Khai thác và phát huy di sản thực hành then tại làng du lịch cộng đồng ở Lạng Sơn

Thứ sáu - 18/03/2022 08:14
Khai thác và phát huy di sản thực hành then tại làng du lịch cộng đồng ở Lạng Sơn
Khai thác và phát huy di sản thực hành then tại làng du lịch cộng đồng ở Lạng Sơn

Ngày 13/12/2019 thực hành then Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là sự ghi nhận tích cực từ bạn bè quốc tế nhưng cũng là một câu hỏi lớn đặt ra cho vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của then trong đời sống đương đại. Một trong những phương pháp hữu hiệu nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của thực hành then hiện nay chính là đưa di sản vào hoạt động du lịch. Làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn (xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) là một trong những điểm du lịch đã và đang khai thác rất tốt di sản thực hành then để phát triển du lịch. Quá trình khai thác thực hành then tại làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn đã khẳng định tầm quan trọng của di sản văn hóa bản địa trong việc phát triển du lịch địa phương. Đồng thời, mở ra hướng mới trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống.

 

 

 

Huyện Bắc Sơn tỉnh Lạng Sơn là nơi có truyền thống lịch sử, văn hóa đặc sắc và mang nhiều nét đặc trưng riêng. Sự đặc trưng ấy thể hiện trong văn hóa truyền thống của các tộc người trên địa bàn huyện. Huyện Bắc Sơn hiện có các dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao và Mông cùng sinh sống. Trong đó, người Tày có số dân đông nhất trong các dân tộc anh em ở Bắc Sơn, cư trú  chủ yếu ở thung lung Bắc Sơn. Trong xu thế phát triển ngành du lịch như hiện nay, người Tày ở xã Bắc Quỳnh (Quỳnh Sơn cũ) đã tham gia vào hoạt động du lịch. Với ưu thế về cảnh quan và truyền thống văn hóa, điểm du lịch của người Tày ở làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn (xã Bắc Quỳnh) hiện đang là một trong những điểm nhấn được khách du khách chọn lựa khi đến Bắc Sơn. Do được hình thành từ vùng then Bắc Sơn nên di sản then đã được người Tày ở Quỳnh Sơn đưa vào hoạt động du lịch. Trong quá trình hoạt động của đội ngũ nghệ nhân hát then khu du lịch Quỳnh Sơn bước đầu đã thu được thành tựu nhưng vẫn chưa thực sự phát huy hết hiệu quả của sản phẩm du lịch, đặt ra nhiều câu hỏi cho việc ứng dụng di sản vào hoạt động du lịch và công tác bảo tồn, quảng bá.

1. Làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn với tiềm năng phát triển du lịch

Làng Du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn nằm trải dài trên 05 thôn Đon Riệc 1, Đon Riệc 2, Nà Riềng, Thâm Pát và Tân Sơn thuộc xã Bắc Quỳnh (Quỳnh Sơn cũ), huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Đây là ngôi làng cổ được thành lập cách nay 100 năm, làng cách thị trấn Bắc Sơn 3km và là 1 mắt xích quan trọng nằm trong chuỗi các điểm tham quan du lịch tại Bắc Sơn. Sau khi sáp nhập xã Quỳnh Sơn và Bắc Sơn thành xã Bắc Quỳnh (năm 2018) thì hiện nay, làng có 450 hộ gia đình. Trong đó, đại đa số dân cư là người Tày và một số ít các dân tộc anh em khác.  Đây là khu du lịch cộng đồng mới được hình thành trong khoảng thời gian 10 năm trở lại và hiện đang được huyện Bắc Sơn rất quan tâm đầu tư để làm điểm du lịch trọng điểm.

Người Tày ở làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn hiện còn lưu giữ được nhiều phong tục, tập quán và những nét đặc sắc trong đời sống văn hóa, tinh thần. Hàng năm, theo chu kỳ nông nghiệp, đồng bào có rất nhiều các lễ tết như tết nguyên đán, tết đắp nọi (30 tháng giêng), tết đoan ngọ (5/5), tết tháng 7 (14 và 15/7), tết trung thu (15/8), tết cơm mới (10/10),… Các lễ tết đều được đồng bào thực hiện theo đúng phong tục cổ truyền và thường có các loại bánh đặc trưng kèm theo trong ngày tết như món bánh gio (pẻng lắng) ngày tết đoan ngọ, bánh rợm, bánh gai (chì tái, chì páng) ngày tết tháng 7, bánh mặt trăng (bánh nướng – chì pính) ngày tết trung thu, bánh dày, xôi ngũ sắc (chì pướng, khấu nua đăm đeng) ngày tết cơm mới, bánh chưng đen được làm từ gạo và tro nếp… Những món ăn này không chỉ là lễ vật dâng cúng thần linh, gia tiên mà còn thể hiện sự tài hoa, khéo léo trong tay nghề chế biến món ăn của người Tày Bắc Sơn. Ngoài các loại bánh, người Tày ở đây còn có các món ăn mang đậm hương vị núi rừng Bắc Sơn như lạp xường ướp gừng đá, giò thủ ướp mác khén,…Đặc biệt, người Tày ở nơi đây còn có các món ăn chế biến từ côn trùng rất bổ dưỡng và độc đáo như món niếu rang (niếu là ấu trùng con chuồn chuồn khi còn ở dưới nước), món tôm rừng rang (tôm rừng là 1 loại châu chấu nhỏ sống trong rừng), món bọ xít rang,…

Trong đời sống văn hóa nghệ thuật, người Tày ở Bắc Sơn nói chung và làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn nói riêng có rất nhiều các loại hình dân ca, dân vũ đặc sắc. Về dân vũ, người Tày có múa chầu thường được sử dụng trong nghi lễ then, múa tán đàn được sử dụng trong nghi thức tế lễ thần linh tại đình Quỳnh Sơn,…Về dân ca có hát ví, hát phong slư, hát lượn và đặc biệt là hát then. Hát then ở làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn có cả hát then mới và diễn xướng then tâm linh. Với sự nhạy bén trong việc xây dựng sản phẩm du lịch từ văn hóa, văn nghệ dân gian, người Tày ở đây đã và đang đưa di sản thực hành then vào phục vụ du lịch, bước đầu cũng đem lại nhiều kết quả tích cực.

Làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn có rất nhiều thế mạnh như cảnh quan thiên nhiên hài hòa, sản phẩm nông nghiệp phong phú, môi trường trong sạch, cư dân vẫn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống,… Đặc biệt, số lượng nhà sàn ở đây chiếm đại đa số (430/450 nhà). Trong đó có 09 ngôi nhà sàn có tuổi đời trên 50 năm và 10 ngôi nhà sàn đã được chuyển thành homestay để đón khách du lịch lưu trú. Đây là một trong những thế mạnh rất lớn của làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn vì số lượng nhà sàn không chỉ đáp ứng được nhu cầu nghỉ dưỡng của khách tham quan mà còn là cơ sở để xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa nhà sàn của người Tày. Tuy nhiên do còn nhiều vấn đề liên quan đến sự kiêng kỵ trong văn hóa nhà sàn của đồng bào nên số lượng nhà sàn chuyển sang hình thức homestay còn khiêm tốn.

Làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn nằm trong vùng then Bắc Sơn. Do đây là một trong những vùng then tiêu biểu của tỉnh Lạng Sơn nên đã tạo nên nền tảng vững chắc để xây dựng các sản phẩm du lịch từ loại hình nghệ thuật – tâm linh đặc sắc này. Hiện nay, trong làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn có 1 nghệ nhân thực hành then tâm linh (nghệ nhân Dương Đình Danh) và 1 đội văn nghệ chuyên hát then mới phục vụ khách tham quan. Trong đời sống thường nhật, đồng bào vẫn mời thầy then đến nhà để thực hiện các nghi lễ tâm linh như giải hạn, mừng nhà mới, đầy tháng, cầu tự theo đúng lề lối cổ truyền. Hàng năm, nghệ nhân thực hành then tâm linh tại làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn vẫn đều đặn tổ chức các cuộc đại lễ, trung lễ của nhà then như lễ tiến cốm, lễ tiến hoa quả vào rằm tháng 7, tháng 8, lễ khao mạ vào mùa hoa tháng 3,… Đặc biệt, đại lễ lẩu then vẫn được nghệ nhân thực hiện theo quy định của nghề làm then. Đây là một trong những yếu tố nền tàng rất cần thiết để khai thác các giá trị của thực hành then vào hoạt động du lịch tại làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn.

2. Khai thác phát huy di sản thực hành then ở làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn - Từ chủ trương đến hiện thực

Cùng với sự hình thành của làng du lịch cộng đồng thì đội văn nghệ hát then làng du lịch Bắc Quỳnh cũng được thành lập với thành viên là các hạt nhân văn nghệ và nghệ nhân thực hành then của xã nhà. Ban đầu, đội văn nghệ có trên 30 hội viên. Đội được thành lập với nhiệm vụ xây dựng các tiết mục hát then phục vụ nhu cầu trải nghiệm và thưởng thức văn nghệ dân gian địa phương của du khác. Đội được hình thành trên cơ sở xã hội hóa, ngoài phần kinh phí đầu tư về chuyên môn thông qua các lớp tập huấn chuyên môn do địa phương cung cấp thì thành viên trong đội tự mua sắm đàn tính, xóc nhạc và trang phục để phục vụ hoạt động.

Cấu trúc chương trình biểu diễn của đội gồm 5 đến 7 tiết mục then có đầy đủ các hình thức đơn ca, song ca, tốp ca, múa chầu và tốp ca có múa phụ họa. Các tiết mục của đội chủ yếu đều là các làn điệu then đã được các nghệ nhân, nhạc sỹ nâng cao, cải biên để đưa lên sân khấu biểu diễn (then mới) và một số trích đoạn nhỏ các khúc then cổ, then tâm linh với nội dung ca ngợi cảnh sắc, con người Bắc Sơn. Do phục vụ khách du lịch là chủ yếu nên những buổi biểu diễn này được tổ chức tại sân nhà của các homestay như homestay Dương Công Trọng, Dương Công Chài,…Với những chương trình phục vụ đông khan giả, đội còn sử dụng nhà văn hóa xã Quỳnh Sơn để làm nơi biểu diễn.

Tuy nhiên do một số nghệ nhân cao tuổi và một số thành viên đội lập gia đình hoặc chuyển đi nơi khác làm ăn, sinh sống nên đến nay, đội chỉ còn 15 thành viên chính thức. Đội văn nghệ thường xuyên tham gia phục vụ khách tham quan, du lịch khi khách có nhu cầu thưởng thức văn nghệ dân gian. Theo ông Dương Công Trọng – đội trưởng đội hát then làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn – thì hàng năm, đội thường biểu diễn trên dưới 100 buổi, mỗi buổi diễn thường thu được từ 500.000 đến 1.000.000 đồng. Khoản tiền này được trích 10% vào quỹ chung để mua sắm các thiết bị cần thiết, phần còn lại được chia đều cho các thành viên.

Năm 2016, đội văn nghệ của làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn đã đạt giải B toàn đoàn trong liên hoan các làng du lịch cộng đồng được tổ chức tại tỉnh Hòa Bình.  Năm 2020, toàn đội đạt giải C tại Liên hoan dân ca tỉnh Lạng Sơn

Thành tựu và kết quả

Số lượng và năng lực của đội ngũ diễn viên tham gia hoạt động đưa thực hành then vào du lịch: Mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực từ vấn đề kinh tế, mùa vụ nông nghiệp nhưng đội ngũ diễn viên của đội vẫn đảm bảo số lượng 10 đến 15 người/ 1 buổi diễn. Những thành viên của đội đều đã qua tuyển chọn và được rèn luyện qua các lớp tập huấn nên đều có khả năng sử dụng nhạc cụ và ca hát. Mặc dù mức độ thuần thục chưa đạt đến sự tinh tế nhưng cũng đảm bảo phục vụ được nhu cầu của khách tham quan, du lịch. Ngoài hát then, đội còn có khả năng múa các điệu múa dân gian dân tộc Tày như múa chầu then, múa giã cốm và còn có cả các tiết mục độc tấu nhạc cụ dân tộc, hát ví để làm phong phú chương trình phục vụ.

Số lượng buổi diễn của đội tăng dần qua các năm và giữ được mức ổn định: Như trên đã nói, số lượng buổi diễn của đội văn nghệ hát then làng du lịch cộng đồng đều dao động trong khoảng 70 buổi diễn/ 1 năm. Đây là thành tích không nhỏ đối với một đội văn nghệ không chuyên. Trong những ngày ban đầu khi mới thành lập làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn, đội văn nghệ chỉ chủ yếu phục vụ lẻ tẻ ở các hộ gia đình có homestay chứ chưa có sự kết nối thành đội nhóm dẫn đến chất lượng phục vụ chưa cao, kịch mục còn chưa phong phú dẫn đến số lượng các buổi diễn chỉ đạt 20 đến 30 buổi / 1 năm. Ngày nay, với sự phát triển du lịch cộng đồng tại Bắc Sơn, đội văn nghệ Quỳnh Sơn đã dần tăng sự chuyên nghiệp và do đó, các buổi biểu diễn của đội cũng tăng trưởng đáng kể.

Sự ghi nhận tích cực từ các cấp chính quyền và du khách thập phương. Hàng năm, chính quyền địa phương đều tổ chức các lớp tập huấn cho đội văn nghệ làng du lịch cộng đồng xã Quỳnh Sơn và có hỗ trợ đội hoạt động thông qua các khoản đầu tư cơ sở vật chất. Sự đầu tư này vừa nhằm mục đích xây dựng một đội ngũ diễn viên đắc lực có cả chuyên môn và tâm huyết tham gia phục vụ sự nghiệp du lịch huyện nhà. Đồng thời, việc xây dựng đội văn nghệ còn nhằm mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương. Hiện nay, đội văn nghệ làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn là đơn vị hoạt động độc lập với CLB đàn hát dân ca liên xã Bắc Sơn (thuộc hội Bảo tồn dân ca tỉnh Lạng Sơn) và là một điểm sáng trong phong trào hoạt động văn hóa – nghệ thuật của tỉnh Lạng Sơn. Hàng năm, đội đều được UBND xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn và tỉnh Lạng Sơn tặng bằng khen về thành tích trong phong trào cơ sở. Năm 2019, 02 thành viên của đội là nghệ nhân Dương Thị Vuông, Dương Hữu Cà đã được chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian.

Sản phẩm du lịch từ thực hành then đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân trong mùa nông nhàn. Cư dân tại làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn tuyệt đại đa số đều làm nông nghiệp. Thiên nhiên đã phú cho Bắc Sơn cánh đồng màu mỡ với rất nhiều các giống lúa thơm ngon như bao thai, khang dân, nếp cái hoa vàng,… Ngoài ra, khoảng thời gian giữa các vụ mùa, không để lãng phí đồng ruộng, đồng bào còn trồng thêm cây thuốc lá, cây lạc, cây khoai tây, các loại rau,.. Đây là những đặc sản nổi tiếng của Bắc Sơn. Tuy nhiên, mức độ các sản phẩm này đem lại vẫn chỉ dừng lại ở việc “đủ ăn, đủ mặc” một cách không ổn định. Thậm chí có nhiều năm trước đây, đồngbào còn gặp phải đói kém do mất mùa, thiên tai. Xác định du lịch là một ngành công nghiệp không khói đang được coi là thế mạnh của Bắc Sơn, các cấp chính quyền huyện Bắc Sơn đã và đang rất quan tâm đến việc vận động cộng đồng cùng chung tay tham gia vào hoạt động du lịch. Làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn là nơi đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn đưa hoạt động du lịch vào cộng đồng với sự tham gia của cả chính quyền và nhân dân. Đội văn nghệ làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn được hình thành phục vụ nhiệm vụ đó. Với đặc thù được ra đời trên quê hương của điệu then Xứ Lạng nên nội dung hoạt động của đội hướng đến vẫn chủ yếu là di sản hát then đàn tính. Nhờ sự duy trì hoạt động đạt khoảng 70 buổi diễn/ 1 năm, mỗi buổi biểu diễn thu về từ 700 đến 1.000.000đ đã đem lại khoản thu nhập phụ thêm ổn định cho người nông dân làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn trong buổi nông nhàn. Con số này tuy còn khiêm tốn so với các nơi khác nhưng đối với một khu du lịch cộng đồng đang từng bước được hoàn thiện như Quỳnh Sơn thì đó là một bước tiến rất đáng ghi nhận.

2. Khai thác, phát huy di sản thực hành then ở làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn: Những vấn đề còn bỏ ngỏ

* Những vấn đề còn bỏ ngỏ trong việc khai thác di sản thực hành then ở làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn

 Thứ nhất: Thiếu đầu tư trong công tác nghiên cứu, sưu tầm, chỉnh biên và xây dựng chương trình, tiết mục then.

Then là loại hình diễn xướng tổng hợp nhiều yếu tố về âm nhạc, múa, trang trí mỹ thuật, văn học, trò diễn và tâm linh. Do vậy nếu khai thác tốt các giá trị này thì ta sẽ có 1 hệ thống các sản phẩm du lịch độc đáo và rất khả thi khi đưa vào thực tiễn công việc. Tuy nhiên ở làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn, sự khai thác này gần như chỉ dừng lại ở mức độ ca hát. Trong đó, chưa khai thác được những trích đoạn then cổ, then tâm linh đặc sắc của huyện nhà. Đây là một trong những hạn chế rất lớn của đội văn nghệ, sự hạn chế này tất yếu dẫn đến sự nghèo nàn trong sản phẩm văn hóa phục và chưa giới thiệu được đến du khách những đặc trưng cơ bản của thực hành then. Đến tận nay, chương trình biểu diễn của đội vẫn chủ yếu là cac tiết mục then mới do các nghệ nhân, nhạc sỹ nâng cao, đặt lời mới từ giai điệu then của các vùng miền ngoài Bắc Sơn. Điều này khiến cho đội vẫn chưa thực sự phát huy được vai trò là đơn vị tuyên truyền, quảng bá và phát huy di sản văn hóa bản địa của huyện Bắc Sơn.

Ngoài ra, việc quan tâm xây dựng các sản phẩm lưu niệm như hiện vật, băng đĩa hình liên quan đến then ở đây vẫn chưa được quan tâm đầu tư. Sản phẩm lưu niệm từ then duy nhất ở làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn chỉ là chiếc đàn tính được trưng bày tại các homestay. Đàn tính bày bán ở đây đa phần đều do nghệ nhân người địa phương là Dương Doãn Quảng chế tác. Tuy nhiên do giá bán của những chiếc đàn này khá cao nên khách tham quan thường chỉ mượn để chụp ảnh chứ ít khi mua làm kỷ niệm.

Đối với mảng thực hành then tâm linh. Tuy các cuộc lễ then vẫn được người Tày ở đây trân trọng và thực hành thường xuyên nhưng do hạn chế về không gian, thời gian và phạm vi cuộc lễ nên du khách đến tham quan làng cũng không được trải nghiệm thực tế loại hình di sản độc đáo này. Cũng vì rào cản tâm linh và những quan niệm của nhà then nên nghệ nhân thực hành then tâm linh của làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn chưa thực sự mạnh dạn tham gia vào du lịch.

* Thứ hai: Sự hạn chế về kỹ năng, nghiệp vụ trong công tác phục vụ khách.

Mặc dù thành viên đội hát then làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn vẫn thường xuyên được tập huấn cả về kỹ năng hướng dẫn du lịch cũng như đàn, hát then nhưng do tâm lý coi du lịch chỉ là một phần phụ trợ cho kinh tế những lúc nông nhàn nên việc đầu tư về chuyên môn, nghiệp vụ du lịch chưa thực sự được coi trọng. Sự hạn chế này thể hiện ở trong cung cách và kỷ luật phục vụ khách tham quan. Trong nhiều chương trình, thành viên đoàn còn đến muộn, gây ảnh hưởng đến hoạt động chung của đội. Đặc biệt, đội vẫn thường xuyên để xảy ra tình trạng diễn viên bỏ về khi đang diễn và tự ý cắt bớt chương trình. Bên cạnh đó, kỹ năng dẫn chương trình và sự am hiểu của đội về hát then còn rất hạn chế khiến du khách không thỏa mãn khi có nhu cầu tìm hiểu về thực hành nghi lễ then cũng như văn hóa truyền thống người Tày. Đây là một trong những hạn chế ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của đội trong khâu hướng dẫn và phục vụ du khách.

Thứ ba: Các yếu tố khách quan tác động đến nhân sự đội văn nghệ.

Do cư dân làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn chủ yếu làm nông nghiệp, đời sống phụ thuộc rất nhiều vào mùa vụ, thời tiết. Mặt khác, các khoản thu nhập từ du lịch ở đây tuy đang dần trở thành mũi nhọn nhưng hiện tiền trước mắt vẫn chưa đáp ứng được mức sinh hoạt của đồng bào. Chính vì vậy, nhiều người ở làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn phải đi nơi khác làm ăn để bảo đảm kinh tế gia đình. Phương thức làm ăn được đồng bào lựa chọn nhiều chính là đi làm tại các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên hoặc thậm chí là vượt biên sang Trung Quốc để làm thuê. Lực lượng tham gia các hoạt động kinh tế này chủ yếu là  thanh niên - thế hệ kế cận sự nghiệp du lịch -. Trong những người bỏ làng đi làm kinh tế ấy có rất nhiều người là thành viên của đội văn nghệ làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn. Ông Dương Công Trọng (trưởng đội văn nghệ) cho biết, những ngày đầu thành lập, đội có trên dưới 30 thành viên ở các lứa tuổi khác nhau. Trong đó 2/3 là thanh niên và họ cũng chính là thành viên cốt cán của đội với năng lực chuyên môn cao. Tuy nhiên do đi làm nơi xa nên thành viên đội đã giảm còn khoảng 15 người, chủ yếu là người già và phụ nữ trung tuổi, điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động biểu diễn của đội. Ngoài ra, còn có một số thành viên đội đi lấy chồng hoặc chuyển cư sang địa phương khác.

* Một số giải pháp nhằm khai thác hiệu quả di sản thực hành then trong hoạt động du lịch tại làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn.

Thứ nhất: Xây dựng các chương trình, tiết mục từ thực hành then để phục vụ khách tham quan tại chỗ.

Để tạo nên sức lôi cuốn cho du khách đến với các buổi biểu diễn then, ta cần phải xây dựng các chương trình ca, múa nhạc có sự kết hợp hài hòa giữa then cổ và then mới, giữa những nghệ nhân biểu diễn và du khách. Để làm được việc này, cần phải xây dựng được hệ thống hạ tầng cơ sở bao gồm nhà hát với sân khấu biểu diễn, khán phòng, hệ thống âm thanh và đội ngũ nghệ nhân, diễn viên tham gia biểu diễn phải đạt ở mức độ ít nhất là bán chuyên nghiệp.

Nhà hát để trình diễn thực hành then cần được xây dựng theo đúng quy cách của sân khấu biểu diễn chuyên nghiệp. Phải có sân khấu rộng rãi, có đủ phương tiện âm thanh, ánh sáng hỗ trợ, có phòng thay trang phục và cánh gà. Riêng đối với then cổ, do các nghệ nhân phải vừa múa, vừa hát, vừa thực hiện các trò diễn nên khâu lắp micro rất rườm rà mà đôi khi không đem lại hiệu quả nên phương pháp tối ưu là hát chay. Do vậy, để hát chay mà âm thanh vẫn đảm bảo thì khâu thiết kế cách âm của sân khấu phải rất tỉ mỉ và chi tiết.

Đây là hoạt động phải được duy trì diễn ra thường xuyên tại các khu du lịch hoặc diễn ra theo yêu cầu của các đoàn khách tham quan.

Đối với then mới: Để tạo nên sự cuốn hút và tươi mới cho tiết mục, có thể phối thêm các loại nhạc cụ mới vào tiết mục để tiết mục phong phú về màu sắc âm nhạc như thêm sáo, trống (trống thường hoặc trống cajon), guitare bass,… Tuy nhiên cách xây dựng này phải đảm bảo đúng âm sắc cũng như đặc trưng của hát then.

Then cổ: Vận động các nghệ nhân tích cực tham gia biểu diễn và truyền dạy các trích đoạn then cổ cho các đội văn nghệ. Có thể mời biên đạo kết hợp với các thầy then để xây dựng các tiết mục then cổ đặc sắc và có thể giới thiệu được những giá trị cơ bản của then như các tiết mục: Xuôi lừa (chèo thuyền), tẳng tướng (đón tướng). Ngoài ra, có thể vận động một số gia đình khi tổ chức các cuộc lễ then thì kết hợp với ban quản lý khu du lịch để thông báo và cho các đoàn tham quan đến tham gai trải nghiệm.

Bên cạnh hoạt động biểu diễn của các nghệ nhân, có thể xây dựng các tiết mục múa chầu cộng đồng cuối mỗi buổi biểu diễn để du khách có cơ hội được trải nghiệm cùng với các nghệ nhân then. Bên cạnh việc biểu diễn, có thể kết hợp bán các sản phẩm lưu niệm cho khách tham quan.

Thứ hai: Tổ chức các sự kiện lớn gắn với thực hành then

Các cuộc đại lễ và trung lễ then tập trung tất cả những giá trị đặc sắc nhất của diễn xướng then Tày, Nùng Việt Bắc. Lực lượng tham gia các cuộc lễ này không chỉ có cá nhân thầy then đứng ra tổ chức lễ mà còn tập hợp tất cả các thầy then ở trong dòng then và các thầy tào, thầy mo đến cùng hỗ trợ làm lễ với nhiều lễ nghi rất phong phú, đa dạng. Các lễ nghi của thầy then, thầy tào, thầy mo đều diễn ra trong âm nhạc, múa, văn học và nghệ thuật nên rất thu hút người ở các làng, bản xa gần cũng như các nhà nghiên cứu, du khách đến tham dự.

Từ các cuộc lễ này, có thể xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với thực hành then là những chương trình, sự kiện lớn hoặc các Tour du lịch tâm linh. Có thể xây dựng các cuộc lễ của nhà then như Lễ đón nàng trăng vào tháng 8 hoặc nâng cấp các đại lễ Lẩu then từ các không gian thiêng của thầy then trở thành “Festival thực hành then” để tạo nên những sự kiện lớn riêng biệt hoặc nằm trong chuỗi sự kiện du lịch, văn hóa của các địa phương nhằm quảng bá thực hành then cũng như du lịch của địa phương, thu hút đông khách thập phương đến tham dự. Do đây cuộc lễ của nhà then nên người đứng cái chủ trì các cuộc lễ này là thầy then tâm linh và các đệ tử.

Tuy nhiên, khi tổ chức các sự kiện này, cần phải có sự kết hợp chặt chẽ với nghệ nhân, các nhà nghiên cứu, đạo diễn có chuyên môn và sự am hiểu sâu sắc về then để tránh làm thực hành then bị biến dạng, lai căng.

* Về thiết kế đồ lưu niệm

Thứ nhất: Thiết kế tranh, ảnh và các tờ bưu thiếp

Việc thiết kế các sản phẩm này không chỉ giúp các nghệ nhân có thêm nguồn thu nhập từ việc chế tác và bán sản phẩm mà còn giúp đem hình ảnh thực hành then đến với du khách thập phương. Có thể thiết kế các sản phẩm lưu niệm theo các hình thức sau

Tranh ảnh là một phần quan trọng để nhận diện thực hành then nên cần phải có sự phối hợp giữa các nhiếp ảnh gia, họa sỹ, nghệ nhân và người thiết kế. Các bức tranh, ảnh có thể xoay quanh hình ảnh các nghệ nhân then, các kịch mục trong then và đặc biệt là không gian then cổ. Có thể thiết kế các bức tranh, ảnh theo các kích cỡ khác nhau, từ những bức tranh, ảnh nhỏ để bàn cho đến các bức tranh lớn treo tường. Chất liệu để thực hiện các sản phẩm này có thể là giấy, vải, đá, gỗ, đĩa sứ lưu niệm hoặc gương kính.

Thứ hai: Thiết kế sản phẩm lưu niệm từ các nhạc cụ, đạo cụ gắn với thực hành then

Những đạo cụ, nhạc cụ lưu niệm liên quan đến diễn xướng then được thiết kế theo các kích cỡ khác nhau, từ kích cỡ thật cho đến kích cỡ mô phỏng. Thực tế cho thấy, những du khách từ nơi xa đến các khu du lịch gắn với văn hóa Tày như khu bảo tồn làng nhà sàn sinh thái Thái Hải (Thái Nguyên), làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn (Lạng Sơn), khu du lịch sinh thái hồ Ba Bể (Bắc Kạn) đều thường tìm mua cây đàn tính về lưu niệm. Tuy nhiên thường các khu này không có sẵn nguồn đàn tính nên không đáp ứng được nhu cầu của du khách hoặc có đàn tính nhưng đều là đàn tính biểu diễn nên giá thành đắt và cồng kềnh nên cũng không được du khách lựa chọn. Do vậy, cần phải quan tâm đến việc thiết kế các cây đàn tính có các kích cỡ và mức giá khác nhau để khách du lịch có thể lựa chọn theo nhu cầu. Bên cạnh đó, vào mùa nóng, khách du lịch thường có nhu cầu mua quạt cầm tay để đem theo cho thuận tiện. Do vậy, thiết kế những chiếc quạt cầm tay mang màu sắc thực hành then cũng là một sản phẩm du lịch rất hữu hiệu. Quạt nhà then thường dùng là quạt gấp bằng giấy hoặc vải. Để thiết kế quạt mang đậm màu sắc then khác với các loại quạt Phật giáo vẫn bán ở các khu du lịch ta có thể sử dụng hình ảnh chiếc đàn tính, bộ xóc nhạc hoặc họa tiết người, ngựa trên chiếc mũ của thầy then để in, phun lên chiếc quạt kèm với những lời răn dạy về đạo đức làm người của then, điều này sẽ khiến du khách thích thú và đồng thời sẽ làm nảy sinh nhu cầu muốn tìm hiểu về diễn xướng then.

Ngoài ra, có thể thiết kế các bức tượng nhỏ bằng gỗ hoặc gốm sứ theo hình ảnh thầy then đang làm lễ hoặc cây đàn tính cách điệu để du khách mua làm quà lưu niệm. Kích cỡ các bức tượng này được thiết kế theo các kích thước khác nhau để có thể bày được trên bàn làm việc, giá sách, trên ô tô hoặc đặc trên những chiếc đôn to để trưng bày giữa nhà. Ở các khu du lịch sinh thái, để thu hút trẻ em đến với các sản phẩm du lịch từ then, ta có thể thiết kế các bức tượng nhỏ bằng thạch cao trắng và các bảng màu để tô tượng. Quá trình tô tượng cần có người hướng dẫn để các em tô màu tượng đúng với màu sắc của nhà then quy định. Việc hướng dẫn các em tô màu không chỉ tạo ra những sản phẩm lưu niệm đẹp mắt mà còn giúp các em có cái nhìn ban đầu về then thông qua màu sắc và hình khối

Thứ ba: Thiết kế các con giống đeo chìa khóa xe, con cù treo ô tô theo hình con vật thiêng trong then.

Hình tượng các con vật trong then rất đa dạng, phong phú. Trong đó, những con vật mang tính biểu trưng và xuất hiện nhiều lần trong then gồm chim én, ngựa, ve sầu, rồng, phượng và hươu nai. Có thể thiết kế các con giống bằng chất liệu vải theo hình các con vật thiêng để làm những chiếc móc chìa khóa lưu niệm và các con cù treo trong ô tô. Ngoài các con vật, ta còn có thể sử dụng hình tượng chiếc xích lình (hình lục giác)  hoặc chiếc tua đàn tính hình con ếch của then vùng Lạng Sơn để làm các sản phẩm lưu niệm như trên.

Thứ tư: Thiết kế các hiện vật tâm linh gắn với thực hành then

Hiện nay, du lịch tâm linh đang là một trong những nhu cầu rất lớn của nhân dân. Đặc biệt trong những ngày đầu năm, lượng khách đổ về các khu tâm linh như đền, chùa rất lớn, do vậy những khu du lịch có gắn với tâm linh thường hoạt động hết công suất trong thời gian này. Ở các khu du lịch thuộc miền núi thường không có các thiết chế tín ngưỡng – tôn giáo nên du lịch tâm linh rất ít phát triển. Tuy nhiên, thực hành then là một trong những thực hành tâm linh đặc sắc nên hoàn toàn có thể dựa vào đó để phát triển du lịch gắn với tâm linh. Cách thức đơn giản nhất để đưa hoạt động tâm linh trong then ra phục vụ du lịch chính là việc xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với tính thiêng trong thực hành then. Các sản phẩm du lịch được thiết kế theo kiểu này có thể là các lá bùa cầu bình an của nhà then, các loại dấu triện của then đã được cách điệu thành móc chìa khóa hoặc cù treo ô tô, vòng buộc vía bằng kim loại, dây buộc vía bằng chỉ ngũ sắc,...

Ngoài các sản phẩm truyền thống. có thể mở rộng thêm các sản phẩm mới như vòng tay phong thủy có khắc hình dấu ấn nhà then, các đồng xu may mắn, lá cây bồ đề khô in hình thầy then... Việc xây dựng các sản phẩm này sẽ đánh trúng thị hiếu muốn tìm mua các hiện vật đem lại may mắn của du khách nên chắc chắn sẽ thu hút đông người mua. Ngoài ra, để các hiện vật phát huy một cách có hiệu quả thì còn cần phải gắn liền quá trình bán hàng với không gian diễn xướng của thực hành then, nghĩa là cần có sự can thiệp bằng tâm của thầy then vào sản phẩm thì mới tạo được sự tin tưởng của khách mua hàng với sản phẩm. Bên cạnh đó, có thể bán các sản phẩm gắn liền vời từng sự kiện, tiết lễ của nhà then. Ví dụ khi nhà then làm lễ đón tướng phát bùa vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm, ta có thể đưa các đoàn đến tham quan, trải nghiệm và mua bùa về để cầu sự may mắn. Tuy nhiên khi thực hiện điều này cần lưu ý tác động ở mức độ vừa phải vì nếu không sẽ bị sa vào mê tín.

Thứ năm: Các băng đĩa về hát then

Băng đĩa về hát then gồm đĩa tiếng, đĩa hình, băng ghi lại các tiết mục then do các nghệ nhân và nghệ sỹ biểu diễn. Có thể xây dựng chương trình theo hướng các tiết mục hát then hoặc phim tài liệu, phóng sự giới thiệu về then. Trong đó, cần chú ý xây dựng các tiết mục có sự hài hòa, cân đối giữa then cổ và then mới. Hiện nay, sự phát triển của khoa học, công nghệ, đặc biệt là mạng Internet và điện thoại thông minh đã khiến đầu đọc đĩa, đài và các băng đĩa trở nên lạc hậu, không thông dụng. Tuy nhiên, những clip về hát then chưa được thực hiện nhiều nên các sản phẩm băng đĩa về then vẫn được khách du lịch cũng như bản thân cộng đồng người Tày, Nùng ưa chuộng và tìm kiếm.

Kết luận

Trong tình hình đát nước đổi mới, hội nhập như hiện nay, rất nhiều khó khăn, thách thức cũng như cơ hội được đặt ra để bảo tồn và phát huy những giá trị của văn hóa truyền thống. Cũng như các loại hình nghệ thuật, diễn xướng dân gian khác, mặc dù mang rất nhiều giá trị về lịch sử và văn hóa nhưng then cũng đang đứng trước nguy cơ bị mai một rất lớn. Sự ghi nhận và vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại của UNESCO đối với then ngày 13 /12/2019 vừa qua tuy là một vinh dự lớn cho Việt Nam nói chung và cộng đồng Tày, Nùng, Thái nói riêng nhưng cũng là một câu hỏi rất lớn cho sự bảo tồn thực hành then trong đời sống đương đại.

 Việc xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với thực hành then cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm đưa then đến với cộng đồng một cách rộng và sâu hơn. Sự kết hợp giữa then và du lịch không chỉ mở ra 1 lối mới nhằm bảo tồn di sản then trước sự cạnh tranh của các dòng văn hóa nội sinh và ngoại lai khác mà còn tạo điểm nhấn để kích hoạt động du lịch của các địa phương có thực hành then hiện diện phát triển xứng đáng. Ngoài ra, việc xây dựng các sản phẩm du lịch từ thực hành then còn góp phần không nhỏ trong việc tạo thêm nguồn thu nhập ổn định cho nghệ nhân và nhân dân lao động. Mặt khác, còn nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc chung tay gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, quá trình xây dựng sản phẩm để đưa theo vào hoạt động du lịch cần phải được nghiên cứu và thực hiện- một cách thận trọng, tỉ mỉ để tránh hoạt động du lịch làm thực hành then bị biến tướng.

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn https://vietbacact.edu.vn là vi phạm bản quyền

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi