Giảng viên trường CĐ VHNT Việt Bắc tham dự Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị múa sư tử mèo của người Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn.

Thứ ba - 01/11/2022 06:10

Nhằm thiết thực bảo tồn, phát huy giá trị của múa sư tử mèo, đồng thời hướng đến kỷ niệm 113 năm ngày sinh của Đ/c Hoàng Văn Thụ - người con ưu tú của nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn – Trong 02 ngày 21 và 22 tháng 10 năm 2022 vừa qua, tỉnh Lạng Sơn trang trọng tổ chức “Liên hoan múa sư tử dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn” lần thứ nhất và Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị múa sư tử mèo Tày, Nủng tỉnh Lạng Sơn”. Trong dịp này, trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc đã cử giảng viên Nguyễn Văn Bách, khoa Nghiệp vụ Văn hoá & Du lịch tham dự chương trình theo giấy mời của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn.



Múa sư tử mèo là một trò diễn độc đáo mang đậm giá trị văn hóa dân gian của người Tày, Nùng ở xứ Lạng. Đối với họ, sư tử mèo là con vật thiêng liêng, được quý trọng và lưu giữ với một tình cảm vô cùng đặc biệt. Mang trong mình biểu tượng của sự may mắn, uy phong, tinh thần thượng võ, sư tử mèo đi đến đâu thì mang sự thịnh vượng, hạnh phúc, no đủ và niềm vui đến đó. Nhờ vậy, sư tử mèo gắn bó với đời sống của cư dân Tày, Nùng và trở thành một giá trị truyền thống to lớn cho nền văn hóa của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn. Năm 2017 nghệ thuật múa sư tử của người Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn đã được Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch ghi danh vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Đây là thành quả rất lớn của sự nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản của ngành văn hoá Lạng Sơn.

Tham dự liên hoan múa sư tử tỉnh Lạng Sơn lần thứ nhất có 10 đội sư tử và 106 nghệ nhân đến từ các huyện có di sản múa sư tử trong tỉnh Lạng Sơn. Đến tham dự liên hoan, các đội đã trình diễn những trích đoạn cơ bản trong hệ thống bài bản của múa sư tử mèo như múa bái thánh, múa vờn, múa chào hỏi,… và tái hiện lại những nghi thức cơ bản của trò diễn độc đáo này như nghi lễ đón hồn sư tử, nghi thức khai quang điểm nhãn, nghi thức sư tử vái thần linh,… Bên cạnh đó, các đoàn còn trình diễn các bài võ cổ truyền của người Tày, Nùng như võ tay không, võ có sử dụng binh khí, võ đối kháng,… Múa sư tử không chỉ là một trò diễn thể hiện sự mạnh mẽ, khoẻ khoắn mà còn thể hiện tinh thần thượng võ của đồng bào Tày, Nùng Lạng Sơn. Đồng thời, trò diễn này còn phản ánh quá trình lịch sử đấu tranh sinh tồn của con người với tự nhiên và xã hội. Liên hoan múa sư tử được tổ chức tại 02 địa điểm chính: Vòng sơ khảo diễn ra trong buổi chiều ngày 21 tháng 10 tại Hội trường Trung tâm văn hoá tỉnh Lạng Sơn và chung kết, trao giải tổ chức tại không gian tượng đài Hoàng Văn Thụ vào buổi tối cùng ngày. Các vòng thi của liên hoan đều thu hút rất đông khán giả đến tham dự. BTC chương trình đã trao 01 giải đặc biệt, 02 gỉaỉ nhất, 03 giải nhì, 04 giải ba và 07 giải chuyên đề cho các đoàn.

Nằm trong khuôn khổ của chương trình, nhằm làm rõ hơn tên gọi, giá trị và tìm ra những phương pháp để bảo tồn, phát huy giá trị của trò diễn múa sư tử của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn; sáng ngày 22 tháng 10, Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị múa sư tử mèo Tày, Nủng tỉnh Lạng Sơn” tại hội trường khách sạn Trung Xuân, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn. Hội thảo quy tụ nhiều lãnh đạo các Sở, ban, ngành, huyện và thành phố của tỉnh Lạng Sơn; các nhà nghiên cứu văn hoá, tín ngưỡng trong và ngoài tỉnh; các nghệ nhân thực hành trò diễn múa sư tử và cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh đến dự với 26 tham luận có nhiều giá trị. Trong thời gian 01 buổi sáng, Hội thảo đã lắng nghe ý kiến của lãnh đạo, các nhà khoa học và các nghệ nhân về trò diễn múa sư tử ở nhiều góc độ khác nhau như nguồn gốc hình thành, những quy tắc cơ bản trong múa sư tử, thực trạng bảo tồn, phát huy giá trị múa sư tử và những định hướng cơ bản. Từ đó, Hội thảo đã làm sáng tỏ nhiều giá trị và những mã văn hoá ẩn chứa trong trò diễn đặc sắc này.



Trong hội thảo, giảng viên Nguyễn Văn Bách (khoa Nghiệp vụ Văn hoá & Du lịch) đã trình bày 02 tham luận là “Tìm về nguồn gốc múa sư tử mèo của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn”“Những lớp tín ngưỡng gắn liền với múa sư tử mèo của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn”. Các tham luận của giảng viên Nguyễn Văn Bách đã chỉ ra những vấn đề cơ bản trong nguồn gốc, tên gọi và các giá trị nhân sinh quan, thế giới quan trong trò diễn múa sư tử. Đồng thời, các tham luận còn cho thấy nét đặc sắc cơ bản của trò diễn múa sư tử của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn cũng như làm rõ những khác biệt so với nghệ thuật múa lân sư của người Hoa và múa sư tử của người Choang ở Quảng Tây, Trung Quốc. Hội thảo đã chú ý lắng nghe, trao đổi và đánh giá cao 02 tham luận của giảng viên Nguyễn Văn Bách.

Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị múa sư tử mèo của người Tày, Nùng Lạng Sơn” đưa ra nhiều phương hướng hiệu quả nhằm phát huy giá trị của loại hình trò diễn này trong thời kỳ đương đại; trong đó, quan trọng nhất là định hướng phát triển múa sư tử trong hoạt động du lịch và tiến tới xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh múa sư tử mèo của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.


Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn https://vietbacact.edu.vn là vi phạm bản quyền

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi