Lễ CÔNG BỐ MÚA TẮC XÌNH - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tộc người Sán Chay ở Huyện Phú Lương - Tỉnh Thái Nguyên.

Thứ tư - 22/10/2014 12:14
Lễ CÔNG BỐ MÚA TẮC XÌNH - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tộc người Sán Chay ở Huyện Phú Lương - Tỉnh Thái Nguyên.
Lễ CÔNG BỐ MÚA TẮC XÌNH - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tộc người Sán Chay ở Huyện Phú Lương - Tỉnh Thái Nguyên.

 Dân tộc Sán Chay ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên có vốn văn hóa dân gian rất phong phú như phong tục tín ngưỡng, văn thơ cổ, hát Sình Ca, đặc biệt là Múa Tắc Xình hay còn gọi là Múa cầu mùa. Cho đến nay, múa Tắc Xình vẫn mang một ý nghĩa văn hóa tâm linh trong đời sống tinh thần của bà con dân tộc Sán Chay nơi đây và được nhiều người biết đến.

 

Theo những tư liệu nghiên cứu được thì điệu múa Tắc Xình là điệu múa sinh hoạt dân gian có từ rất lâu đời và được thể hiện bằng các động tác trong quá trình lao động sản xuất hàng ngày như: Phát rẫy, tra hạt, đuổi thú, phát nương.... Nhạc cụ phục vụ Múa Tắc Xình chủ yếu là bộ gõ bằng tre, nứa và một số nhạc cụ khác bổ trợ. Tất cả các nhạc cụ phục vụ âm nhạc cho điệu múa đều phù hợp trong không gian văn hóa của đồng bào dân tộc Sán Chay. Ngoài ra, điệu múa Tắc Xình còn có tiết tấu âm nhạc đơn giản, nguyên sơ không pha tạp các tiết tấu âm nhạc hiện đại, với ngôn ngữ múa lại dễ hiểu, dễ học và người học cũng dễ nhớ.

 

Múa Tắc Xình của dân tộc Sán Chay huyện Phú lương có 2 kiểu múa đó là kiểu múa dương và kiểu âm. Kiểu múa dương là múa cho người dương xem như mừng ngày xuân, ngày hội mà hàng năm vẫn được bà con tổ chức ( Thay cho điều ước về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thường được tổ chức vào ngày mồng 2 tháng 2 âm lịch hàng năm), còn kiểu múa âm thì không sử dụng đến. Là một điệu múa tập thể, đơn giản nhưng rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày của bà con dân tộc Sán Chay. Múa Tắc xình có 8 âm liên tiếp nhưng chỉ có hai âm “tắc” và âm “xình” hợp lại. “Tắc” là âm phát ra bởi tiếng gõ trên thân ống tre. Còn âm “xình” là âm phát ra từ ống tre gõ xuống đất. Các âm “tắc“, “xình“ phát ra theo một trật tự nhất định để kết thành một giai điệu rất riêng không thể lẫn với dân tộc khác: Tắc- Tắc- Xình, Tắc- Tắc- Xình, Tắc- Xình.

 

Các động tác nhịp nhàng theo tiếng nhạc, điệu múa Tắc Xình cũng chịu ảnh hưởng bởi tín ngưỡng phồn thực trong nghi lễ của dân tộc Sán chay. Ngọn tre và các dụng cụ gõ biểu trưng cho cầu nối giữa đất trời và quan niệm của người dân nơi đây, khí âm dương hòa quyện sẽ sinh sôi nảy nở, tạo ra sự sống cho muôn loài. Cũng như nghi lễ của nhiều dân tộc khác trên mọi miền của đất nước, múa Tắc Xình của dân tộc Sán Chay đang có những biểu hiện mai một.

 

Ông Hầu Văn Đạo nghệ nhân nghiên cứu và truyền dạy điệu múa người dân tộc Sán Chay ở xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương là một trong những người đã gắn bó và tâm huyết với điệu múa Tắc Xình của dân tộc mình cũng gần một đời người. Thấy văn hóa của dân tộc mình cứ mai một dần, những năm qua, ông đã bỏ công sức để truyền dạy cho con em đồng bào dân tộc mình biết yêu cái đẹp, cái tinh túy của điệu múa Tắc Xình…

 

Múa Tắc Xình của bà con dân tộc Sán Chay ở huyện Phú Lương được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia đã thêm khẳng định giá trị một điệu múa độc đáo của dân tộc mang nhiều giá trị văn hóa cần được bảo tồn và phát huy cho thế hệ mai sau. Lễ đón nhận diễn ra vào ngày 16 tháng 10 năm 2014 và được truyền hình trực tiếp tại trung tâm huyện Phú Lương với sự có mặt của các đồng chí lãnh đạo, nhà nghiên cứu dân gian, các cán bộ văn hóa cơ sở và toàn thể bà con nhân dân trong và ngoài huyện đến tham dự;

 

Múa Tắc Xình hay các làn điệu dân ca trong Lễ hội Cầu mùa của người Sán Chay là những giá trị văn hoá độc đáo thật đáng trân trọng có sức sống lâu dài trong tâm trí người dân nơi đây. Cùng hưởng ứng chuỗi hoạt động trong chương trình “ Qua miền di sản Việt Bắc” lần thứ IV- Thái Nguyên 2014 do Ủy Ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên kết hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên tổ chức thì học múa Tắc Xình là một trong những hoạt động có nét văn hóa tiêu biểu. Được sự đón nhận của công chúng, sự tiếp nối truyền thống của thế hệ trẻ địa phương để khôi phục và bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào.

 

Hiện nay, sinh viên khoa Nghiệp vụ văn hóa và Du lịch của trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc đang hào hứng luyện tập điệu múa này dưới sự chỉ dẫn của những nghệ nhân. Đây là hình thức hiệu quả nhất cho vấn đề tạo dựng lại niềm yêu thích văn hóa truyền thống các tộc người thiểu số cũng như sự bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa tộc ngươi Sán Chay nói riêng và vùng văn hóa Việt Bắc nói chung.

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn https://vietbacact.edu.vn là vi phạm bản quyền

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi