NGHỆ NHÂN ƯU TÚ (NNƯT) PHẠM VĂN QUANG – NGƯỜI NẶNG LÒNG VỚI VĂN HÓA DÂN TỘC

Thứ năm - 19/09/2019 09:08
NGHỆ NHÂN ƯU TÚ (NNƯT) PHẠM VĂN QUANG – NGƯỜI NẶNG LÒNG VỚI VĂN HÓA DÂN TỘC
NGHỆ NHÂN ƯU TÚ (NNƯT) PHẠM VĂN QUANG – NGƯỜI NẶNG LÒNG VỚI VĂN HÓA DÂN TỘC

         Sinh năm 1963 tại Vũ Thư, Thái Bình nhưng lại trưởng thành từ mảnh đất Ngân Sơn, Bắc Kạn - quê hương của những điệu sli, lượn, của tiếng tính lời then ngọt ngào đằm thắm - nên không biết tự lúc nào, những mạch nguồn dân ca ấy đã thấm vào tâm hồn của nghệ nhân Phạm Văn Quang và ông đã trở thành người nghệ sỹ bản làng, của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng từ ấy.

 

Trong đợt phong tặng NNND, NNƯT năm 2019 vừa qua, tỉnh Thái Nguyên vinh dự có 1 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu NNND và 3 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu NNUT. Trong các nghệ nhân được phong tặng danh hiệu NNƯT, NNƯT Phạm Văn Quang là nghệ nhân trẻ tuổi nhất và cũng có nhiều điều đặc biệt nhất. NNƯT Phạm Văn Quang hiện đang công tác tại khoa Nghiệp vụ Văn hóa & Du lịch, trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc, ông là giảng viên giảng dạy môn đàn hát then và dân ca Việt Bắc cho HSSV trong trường. Điều đặc biệt, NNƯT Phạm Văn Quang là người Kinh nhưng có thể nói thông thạo tiếng Tày, Nùng và thậm chí còn sáng tác thơ ca bằng tiếng dân tộc.



Trao đổi với chúng tôi, NNƯT Phạm Văn Quang bộc bạch:
Tôi sinh ra từ quê lúa Thái Bình nhưng lại lớn lên trong mạch nguồn dân ca Tày Nùng Ngân Sơn, Bắc Kan. Đó cũng là sự may mắn và ưu ái của cuộc đời dành cho tôi. Tôi lớn lên trong tiếng hát dân ca của bà của mẹ, của những đêm then huyền thoại, trữ tình nên từ nhỏ tôi đã được tắm mình và trưởng thành từ mạch nguồn ấy. Sau này khi tham gia các hoạt động văn nghệ tại cơ sở, được tiếp xúc với các nghệ nhân, tôi càng thêm yêu mến và mong muốn được tiếp nối các nghệ nhân để lưu truyền lại văn hóa dân tộc.

Có lẽ chính mối lương duyên ấy đã trở thành duyên nghiệp để nghệ nhân Phạm Văn Quang trưởng thành và trở thành người giữ lửa văn hóa cha ông. Chính vì vậy, năm 1997 khi còn đang công tác tại nông trường chè Sông Cầu, nghệ nhân Phạm Văn Quang quyết định xin nghỉ công tác để về trường Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc theo học ngành văn hóa quần chúng nhằm nâng cao kỹ năng đàn hát then, dân ca và theo đuổi đam mê của mình. Là thế hệ học trò được thụ giáo trực tiếp với các thế hệ nghệ nhân, giảng viên tiền bối của trường VHNT Việt Bắc như NSƯT Quỳnh Nha, thầy Đinh Quang Khải, cô Hà Bời, thầy Hoàng Hưng,... nghệ nhân Phạm Văn Quang là một trong số ít những nghệ nhân được đào tạo bài bản và chuẩn mực. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông đã nổi tiếng là cây văn nghệ của nhà trường và tấm gương học tập vượt khó. Bằng niềm đam mê và tài năng thiên bẩm của mình, giọng hát NNƯT Phạm Văn Quang đã bay cao, bay xa đến mọi miền tổ quốc.Sau khi kết thúc khóa học, nhận thấy tài năng và đam mê của nghệ nhân Phạm Văn Quang, BGH Nhà trường đã quyết định giữ ông lại trường để giảng dạy môn đàn hát then và dân ca Việt Bắc.

Về trường công tác đến nay đã tròn 20 năm, NNƯT Phạm Văn Quang đã đào tạo và dìu dắt hàng trăm học trò. Bằng tài năng và lòng đam mê văn hóa dân tộc, NNƯT Phạm Văn Quang đã truyền ngọn lửa truyền thống dân tộc từ các thế hệ nghệ nhân đi trước đến với các thế hệ tiếp nối. Những học trò qua tay của NNƯT Phạm Văn Quang đều trở thành những cán bộ văn hóa, nghệ sỹ diễn viên có năng lực chuyên môn cao và nhiệt huyết cháy bỏng, họ thực sự là cầu nối để tiếp tục truyền bá văn hóa truyền thống đến bạn bè năm châu và các thế hệ mãi về sau. Trong số học trò của NNƯT Phạm Văn Quang, hiện đã có nhiều người thành danh từ hát then như Xuân Bách (gv trường CĐ VHNT Việt Bắc), Minh Chiến, Ngọc Ánh, Hoàng Kiểm, Ngọc Ánh,...

Chia sẻ với chúng tôi, sinh viên Triệu Bích Ngọc (lớp Cao đẳng Quản lý văn hóa K10 do NNƯT Phạm Văn Quang trực tiếp hướng dẫn, giảng dạy) chia sẻ: “Thầy Quang là một nhà giáo nhiệt tình, có năng lực và nghiệp vụ sư phạm vững chắc. Những bài giảng của thầy đối với chúng em đều rất cuốn hút và cho chúng em nhiều điều bổ ích”

Bên cạnh công việc lên lớp, NNƯT Phạm Văn Quang còn tham gia nghiên cứu, xây dựng chương trình, giáo trình học tập môn đàn hát then. Năm 2015, tập thể giảng viên khoa Nghiệp vụ Văn hóa & Du lịch trường Cao đẳng VHNT trong đó có nghệ nhân Phạm Văn Quang đã xây dựng và bảo vệ thành công đề tài “Giáo trình đàn hát then” cấp Bộ. Đây là cuốn giáo trình hướng dẫn giảng dạy, học tập môn đàn hát then đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam và là tư liệu quý giá để nghiên cứu nghệ thuật hát then các dân tộc Tày, Nùng, Thái. Trong thời gian công tác tại trường, NNƯT Phạm Văn Quang vẫn thường xuyên cùng đồng nghiệp rong ruổi đi khắp các làng gần, bản xa, gặp gỡ các nghệ nhân cao tuổi để sưu tầm, nghiên cứu những bài then hay, đặc sắc, phục vụ bài giảng và nhu cầu thưởng thức văn nghệ của nhân dân.

Bằng vốn kiến thức âm nhạc và khả năng sáng tác thơ ca bằng tiếng dân tộc, NNƯT Phạm Văn Quang còn tích cực sáng tác, biên soạn các tác phẩm âm nhạc dựa trên các làn điệu then. Nhiều tác phẩm của NNƯT Phạm Văn Quang như “Hội xuân núi rừng”, “Bác Hồ về quê em”, “Ngày hội trà xuân”,... đều được khán giả mọi miền đánh giá cao, là tiết mục “đinh”của nhiều đội văn nghệ quần chúng và giành nhiều giải thưởng cao trong các kỳ liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng.

Mặc dù đứng trên bục giảng và thời gian rất hạn chế do tính chất công việc nhưng NNƯT Phạm Văn Quang vẫn thường xuyên tham gia biểu diễn tại các chương trình văn nghệ quần chúng. Chia sẻ với chúng tôi, ông nói rằng ông đứng trước khán giả và ánh đèn cho đỡ nhớ sân khấu. Với ông, sân khấu không chỉ là nơi ông thỏa mãn đam mê mà còn là nơi ông tìm lại được chính mình. Các kỳ liên hoan then hàng năm, không kỳ nào vắng mặt NNƯT Phạm Văn Quang với nhiều vai trò khác nhau, khi thì ông làm diễn viên, khi ông lại làm hậu đài phục vụ diễn viên biểu diễn. Ở vai trò ông cũng đều làm tròn nhiệm vụ của mình và được lãnh đạo, bạn bè đánh giá cao.

Trở lại với đời thường, NNƯT Phạm Văn Quang có một tổ ấm đáng mơ ước. 2 con trai của ông hiện nay cũng đều là những giảng viên giàu nhiệt huyết của trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc. NNƯT Phạm Văn Quang hiện nay đã lên chức ông nội. Tuy bận công việc ở trường cũng như ở nhà nhưng ông vẫn rất tích cực tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ thuật của địa phương. Thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, ông vẫn đi xe máy đến các CLB then trong thành phố Thái Nguyên cũng như các huyện lân cận để hướng dẫn và dàn dựng các tiết mục then.



Đánh giá các hoạt động của NNƯT Phạm Văn Quang, NNƯT Hoàng Bích Hồng - chủ nhiệm CLB Then Thái Nguyên nhận định: “Thầy Quang là một trong những thành viên rất tích cực của CLB then Thái Nguyên. Với vai trò là phó chủ nhiệm CLB, thầy luôn nhiệt tình với công tác của CLB, thường xuyên đem các tiết mục mới, đặc sắc về hướng dẫn cho CLB. Có thể nói, thầy không chỉ mang chuyên môn mà còn đem cả niềm vui về cho anh chị em CLB then Thái Nguyên"

Được nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân Phạm Văn Quang luôn coi đó là một động lực rất quan trọng để ông tiếp tục cống hiến. Ông chia sẻ: "Trong văn hóa dân tộc, vẫn còn rất nhiều đóa hoa ẩn mình dưới lá. Mặc dù tuổi đã cao nhưng tôi vẫn luôn luôn cố gắng đi tìm những đóa hoa ấy để khoe sắc với đời. Tôi biết tuổi đời tôi hiện cũng không còn trẻ nên tôi vẫn gắng sức đào tạo ra những thế hệ trẻ để tiếp nối công việc của tôi. Tôi vẫn luôn hy vọng vào thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước – sẽ vun đắp cho vườn hoa ấy càng thêm rực rỡ”

Đó là những lời bộc bạch và nhắn nhủ xuất phát từ tận đáy lòng của một nghệ nhân – thầy giáo luôn hết mình với văn hóa truyền thống cũng như các thế hệ học trò. Hy vọng tiếng tính lời then sẽ còn lưu truyền mãi về sau và những tấm gương sáng như NNƯT Phạm Văn Quang sẽ trở thành động lực để các thế hệ tiếp nối ý thức và trân trọng truyền thống văn hóa dân tộc.

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn https://vietbacact.edu.vn là vi phạm bản quyền

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi