Toàn cầu hóa và bước chân đã qua

Thứ hai - 06/11/2017 00:18
Toàn cầu hóa và bước chân đã qua
Toàn cầu hóa và bước chân đã qua

Cuối thế kỷ XX, Toàn cầu hóa từng là đề tài nóng thu hút sự quan tâm của nhiều giới. Sau Kỷ nguyên văn hóa được Liên hợp quốc phát động, Toàn cầu hóa như một nội dung đính kèm. Nó mở ra thời đại của Internet, kinh tế tri tri thức, trí tuệ nhân tạo, biến đổi khí hậu, bệnh dịch lây lan trên diện rộng…

 

.

 

Trong bối cảnh đó, thông qua nhịp cầu giao lưu, hợp tác, chúng ta có cơ hội phát hiện ra nhiều hiện tượng văn hóa vốn đã là kết quả của quá trình giao lưu diễn ra từ rất sớm. Trong quá trình tìm kiếm sự khác biệt, con người tìm thấy những bà con gần gũi, thân thiết, thậm chí cùng “huyết thống” với truyền thống văn hóa của mình.

Trường hợp cây kèn bầu trong âm nhạc truyền thống Việt Nam là một ví dụ. Kèn bầu có tên là kèn bóp, kèn già lam, kèn loa, kèn bát, kèn đám ma, kèn tò te, một thành viên chủ lực trong dàn Đại nhạc (Âm nhạc cung đình triều Nguyễn), xuất hiện trong dàn nhạc lễ Bắc, Trung, Nam Bộ. Trên thực tế, kèn bầu có rất nhiều bà con thân thuộc, từ cây kèn Saranai của người Chăm, Shanai của người Ấn Độ, Sona của Trung Quốc, Zurna của Thổ Nhĩ Kỳ, Surnay của Ba Tư, ngày nay (người Iran) gọi là Sron cho đến kèn shawn, một nhạc cụ được sử dụng rộng rãi ở Cossack, du nhập Ukraine qua vùng Causasus. Như vậy, kèn bầu đã chu du khắp châu Á, Âu và Phi, từ trung tâm Tây Á, nơi tập trung nhiều nền văn minh rực rỡ, như Ả Rập, Ai Cập, La Mã cổ, Ba Tư, Babilon, kể cả Hy Lạp, men theo “Con đường tơ lụa” đã tới các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, rồi lan sang khu vực Đông Nam Á; từ Ả Rập vào thế kỷ VIII, kèn bầu tới Tây Ban Nha. Bằng hình thức quá cảnh đất nước này, cây kèn dăm kép tiếp tục sang các nước châu Âu khác. Khoảng thế kỷ XI-XIII dàn quân nhạc Thổ Nhĩ Kỳ nổi tiếng khắp châu Âu. Ảnh hưởng của nó kéo dài tới thời hoàng kim của trường phái âm nhạc cổ điển Viên (thế kỷ XVII).

Bằng chứng cho thấy, nhiều nhạc sĩ vĩ đại, như V.A. Mozart (1756-1791), L.V. Beethoven (1770-1827) từng bị ám ảnh bởi tiếng kèn đồng Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà soạn nhạc thiên tài người Áo Volfgang Amazeus Mozart có bản sonate K331, trong đó, chương Rondo có biệt danh: “Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ” viết cho đàn piano nổi tiếng thế giới. Lutvich Van Beethoven cũng không quên hoài niệm âm sắc kèn đồng nhạc Thổ qua tác phẩm lấy tên “Marcia alla Turca” (Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ). Sau khi quân nhạc Thổ Nhĩ Kỳ thoái lui khỏi sâu khấu châu Âu, âm hưởng của kèn zurna để lại trong loại nhạc khí hơi dăm kép là kèn shawn. Cây kèn này đã được “giải phẫu thẩm mỹ”, tuốt lại âm thanh, từ thứ âm sắc vang chói, ồn ào thành trong trẻo, dịu dàng để chui vào hình tướng của kèn Oboe, một thành viên chính thức thuộc bộ gỗ trong dàn nhạc giao hưởng. Với sóng âm nhỏ, mảnh mai, giống như sợi chỉ mỏng manh, âm sắc Oboe có khả năng xuyên thủng màn âm thanh dày đặc của dàn nhạc, được ví như nàng công chúa đài các, kiêu sa.

Có nhiều hiện tượng, dạng thức văn hóa trước khi mở cảnh cửa nhìn ra bên ngoài, ta cứ ngỡ mình độc nhất vô nhị, vậy mà ở tận đẩu tận đâu, một nơi xa xôi, cách biệt nào đó lại thấy xuất hiện. Hầu hết các tôn giáo lớn trên thế giới đều phát triển ngoài vùng phát tích, như Phật giáo nảy sinh trên đất Ấn Độ, nhưng lại tìm thấy mảnh đất màu mỡ ở Trung Quốc, rồi lan sang khắp vùng Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Thiên chúa giáo, Hồi giáo đều sinh ra tại khu vực Trung Đông, nhưng chỉ có Hồi giáo ở lại nơi này, còn Thiên chúa giáo từ lâu đã phát triển ở châu Âu, rồi sang châu Úc, châu Mỹ...

Toàn cầu hóa theo sự phân định của nhiều nhà nghiên cứu thể hiện trên các lĩnh vực: quân sự, kinh tế, thương mại, văn hóa… Tuy nhiên, song song với “Con đường tơ lụa” do con người mở ra, “biến đổi khí hậu’ cũng là một xu hướng Toàn cầu hóa. Nó cho thấy, cùng với sự dịch chuyển về không gian cư trú, văn hóa, kinh tế thương mại của con người, thiên nhiên cũng có cách “giao lưu văn hóa” của mình. Tuy vô hình, phi tổ chức, nhưng bằng những thay đổi cực đoan, như đổi dòng thủy lưu, tăng cường tia cực tím, băng tan, tuyết lở tại Nam - Bắc cực, nhiệt độ gia tăng tại các hồ lớn… khiến cho cục diện Toàn cầu hóa được mở rộng.

Vượt lên trên hết, dấu hiệu Toàn cầu hóa thể hiện bằng cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần 3, 4. Máy tính liên kết con người trên khắp hành tinh thành một mạng lưới rộng lớn. Thời đại kỹ thuật số có khả năng biến thông tin thành hàng hóa. Nếu như trước đây, một thông tin từ châu Âu sang châu Á, di chuyển bằng ngựa mất vài tháng cho đến một năm, ngày nay, người ta chỉ cần vài giây. Bởi vậy, thông tin là một trong những chỉ báo mang giá trị tượng trưng cho thời đại này. Cùng với sự gia tăng giá trị thông tin, tác dụng phụ của nó cũng khiến cho con người ê chề, mệt mỏi. Nhiều thông tin bị đánh đồng với rác. Trong hoạt động kinh tế, một thông tin đến trước có thể làm thay đổi vận mệnh cả một doanh nghiệp hay lớn hơn là một cộng đồng. Đối với vận mệnh cá nhân, nếu biết trước một thông tin hệ trọng, nó trở thành tài sản vô giá. Ngược lại, nhiều thông tin bủa vây, con người dễ rơi vào trạng thái bội thực, bão hòa. Vòng đời của thông tin càng ngày càng ngắn ngủi, thiếu độ tin cậy. Nhà văn hóa Du Thu Vũ, người Trung Quốc từng bỏ thời gian khoảng bốn năm khảo sát các nền văn minh cổ. Trong thời gian đó, ông chẳng hề biết chuyện gì đã xảy ra trên thế giới, kể cả quê hương mình. Một lần di chuyển bằng taxi có tài xế người Trung Quốc. Họ Du bèn bắt chuyện, hỏi han về tình hình thế giới xảy ra trong thời gian qua. Vị tài xế thông thái ấy sôi nổi kể cho ông nghe tổng quan về tình hình thế giới trong vòng bảy phút và cuối cùng không quên tóm tắt bằng một câu: tất cả chuyện tôi vừa kể đều đã bị người ta lãng quên.

Toàn cầu hóa là thế! Trong rất nhiều câu chuyện, có những điều hết sức xa vời, có điều vô cùng gần gũi. Ta có thể để ý hoặc thờ ơ, nhớ hay quên, quan trọng là, chúng mang dấu ấn của thời đại này.

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn https://vietbacact.edu.vn là vi phạm bản quyền

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giới thiệu về Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc

      Tên đơn vị: TRƯỜNG CAO ĐẲNG VĂN HOÁ NGHỆ THUẬT VIỆT BẮC.       Địa điểm trụ sở chính: Phường Đồng Quang - Thành phố Thái Nguyên-Tỉnh Thái Nguyên.       Lịch sử nhà trường qua các thời kỳ:       - 1959 - 1960: Thành lập Trường...

Thăm dò ý kiến

Bạn biết đến nhà trường qua kênh thông tin nào ?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi