Có một mùa thu nồng nàn trong âm nhạc

Thứ bảy - 25/08/2018 09:10
Có một mùa thu nồng nàn trong âm nhạc
Có một mùa thu nồng nàn trong âm nhạc

.

 

Không gian mơ màng, lãng đãng của mùa thu chính là khởi nguồn cho mọi cảm xúc của người nhạc sỹ để viết nên những bản tình ca bất hủ. (Ảnh Internet)

 

Nhạc Việt, từ xưa đến nay đều có rất nhiều tuyệt phẩm về mùa thu. Trong cái nắng nhẹ nhàng như tơ, trong không gian màn sương giăng kín lối và heo may và lá khởi sắc vàng và hương hoa nồng nàn… những ký âm dịu êm, trong trẻo đã được gieo lên trên khuông nhạc. Và với sự kết hợp ca từ tài tình của người nhạc sỹ, những khúc hát thiết tha, dịu dàng mang nét đặc trưng của mùa thu đã tìm đến và ở lại trong tâm tư bao người. Có nhiều ca khúc đã trở thành bài hát yêu thích của nhiều thế hệ. Để mỗi độ thu về, từ người trẻ đến người già đều ngân nga cất lời như thể đó chính là âm thanh cần có giữa buổi đất trời vào thu.

Được nhắc đến nhiều nhất, được hát nhiều nhất mỗi độ thu về là những câu hát đầu tiên trong ca khúc “Có phải em là mùa thu Hà Nội” của tác giả Trần Quang Lộc và Tô Như Châu - “Tháng Tám mùa thu lá khởi vàng chưa nhỉ, từ độ người đi thương nhớ âm thầm”. Dẫu hát về mùa thu Hà Nội nhưng ca khúc này lại khắc họa được những nét đặc trưng của mùa thu và có những ý tứ chạm vào tâm tư của giới mộ điệu. Sự kết hợp tài tình âm giai trưởng và âm giai thứ trong những đoạn chuyển đã giúp ca khúc trở nên sâu lắng và thiết tha hơn.

 

.

 

Mùa thu đã mang đến thi liệu cho âm nhạc và âm nhạc đã giữ lại cho mùa thu những hình ảnh nên thơnhất, đẹp đẽ nhất. (Ảnh Internet)

 

Trong âm nhạc, mùa thu còn là mùa của nỗi buồn, của chia tay, của những mối tình dang dở. Bởi vậy, những ca khúc sáng tác theo đề tài này cũng là tiếng lòng của nhiều thế hệ nam thanh nữ tú. Những “Thu vàng”, “Thu quyến rũ”, “Mùa thu trong mưa”, “Nhìn những mùa thu đi”… với “sắc tơ vàng vương vương, và lá vàng rơi khi tình thu vừa khơi, nghe chừng như đây màu tê tái, với màu tím chiếc áo ôm tim lẻ loi khóc anh chiều tiễn đưa, với đêm nguyệt cầm ta gọi em trong gió”…Tất cả đều gợi người ta nghĩ đến người thương, đến những ngày bên nhau trong tình đắm say, nhớ chuỗi ngày vắng nhau khi tình còn tha thiết…

Mùa thu là mùa của những giai điệu lắng sâu. Nó khiến những hời hợt trở nên sâu sắc, những khô khan trở nên mơmàng… Ngay cả những nhạc sỹ chuyên viết những giai điệu sôi nổi của tuổi trẻ cũng trở nên sâu sắc hơn khi viết về mùa thu. Chúng ta đã từng được thưởng thức một “Không còn mùa thu” của nhạc sỹ trẻ Việt Anh trong thập niên 90 của thế kỷtrước với hình ảnh không thể đẹp hơn: “Anh là mùa thu cho em mơ màng, anh là lời ru quấn quýt bên nàng…”.

Chúng ta cũng từng say đắm trong “Mùa thu vàng” của Ngọc Châu với hình ảnh hết sức thơ mộng: “Em đến vương chiều vàng/ Để lòng tôi chợt chơi vơi/ Lá thu rơi khẽ như hát thành lời/ Mùa thu khúc hát dịu êm”… Và gần đây là “Chỉ còn những mùa nhớ” của Minh Min với những khắc khoải, nuối tiếc, chơi vơi: “Mùa thu sang hàng cây xao xác/ Lá rơi đầy đã qua ngày xanh/ Ngược thời gian ngược về quá khứ/ Có trái tim đã hóa vụn vỡ”…

Có đủ các mùa trong âm nhạc nhưng mùa thu vẫn để lại những nét nhạc đằm sâu nhất, thiết tha nhất và nhận được sự đồng cảm nhiều nhất. Có thể nói rằng, những ca khúc về mùa thu, dẫu là nhạc trẻ hay nhạc bolero đều lay thức lòng người và dễ dàng được đón nhận ở mọi lứa tuổi. Mùa thu đã mang đến thi liệu cho âm nhạc và âm nhạc đã giữ lại cho mùa thu những hình ảnh nên thơ nhất, đẹp đẽ nhất, chạm khắc vào mùa thu những cảm xúc tinh tế và sâu lắng nhất…

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn https://vietbacact.edu.vn là vi phạm bản quyền

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi