Được sự đồng ý của Ban Giám hiệu, ngày 6/11/2019 (tức ngày 10/10 âm lịch) vừa qua, Khoa Nghiệp vụ Văn hoá và Du lịch đã tổ chức buổi thực hành thực tế cho học sinh Ngành Kỹ thuật Chế biến món ăn tham dự Ngày tết Cơm mới của dân tộc Tày tại làng du lịch sinh thái Thái Hải thuộc xã Thịnh Đức, Thành phố Thái Nguyên. Đây là Lễ hội ẩm thực lớn nhất trong năm, còn gọi là lễ “Khúa khấu nô - Kin khẩu mẩu” của đồng bào tại làng Du lịch sinh thái này.
Lễ “ Khúa khấu nô – Kin khẩu mẩu” diễn ra khi sắp kết thúc hai vụ gieo trồng chính trong năm. Theo phong tục truyền thống của người Tày, gia đình nào có “ma nhà”, có cối hương thờ cúng cha mẹ, ông bà, hàng năm đều phải tổ chức lễ cúng “cơm mới”. Trước đó, thầy mo có uy tín trong vùng sẽ chọn một ngày lành, sau đó báo cho mọi người biết để tổ chức lễ. Tất cả các gia đình trong làng đều tổ chức lễ vào ngày này. Buổi lễ đã được diễn ra hoành tráng và trang trọng tại sân sinh hoạt chung của làng Thái Hải.
Người dân ở đây chọn vài bông lúa đẹp nhất trong đám ruộng, cắt cả bông đem về nhà. Sau đó, đun sôi một ít nước và thả bông lúa mới vào rồi mang bát nước cùng bông lúa lên bàn thờ thắp hương dâng cúng tổ tiên, cầu mong được mùa màng bội thu để năm sau lại có của cải dâng tổ tiên…
Đặc biệt, mâm lễ cúng không thể thiếu được các món ăn truyền thống của người Tày là xôi ngũ sắc, bỏng ngô, bánh nếp và lợn quay. Những món ăn này đã trở thành nét đẹp văn hóa ẩm thực được duy trì và tiếp nối của các dân tộc vùng cao nói chung và người Tày ở Thái Hải nói riêng.
Đối với người Tày, dù lúa nếp được cấy dưới ruộng nước hay gieo trên nương rẫy cũng cho hương vị vừa dẻo vừa thơm. Lúa nếp ngắt về được chế biến ngay, bởi nếu để mấy hôm sau mới làm sẽ mất đi nhiều hương thơm và độ dẻo. Sau khi sàng sảy tạo thành gạo, gạo nếp được đưa vào ngâm một đêm với các loại lá tạo màu như lá cẩm, lá dứa, nghệ và gấc để tạo nên mâm xôi ngũ sắc dân cúng trời đất, tạ ơn một mùa màng bội thu.
Tại buổi trải nghiệm, các em học sinh đã được học hỏi và quan sát quy trình chế biến các món ăn tại lễ hội như các làm xôi ngũ sắc, làm các loại bánh nếp và cách thức chế biến món lợn quay truyền thống theo cách của người Tày vùng Định Hoá.
Tại buổi lễ còn có các hoạt động sinh hoạt cộng đồng khác như giao lưu dân ca Tày hát mừng mùa màng bội thu, các trò chơi dân gian, các hoạt động tắm lửa, dân vũ, và đặc biệt là múa rối cạn Thẩm Rộc có nguồn gốc từ Định Hoá. Người tham dự lễ hội còn được thưởng rượu, thưởng trà do người dân ở đây chế biến và cung cấp.
Nếu như một năm cày cấy của đồng bào Tày ở đây bắt đầu bằng lễ “Lồng tồng” thì kết thúc bằng lễ “ Khúa khấu nô – Kin khẩu mẩu”. Lễ hội này mang nét đặc trưng trong văn hoá tôn giáo tín ngưỡng và ẩm thực của người Tày, mang đến cho học sinh chuyên ngành Kỹ thuật chế biến món ăn những kiến thức rất thực tế không chỉ trong cách chế biến, ẩm thực mà còn mang đến những trải nghiệm thiết thực trong văn hoá phục vụ thực khách trong tương lai.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn