Sáng 29/9, tại Hà Nội, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam.
Tới dự và chỉ đạo đại hội có Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam, Hội nghệ sĩ múa Việt Nam có mặt đầy đủ. Trong nhiệm kỳ VI (2015 – 2020), Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đã có nhiều hoạt động thúc đẩy công tác lý luận, sáng tác, đào tạo và biểu diễn với những cuộc thi nghệ thuật múa quy mô lớn. Nội dung, chủ đề đa dạng, bám sát và phản ánh sinh động hiện thực đời sống xã hội; mở ra những yêu cầu nghiệp vụ chuyên sâu để các tác giả đầu tư trí tuệ, công sức, sáng tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật múa có giá trị cao.
Các lớp sáng tác cho biên đạo chuyên nghiệp và tập huấn nghiệp vụ với đối tượng hội viên hoạt động trên lĩnh vực múa quần chúng, các cuộc hội thảo khoa học bàn về những nội dung liên quan, chi phối, tác động trực tiếp đến sự phát triển nghệ thuật múa Việt Nam được tổ chức thường xuyên…
Đặc biệt trong thời gian vừa qua, trước những hệ lụy của đại dịch COVID-19, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam vẫn tích cực hoạt động, vừa nghiêm túc phòng chống dịch, vừa dàn dựng và công diễn được một số vở kịch múa lớn có nội dung và giá trị nghệ thuật cao; tổ chức thành công Hội thảo toàn quốc với chủ đề “Thành tựu nghệ thuật múa Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (1975-2020)”.
Trong công tác đào tạo, 5 năm qua, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn phù hợp với đối tượng làm công tác đào tạo như mở các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ với nội dung đa dạng. Nhờ chú trọng về đào tạo chuyên môn, các tác phẩm ra đời đã bám sát những nội dung cơ bản của những nghị quyết văn hóa, văn nghệ, mục tiêu, định hướng của Đảng. Tập trung khai thác đề tài chiến tranh cách mạng; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đề tài biển đảo và cuộc sống đương đại. Ngoài những người làm công tác đào tạo, lực lượng diễn viên múa cũng không ngừng được trau dồi kỹ năng để đạt nhiều thành tích cao tại các hội thi, hội diễn, liên hoan múa…
Tuy nhiên, báo cáo và các ý kiến tại Đại hội cũng thẳng thắn nhìn nhận hạn chế, bất cập trong hoạt động múa hiện nay. Một số nghệ sĩ mới chỉ phản ánh bề nổi của đời sống xã hội, chưa đi sâu khám phá, sáng tác những đề tài có giá trị nhân văn sâu sắc về đất nước, con người Việt Nam. Tính chuyên nghiệp trong sáng tác chưa cao. Múa phụ họa, minh họa còn “phủ sóng” quá nhiều, không ít tác phẩm còn nặng về hình thức, mờ nhạt về nội dung, tính giáo dục chưa được phản ánh rõ nét. Công tác nghiên cứu, lý luận phê bình chưa theo kịp thực tiễn. Nhiều vấn đề của nghệ thuật múa hiện nay chưa được đầu tư nghiên cứu một cách đầy đủ để có thể định hướng sáng tác, đưa nghệ thuật múa ngày càng phát triển. Một số tiêu chí thẩm định, đánh giá chất lượng, giá trị các sản phẩm sáng tạo, lao động nghệ thuật múa đôi khi còn chưa có sự thống nhất cao; chưa phản ánh được tính khách quan, khoa học, chưa phù hợp trước sự thay đổi và yêu cầu của hiện thực đời sống...
.
Ban chấp hành nhiệm kỳ mới ra mắt đại hội
Trong nhiệm kỳ tới, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam xác định cần tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa chất lượng chuyên môn từ sáng tác tới nghiên cứu lý luận, từ đào tạo đến biểu diễn. Hướng tới mục tiêu nền nghệ thuật múa Việt Nam không chỉ có được những tác phẩm hay mà hơn hết, đó phải là những tác phẩm mang hơi thở của cuộc sống, có sức sống lâu bền, đậm bản sắc dân tộc, có giá trị văn hóa cao…
Dự đại hội lần này, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc có đồng chí Nguyễn Thị Thanh Mai – Phó Trưởng khoa Múa tham dự đại hội. Với vai trò là hội viên của Hội Trung ương, song song với việc đào tạo của nhà trường, các giảng viên khoa múa đã không ngừng học tập, trau dồi tri thức lý luận, thực hành để củng cố chương trình đào tạo của Nhà trường, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn ngành múa hiện nay, đồng thời giữ gìn màu sắc riêng của múa khu vực Đông Bắc. Việc các giảng viên tham gia hội nghệ thuật của tỉnh cũng như của Trung ương luôn được Ban giám hiệu nhà trường đặc biệt quan tâm, khuyến khích. Đó chính là sân chơi nghề nghiệp, để các thầy cô ngoài giờ lên lớp còn thỏa sức sáng tạo, đóng góp cho sự nghiệp đào tạo của nhà trường, đồng thời nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ bản sắc vùng, miền nhằm tạo nghệ thuật múa của nước nhà.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn