Giao lưu và học tập tại chương trình “Chung một niềm tin”

Thứ bảy - 08/12/2018 19:16
Giao lưu và học tập tại chương trình “Chung một niềm tin”
Giao lưu và học tập tại chương trình “Chung một niềm tin”

Ngày 08/12/2018, Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã tổ chức chương trình nghệ thuật về âm nhạc truyền thống nhằm tri ân nhạc sĩ, NGND Xuân Khải – người đã có rất nhiều đóng góp cho nền âm nhạc dân tộc Việt Nam.

 




Tới dự chương trình, trường CĐ VHNT Việt Bắc đã tổ chức cho học sinh ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống tham gia giao lưu học tập do thầy Bùi Quốc Chiều – Phó hiệu trưởng làm trưởng đoàn, cùng cô SầmNgọc Ánh – Phó trưởng khoa âm nhạc, các thầy cô giảng dạy bộ môn nhạc cụ dân tộc cùng các em học sinh có thành tích học tập tốt.

Chương trình nghệ thuật “Chung một niềm tin” do Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam phối hợp với Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam thực hiện với sự tham dự của rất nhiều nghệ sĩ, các giảng viên nhạc cụ truyền thống như NSND Thanh Tâm (Đàn Bầu), NSND Mai Phương (Đàn Tỳ bà), NSƯT Hồng Phúc (Đàn Tam thập lục), NSND Phương Bảo (Đàn Tranh), NSƯT Hoàng Anh Tú (Đàn Bầu), NSƯT Cồ Huy Hùng (Đàn Nguyệt) cùng rất nhiều các nghệ sĩ trẻ đã có nhiều thành tích trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển nền âm nhạc dân tộc Việt Nam.

Nhạc sĩ  Xuân Khải sinh năm 1936 tại Thuận Thành, Bắc Ninh. Năm 1954, ông thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam và trúng tuyển vào khóa nhạc cụ dân tộc đầu tiên dưới sự dìu dắt của thầy giáo bậc thầy - NSND Vũ Tuấn Đức. Năm 1959, với kết quả tốt nghiệp đạt loại giỏi, ông được giữ lại làm giảng viên của trường Nhạc viên Hà Nội. Năm 1975, ông được giao làm chủ nhiệm khoa Dân tộc . Năm 1977, nhạc sĩ Xuân Khải đã báo cáo một chương trình biểu diễn nhạc cụ dân tộc gồm ba cây đàn là đàn nguyệt, đàn tranh, đàn bầu trước hội đồng giám khảo của Bộ Văn hóa và ông được cấp bằng đại học nhạc cụ dân tộc đầu tiên của Việt Nam.

Ông cũng là nhạc sĩ đầu tiên có công nâng cấp hệ đại học cho ngành nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Không chỉ được vinh danh là bậc thầy của đàn Nguyệt, nhạc sĩ Xuân Khải còn là người thầy tài năng sử dụng thành thạo và điêu luyện hầu hết các nhạc cụ dân tộc khác như đàn tranh và đàn bầu.

 

 

Thầy và trò nhà trường chụp ảnh kỷ niệm tại buổi giao lưu

 


Đối với mỗi cây đàn ông đều có cách sáng tạo và biểu diễn riêng khiến cho người nghe và người xem đều có thể cảm nhận được chất trữ tình đầy cá tính. Ông là người luôn đau đáu nỗi niềm: Các tác phẩm viết cho cây đàn dân tộc còn quá ít.

Và chính nhạc sĩ Xuân Khải đã đặt nền móng có tính hệ thống cho nhạc cụ dân tộc bằng một loạt tác phẩm cho các nhạc cụ như đàn Nguyệt, đàn Tranh, đàn Tỳ bà….

Những tác phẩm của nhạc sĩ Xuân Khải đượm hồn dân tộc, hòa hợp với âm hưởng thời đại, góp phần hoàn chỉnh, làm phong phú cho giáo trình giảng dạy nhạc cụ dân tộc trong các trường nghệ thuật, và chắp cánh cho tài năng của nhiều nghệ sĩ biểu diễn bay xa trên con đường nghệ thuật.

Hơn 40 năm sáng tác, nhạc sĩ Xuân Khải đã viết được gần 200 bản nhạc không lời dành cho nhạc cụ dân tộc. Nhiều tác phẩm của ông đã được chọn làm tiết mục Hội diễn Âm nhạc toàn quốc hàng năm và đã dành được nhiều Huy chương Vàng, Huy chương Bạc.

Nhạc sĩ Quang Vinh - cục phó Cục nghệ thuật biểu diễn, khi tâm sự về thầy, anh xúc động nói: "Thầy Khải là người kín đáo, không phô trương. Thầy lặng lẽ, miệt mài làm việc, cống hiến và rất nghiêm khắc với học trò của mình. Việc thầy ngồi sáng tác quên cả cơm trưa là chuyện thường xuyên xảy ra. Trong nhạc cụ dân tộc, có những người sáng tác hay chưa chắc đã chơi đàn hay thì thầy Khải có được cả hai thứ đó. Nhạc của thầy dễ nghe, dễ cảm và lay động lòng người. Mạch viết trong thầy như dòng chảy của chính những cảm xúc thật của tâm hồn con người Việt nên nó chảy vào lòng người cũng giản dị và trữ tình như thế".

Với những cống hiến của mình Nghệ sĩ - Nhà giáo Nhân dân Xuân Khải đã được Nhà nước phong tặng "Huân chương lao động hạng Nhì", giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

NGND Dương Viết Á- người bạn tâm giao sinh thời của nhạc sĩ Xuân Khải đã nhận xét ngắn gọn về cố nhạc sĩ: "Âm nhạc Xuân Khải là nơi neo đậu cho sự tĩnh lặng của mỗi tâm hồn Việt Nam"

Chương trình tri ân nhạc sĩ Xuân Khải gồm các tiết mục:

“Xuân quê hương”  – Hòa tấu đàn Tranh

“Cảm xúc quê hương” “Quê ta” – Độc tấu Đàn Nguyệt

“Buổi sáng trên sông Hương” – Độc tấu Đàn Bầu

“Hương sen Đồng Tháp” – Độc tấu đàn Tranh

“Cung đàn đất nước” – Ngũ tấu đàn Bầu

“ Chung một niềm tin” – Hòa tấu dàn nhạc Dân tộc

Chương trình giao lưu rất có ý nghĩa với thầy và trò trường CĐ VHNT Việt Bắc. Qua chương trình, thầy trò được gặp gỡ, giao lưu cùng các nghệ sĩ, giảng viên nhạc cụ truyền thống, các em học sinh có dịp được xem, nghe, thưởng thức các tiết mục được dàn dựng và tập luyện mang tính nghệ thuật chuyên nghiệp cao. Qua đó, giúp các em có định hướng phấn đấu trên con đường học tập nghệ thuật sau này.

 



Tốp Đàn Tranh – Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn https://vietbacact.edu.vn là vi phạm bản quyền

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi