Tiết thanh minh và phong tục tảo mộ của người Tày, Nùng

Thứ năm - 01/04/2021 12:08
Tiết thanh minh và phong tục tảo mộ của người Tày, Nùng
Tiết thanh minh và phong tục tảo mộ của người Tày, Nùng

Với quan niệm “Vạn vật hữu linh” – mọi vật đều có linh hồn – cũng như các dân tộc khác, người Tày, Nùng quan niệm con người ta có cả phần xác và phần hồn. Phần thể xác mất đi nhưng phần linh hồn vẫn luôn hiện diện và chi phối đến đời sống của con người. Do sự ảnh hưởng của Đạo giáo nên người Tày, Nùng cũng cho rằng con người có 3 hồn 7 vía (với nam giới) và 3 hồn 9 vía (với nữ giới). Khi con người chết đi thì những hồn này sẽ được trở về những nơi khác nhau. Trong đó, hồn thứ nhất về với ông bà tổ tiên, hồn thứ hai đi luân hồi chuyển kiếp và hồn thứ ba ngự tại mộ phần[1]. Vì mộ phần là nơi trú ngụ của linh hồn tổ tiên và là sự hiện diện của các thế hệ tiền nhân nơi trần thế nên người Tày, Nùng luôn quan tâm và chăm sóc chu đáo mộ phần của tiên tổ. Với người Tày, Nùng, việc để mất mộ là một trong những tội lỗi rất lớn. Sự quan tâm đến mộ phần tổ tiên của người Tày, Nùng thể hiện rõ ở tục lệ tảo mộ hàng năm.

Tùy từng vùng miền mà người Tày, Nùng lại quy định thời gian tảo mộ khác nhau. Nhiều vùng đồng bào đi tảo mộ vào tháng ba âm lịch nhưng cũng có vùng lại đi vào tháng Chạp. Trong đó, tục lệ tảo mộ vào tháng ba phổ biến ở hầu hết các vùng có người Tày, Nùng cư trú. Đồng bào quan niệm, khi đất trời chuyển sang tháng ba thì thời tiết cũng bắt đầu có những cơn mưa lớn gây ảnh hưởng tiêu cực đến phần mộ của ông bà tổ tiên. Nếu phần mộ của ông bà bị cây cối che phủ um tùm, bị xuống cấp, sạt lở thì con cháu cũng vô cùng lo lắng và áy náy. Do vậy, đồng bào thường tổ chức đi tảo mộ nhằm mục đích phát quang cây cỏ và gia cố lại cho ngôi mộ thêm chắc chắn. Phong tục tảo mộ được người Tày, Nùng gọi là "slại mả". Ngoài ý nghĩa sửa sang lại mộ phần thì phong tục tảo mộ còn thể hiện tình yêu thương và trách nhiệm của người sống với người đã khuất. Do tiết thanh minh thường rơi vào tháng ba nên tục đi tảo mộ thường bị gọi nhầm lẫn là đi thanh minh.

 

.

 

Trước đây, người Tày, Nùng thường quy định thời gian đi tảo mộ phải vào các ngày 3 trong tháng (mùng 3, 13, 23)[2]. Trong đó, người Nùng đi tảo mộ vào đúng ngày 3 tháng 3. Người Nùng quan niệm, tục tảo mộ không phụ thuộc vào tiết thanh minh nên nếu ngày 3 tháng 3 mà chưa đến thanh minh thì đồng bào vẫn đi tảo mộ. Ngày nay, do quan niệm phải đến tiết thanh minh thì cửa mả[3] mới mở cho các cụ lên trần gian nên nhiều nhà thường lựa chọn ngày tảo mộ vào sau tiết thanh minh chứ không nhất định phải là các ngày 3 trong tháng như trước đây. Ngoài ra, do ảnh hưởng của thời gian học tập, lao động và công tác tại các công sở, cơ quan, xí nghiệp nên ngày tảo mộ cũng có sự thay đổi nhằm đáp ứng được công việc của các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên đồng bào không bao giờ để ngày tảo mộ quá tháng 3 âm lịch. Đối với những ngôi mộ mới mà người nằm dưới mộ vẫn chưa cắt tang thì người ta thường tảo mộ trước tiết thanh minh.

Để việc tảo mộ tiến hành thuận lợi thì từ tháng 2 âm lịch, các thành viên trong gia đình đã liên lạc với nhau để thống nhất về thời gian cũng như chuẩn bị các phương tiện, vật chất. Do mộ phần là sự hiện hữu của ông bà, cha mẹ nên với người Tày, Nùng, việc đi tảo mộ mang ý nghĩa báo hiếu rất lớn. Vì vậy dù ở xa đến mấy thì con cháu cũng cố gắng thu xếp công việc để về thắp hương và thăm lại nơi an nghỉ của tiên tổ. Theo tục lệ truyền thống thì người ta sẽ đi tảo mộ ở những ngôi mộ mới trước rồi mới đi các mộ cũ. Nhiều gia đình do chưa có nghĩa trang riêng, mộ các cụ rải rác ở nhiều nơi thì việc đi tảo mộ có khi phải mất đến vài ngày.

Trước khi đi tảo mộ, người ta phải chuẩn bị sẵn các phương tiện như dao phát, cuốc, xẻng, liềm để dọn dẹp và phát quang mộ. Bên cạnh đó, đồng bào còn chuẩn bị hương, vàng, nến, rượu và các lễ vật để cúng cho người dưới mộ. Các lễ vật thường có lễ tam sinh (gà luộc, thịt lợn luộc, cá rán hoặc trứng luộc), bánh, kẹo, hoa quả, xôi. Với những khu mộ lớn, đồng bào còn quay cả lợn để cúng. Đặc biệt, trong các món lễ vật dâng cúng không thể thiếu món xôi ngũ sắc và bánh ngải. Xôi ngũ sắc được làm từ gạo nếp cái hoa vàng ngâm với các loại củ và lá cây tự nhiên để tạo màu (màu vàng từ củ nghệ, màu đỏ từ lá cẩm đỏ, màu tím, màu xanh nhạt từ cây cẩm tím, màu trắng là màu tự nhiên của gạo nếp). Bánh ngải được làm từ gạo nếp giã với lá ngải (lá ngải được luộc nhiều lần với nước vôi trong để khử vị ngái) nhân lạc - đường hoặc vừng – đường. Đây là hai món ăn đặc trưng của ngày lễ thanh minh – tảo mộ và là đặc sản của ẩm thực Tày, Nùng.

Khi đến mộ, việc đầu tiên cần phải làm đó là thắp hương để xin các vị thần linh và người dưới mộ cho phép được phát quang, sửa sang mộ. Trước đây khi chưa cấm pháo, người ta thường đốt một băng pháo tép để tạo ra âm thanh vui tươi, ròn rã nhằm báo hiệu sự có mặt của con cháu tại nơi an táng ông bà, tổ tiên và xua tan đi sự âm u của nghĩa trang. Sau đó, người ta bắt đầu phát các loại cây cỏ bám xung quanh mộ, sửa lại đường rãnh dẫn nước quanh mộ và kè lại bờ để tránh mộ bị nước chảy làm xói mòn. Cuối cùng, mộ được đắp lên một lớp đất mới để trông sáng sủa và to đẹp hơn. Người Tày, Nùng quan niệm mộ phần là nơi an nghỉ của ông bà nên rất cần có sự yên tĩnh. Vì vậy, đồng bào chỉ lên mộ thắp hương khi có việc cần thiết. Đặc biệt, trừ ngày tảo mộ vào tháng ba thì những ngày khác trong năm không được phép động dao cuốc vào mộ.

 

.

 

Khi đã dọn dẹp xong xuôi và ngôi mộ đã được đắp lớp đất mới đẹp đẽ thì đồng bào sẽ bày ra trước mộ các lễ vật để cúng thần linh và vong linh người nằm dưới mộ. Thông qua làn khói hương nghi ngút, các con cháu gửi lòng thành kính thỉnh mời các cụ về chứng giám, phù hộ cho các con, các cháu ở trần gian được mạnh chân, khỏe tay và gặp nhiều điều may mắn. Sau khi rót đủ ba tuần rượu, những tiền vàng, quần áo trên mâm lễ sẽ được đem thiêu hóa. Với tinh thần bác ái, đồng bào cũng không quên phát quang và thắp cho những ngôi mộ hoang vô chủ nén hương thơm để người nằm dưới ấy bớt phần tủi nhục.

Sau khi hóa vàng, gia đình sẽ thụ lộc ngay tại mộ. Việc thụ lộc tại mộ mang ý nghĩa nhân văn rất lớn vì nó không chỉ là sự cộng cảm, cộng mệnh của những người đang sống mà còn là sợi dây kết nối tâm linh giữa người sống với người đã khuất. Trước khi ăn, người ta ném 1 chút thức ăn ra bốn phương nhằm mục đích cho các cô hồn không nơi nương tựa đang lai vãng quanh đây cũng có miếng ăn. Bữa ăn tại mộ diễn ra một cách vui vẻ và đầm ấm, át đi hẳn sự âm u thường ngày của nghĩa trang, của núi rừng. Trong lúc ăn uống, người ta cũng không quên đem chén rượu đến mời những nhà xung quanh cũng đang tảo mộ tạo nên không khí vui tươi và tăng thêm tinh thần đoàn kết. Theo tục lệ truyền thống, người ta phải ăn hết tất cả các lễ vật đem theo, không được phép để thừa. Nếu còn thức ăn thừa thì phải để lại mộ chứ không được đem về.

Kết thúc buổi tảo mộ, đồng bào cắm lên trên mộ một cây nêu được cắt bằng giấy bản theo hình những đồng tiền xu. Cây nêu này mang những ý niệm như sau:

Thứ nhất: Việc cắm nêu báo hiệu ngôi mộ này là ngôi mộ có chủ và đã được con cháu đến tảo mộ.

Thứ hai: Những đồng tiền trên cây nêu là tài sản “để dành” của con cháu dâng người nằm dưới mộ.

Thứ ba: Cây nêu là vật đánh dấu lãnh thổ và quyền sở hữu mộ phần của vong linh người ở dưới mộ. Đó là sự nhắc nhở các vong linh, tà ma quỷ quái không được xâm phạm vào khu vực mộ.

Đối với những ngôi mộ mà người nằm dưới mộ chưa được cắt tang thì không được cắm cây nêu trên mộ vì mộ phần lúc này vẫn chưa thực sự thuộc quyền sở hữu của vong linh dưới mộ.

Tảo mộ tháng ba là tục lệ đẹp và mang nhiều ý nghĩa. Nó thể hiện tính nhân văn và tinh thần trọng đạo hiếu của người Tày, Nùng. Tục tảo mộ không chỉ là tấm lòng hiếu thuận của con cháu đối với ông bà, cha mẹ mà còn là cơ hội để cố kết tình cảm giữa những người thân trong gia đình. Vượt qua không gian tâm linh, tục lệ tảo mộ còn trở thành lễ hội lớn của cộng đồng. Ngày nay, tục lệ tảo mộ tuy đã có nhiều sự thay đổi về thời gian nhưng vẫn luôn được đồng bào trân trọng, gìn giữ và là nét đẹp trong văn hóa truyền thống Tày, Nùng.

Trong tiết thanh minh của buổi xưa xưa nào ấy, Thúy Kiều đã gặp Đạm Tiên - một nấm mồ "sè sè cỏ mọc" - cuộc gặp trong suy tưởng, trong mây khói giữa thực và hư, giữa một cô Thúy Kiều sắc nước hương trời hiện tại và một cô Đạm Tiên tài hoa tuyệt sắc quá khứ. Biết đâu được rằng trong khói cuộn tàn hương và tro bay điêu tàn, hai thân phận chìm nổi ấy lại gặp nhau.

 



[1] Theo ông Nguyễn Văn Thọ - nghệ nhân thực hành then tại tỉnh Lạng Sơn.

[2] Theo bà Đoàn Bích Khê, TTr Thất Khê, Tràng Định, Lạng Sơn

[3] Nhiều người quan niệm thời gian mở cửa mả bắt đầu từ tiết thanh minh cho đến tiết cốc vũ.

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn https://vietbacact.edu.vn là vi phạm bản quyền

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giới thiệu về Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc

      Tên đơn vị: TRƯỜNG CAO ĐẲNG VĂN HOÁ NGHỆ THUẬT VIỆT BẮC.       Địa điểm trụ sở chính: Phường Đồng Quang - Thành phố Thái Nguyên-Tỉnh Thái Nguyên.       Lịch sử nhà trường qua các thời kỳ:       - 1959 - 1960: Thành lập Trường...

Thăm dò ý kiến

Bạn biết đến nhà trường qua kênh thông tin nào ?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi