Nâng cao chất lượng đào tạo nghệ thuật múa dân gian dân tộc

Thứ hai - 04/12/2017 16:11
Nâng cao chất lượng đào tạo nghệ thuật múa dân gian dân tộc
Nâng cao chất lượng đào tạo nghệ thuật múa dân gian dân tộc

Nâng cao chất lượng đào tạo và nghệ thuật biểu diễn múa dân gian dân tộc là một vấn đề nghiên cứu sâu rộng, đa chiều ở các góc độ khác nhau. Từ những quy chế đào tạo chung đến những đặc thù riêng; từ những nhiệm vụ, nguyên tắc, phương pháp dạy học cùng các hệ thống chất lượng hiện hữu đến điều kiện, hoàn cảnh, thực tại cần thích ứng.

Văn hóa nghệ thuật là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam.  Do đó, hội nhập quốc tế trong giai đoạn này thì yếu tố tiếp thu tinh hoa văn hoá thế giới là rất cần thiết. Từ ngày đất nước chuyển sang cơ chế thị trường mở cửa giao lưu, việc tiếp nhận những giá trị đích thực của nền văn hóa phương Tây và những hệ thống múa nước ngoài để áp dụng đào tạo diễn viên múa dân tộc là khuynh hướng nghệ thuật tạo dựng cái mới cho bản sắc dân tộc.

 

 

 

Mỗi một vùng di sản múa cần xác định tiêu chí và kiến lập bản đồ di sản múa của từng vùng. Các tộc người trong vùng cần có những nội dung, chương mục thống nhất theo một mô hình cấu trúc ổn định như nguồn gốc, tiến trình, môi trường địa lí, dân số, tộc danh, phong tục, tập quán, lễ nghi, luật tục, văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể. Chúng là nền tảng nảy sinh nghệ thuật múa và mang đậm đà dấu ấn văn hóa bản địa, văn hóa tộc người, dấu ấn văn hóa vùng. Di sản múa là trung tâm, là đối tượng nghiên cứu chính yếu của vùng di sản múa.

Như chúng ta đã biết múa dân gian dân tộc, một loại hình nghệ thuật bắt nguồn từ sinh hoạt và được truyền từ đời này sang đời khác. Nhân dân chính là người sán tạo nên múa dân gian và sau này các nhà nghiên cứu, sưu tầm chỉnh sửa, nâng cao hơn về thẩm mĩ rồi đưa vào giáo trình giảng dạy trong các nhà trường và múa dân gia dân tộc đã trở thành môn học trong chương rình đào tạo diễn viên múa chuyên nghiệp. Múa dân gian dân tộc thật đa dạng và phong phú, là nền tảng tiêu biểu cho bản sắc văn hóa của mỗi tộc người.Múa dân gian dân tộc gắn liền với phong tục tập quán, lễ nghi. Do địa danh, vùng miền, những tập tục khác nhau nên dẫn đến đặc điểm, tính chất và phong cách múa của mỗi dân tộc cũng khác nhau. Mỗi tộc người đều có phong cách múa và nét đặc trưng riêng biệt. chính vì điều này mà nghệ thuật múa dân gian dân tộc có khả năng giúp cho việc đào tạo diễn viên múa chuyên nghiệp hiện nay trong các nhà trường. Nhìn lại công tác đào tạo diễn viên múa trong những năm qua, thực tế cho ta thấy hiệu quả thực sự chưa được tốt, song không thể phủ nhận được công lao đóng góp, sự tâm huyết của đa số giáo viên trực tiếp giảng dạy bộ môn múa dân gian dân tộc cho sự nghiệp đào tạo. Có thể nói, hầu hết học sinh sau khi tốt nghiệp đều được tiếp nhận về làm việc tại các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, nhiều em trở thành diễn viên solit, đạt nhiều giải thưởng cao trong các hội diễn chuyên nghiệp, giữ trọng trách quản lý các đơn vị nghệ thuật của Trung ương và địa phương. Vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo trong nhà trường, nâng cao trình độ diễn viên biểu diễn múa dân gian dân tộc. Trong quá trình nghiên cứu, tôi xin đưa ra một số giải pháp sau để chúng ta cùng chia sẻ, nhằm phát triển sự nghiệp của ngành múa một cách bền vững:

Thứ nhất: Đối với các nhà quản lý ở các trường có đào tạo diễn viên múa cần phải đưa ra những kế hoạch, chiến lược cho công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ giáo viên, đặc biệt là giáo viên dạy múa dân gian dân tộc.

Xây dựng giáo trình Múa dân gian dân tộc thành những giáo trình bằng văn bản và giáo trình thực hành hệ thống múa cơ bản dân gian dân tộc mang tính thống nhất, tính quy phạm.

Trong mỗi nhà trường các giảng viên dạy múa dân gian dân tộc phải phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban, khoa chuyên môn tổ chức nghiên cứu sưu tầm thêm Múa của các dân tộc khác để bổ sung vào chương trình giáo trình Múa hiện đang giảng dạy.

Nhà trường thường xuyên tổ chức, tập huấn cho các giáo viên giảng dạy Múa dân gian dân tộc theo chuyên đề nhằm thống nhất hệ thống giáo trình, đề cương chi tiết, thống nhất quy cách động tác và đặc biệt có kế hoạch bồi dưỡng tài năng học sinh biểu diễn Múa dân gian dân tộc.

 

 

 

Thứ  hai:  Đối với đội ngũ giáo viên giảng dạy múa dân gian dân tộc mặc dù đã được đào tạo chính quy nhưng cần phải nghiên cứu sâu hơn nữa về văn hóa dân gian, phong tục tập quán của từng dân tộc. Giảng viên phải biết huấn luyện cho học sinh cách thức thể hiện phong cách dân tộc ngay từ những bài tập cơ bản cho đến bài thi tốt nghiệp. Kết cấu bài thi tốt nghiệp phải đảm bảo những nguyên tắc cơ bản và phản ánh được nội dung, chương trình đào tạo.

Thứ ba: Âm nhạc múa cơ bản có vai trò quan trọng, gắn liền với ngôn ngữ động tác Múa. Do đó, phối nhạc đệm cho bài thi giáo viên cần phải biên soạn sao cho phù hợp để tăng hiệu quả chương trình thi, giáo viên giảng dạy phải phối hợp chặt chẽ với giáo viên đệm nhạc. Kết cấu bài tập phải bám sát với sắc thái âm nhạc, tránh tình trạng lắp ghép động tác cho hết nhạc.

Thứ tư: Di sản múa của 54 tộc người là kho tàng di sản múa đồ sộ, quý giá về nhiều lĩnh vực để lại cho muôn đời sau. Bởi vậy các cấp lãnh đạo, Ban giám hiệu nhà trường cần đầu tư kinh phí, chế độ chính sách phù hợp cho những giảng viên tích cực đi nghiên cứu, sưu tầm.

Về phía nhà trường cần phải đảm bảo cơ sở vật chất tốt nhất cho công tác dạy và học bộ môn Múa dân gian dân tộc  như:  sàn gỗ, giày múa, trang phục, đạo cụ biểu diễn phải trang bị một cách đầy đủ.

Kính thưa toàn thể Hội nghị, ngày nay trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, trước  tốc độ cuốn hút mạnh mẽ của “toàn cầu hóa”, các xu hướng văn học nghệ thuật giao lưu tiếp biến hay có, dở có, đầy thách thức, phải chăng đây là lúc các nhà giáo, nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu lý luận đã và đang đào tạo giảng dạy múa dân gian dân tộc cần hướng sự quan tâm tới việc giữ gìn, phát triển di dản dân tộc, tới thực trạng đào tạo, giảng dạy múa dân gian dân tộc để cùng nghiên cứu, sẻ chia những kinh nghiệm, những giải pháp tích cực, để nâng cao chất lượng đào tạo, một nền nghệ thuật múa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là cấp thiết!

Trong hoạt động nghệ thuật, giáo dục đào tạo để đào tạo ra những nghệ sĩ – kĩ sư tâm hồn; họ sẽ đem lại cho đời, cho mọi người những cảm xúc thẩm mỹ tinh tế và tâm hồn, tình cảm, đời sống tinh thần phong phú cao đẹp. Do đó nâng cao chất lượng đào tạo và nghệ thuật biểu diễn múa dân gian dân tộc của các nhà trường nói chung là rất cần thiết và là điều tất yếu để đáp ứng nhu cầu đào tạo và mới xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội.

 

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn https://vietbacact.edu.vn là vi phạm bản quyền

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi