu hơn về tín ngưỡng thờ Mẫu. Những kiến thức được thu lượm từ thực tế đó gồm cả sự thờ phụng thông qua thiết chế tín ngưỡng đền, phủ và những thực hành nghi lễ trong tín ngưỡng mà trong đó, diễn xướng hầu đồng là một thực hành quan trọng.
Kết thúc thời gian trải nghiệm, sinh viên đã có cái nhìn khách quan và toàn diện hơn đối với thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, một trong các di sản đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Đồng thời qua đó, sinh viên rút ra những bài học, những kinh nghiệm để phục vụ công tác quản lý văn hóa, tín ngưỡng, công tác tôn giáo và quản lý di sản văn hóa sau khi ra trường.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn