Lạng Sơn là một tỉnh miền núi nằm ở phía Đông Bắc, cách thủ đô Hà Nội
gần 200km về phía Bắc. Lạng Sơn có vị trí địa lý đặc biệt nằm ở trục lộ giao
thương giữa miền núi, trung du và miền xuôi, giữa Việt Nam và Trung Quốc. Do nằm
ở vị trí như vậy nên từ xưa, mảnh đất Lạng Sơn đã được coi là phên dậu, thành
trì quan trọng của Tổ Quốc và là điểm đến của nhiều dòng người xuôi ngược tụ về
sinh cơ lập nghiệp. Và cũng trong dòng chảy lịch sử văn hóa đó, dân ca Xứ Lạng hình
thành và phát triển với nét đặc sắc riêng mà trải qua bao thăng trầm cho đến
ngày nay, vẫn được người Xứ Lạng nâng niu, gìn giữ.
.
Chúng tôi tạm chia dân ca Lạng Sơn thành 4 nhóm cơ bản:
Nhóm 1: Dân ca giao duyên.
Dân ca giao duyên được nhân dân các dân tộc Lạng Sơn sử dụng trong
các dịp gặp gỡ, trao gửi tâm tình và tìm hiểu nhau. Người già hát giao duyên để
tự sự với nhau về niềm vui, nỗi buồn của cuộc sống, người trẻ hát giao duyên để
nhắn gửi lời yêu thương. Ngoài ra, người ta còn sử dụng dân ca giao duyên như
“thước đo” để đánh giá tài ứng đối của nhau trong những canh hát. Ở Lạng Sơn, mỗi
dân tộc lại có những lối hát giao duyên riêng:
Người Tày: Hát lượn, hát hoa tình, hát ví, hát phong slư.
Hát lượn dân tộc Tày ở Lạng Sơn chủ yếu là lượn slương. Lượn slương có giai điệu nhẹ
nhàng, da diết và thường mào đầu câu hát bằng một nốt cao, sau đó thoai thoải dần.
Phong slư là hình thức ngâm thơ cổ
truyền của người Tày vùng Cao – Bắc – Lạng. Phong slư Lạng Sơn cũng mang âm hưởng trữ
tình như phong slư các vùng Cao Bằng,
Bắc Kạn nhưng thường mang tiết tấu nhanh và giai điệu tương đối khác biệt khiến người nghe có thể phân biệt được. Hát hoa tình và hát ví phổ biến ở vùng Tràng Định và Bắc
Sơn. Đặc điểm chung của hai loại hình dân ca này là sử dụng tiếng Kinh trong ca
hát và nét giai điệu gần gũi với dân ca của người Kinh. Có lẽ quá trình cư trú
xen kẽ, giao thoa văn hóa và tộc người đã tạo nên nét đặc sắc này.
Người Nùng: Hát sli, hát hèo phưn.
Ở Lạng Sơn hiện có 4 ngành Nùng chính là Nùng Cháo, Nùng Phàn
Slình, Nùng Inh và Nùng An. Mỗi một ngành Nùng lại có một hình thức dân ca giao
duyên đặc trưng riêng: Nùng Cháo có sli
slình làng, Nùng phàn slình có sli
sloong hau, Nùng Inh có sli inh
và Nùng An có hát hèo phưn. Các làn
điệu này có nét đặc trưng là thường hát đôi với 2 bè cao thấp nâng đỡ nhau rất
đặc sắc, đồng bào thường gọi cách hát này là “cáp heng”. Ở người Nùng Cháo, lối hát đôi nay đã không còn mà chủ
yếu là hát đơn. Đối với người Nùng An, đây là ngành Nùng có nguồn gốc từ huyện
Quảng Uyên (tỉnh Cao Bằng) đã di cư xuống xã Chí Minh huyện Tràng Định cư trú
trong khoảng hơn 60 năm với hơn 20 nóc nhà, bên cạnh việc đưa nghề rèn nông cụ
truyền thống họ còn đem cả hát hèo phưn
đến Tràng Định, làm giàu màu sắc cho dân ca Nùng của Lạng Sơn nói chung và
Tràng Định nói riêng.
Người Kinh: Dân ca người Kinh ở
Lạng Sơn chủ yếu là cò lả, hát ví, một số gia đình từ vùng Bắc Ninh lên
làm ăn sinh sống còn đem theo nghệ thuật hát Quan họ. Tuy nhiên, hát quan họ của
người Kinh ở Lạng Sơn không có bài bản và lề lối như Quan họ gốc mà chỉ là những
câu hát được hát lên sau những buổi lao động trên ruộng vườn.
Người Dao: Ở Lạng Sơn có 4
ngành Dao là Lù gang, lù đạng, thanh y và Dao đỏ. Tuy các ngành khác nhau nhưng
họ đều có chung 1 làn điệu dân ca giao duyên gọi là Pả dung (páo dung).
Người Mông: Người Mông ở Lạng
Sơn cư trú chủ yếu ở huyện Tràng Định và huyện Bắc Sơn. Trong đó, người Mông ở
Tràng Định thuộc ngành Na Miểu (Mông đen – Hmub), người Mông ở Bắc Sơn thuộc
ngành Mông trắng. Dân ca giao duyên của người Mông Lạng Sơn chia làm 2 mảng
chính là hát đối đáp (Hu nhạu) và hát
tự sự (hát ống). Trong đó, người Mông
ở Tràng Định chủ yếu là hát tự sự, lối hát đối đáp đã bị mai một.
Người Sán Chay: Người Sán Chay ở Lạng
Sơn cư trú chủ yếu ở huyện Lộc Bình và Hữu Lũng. Trong đó, Sán Chay ở Lộc Bình
thuộc nhóm Sán Chỉ và Sán Chay ở Hữu Lũng thuộc nhóm Cao Lan. Dân ca giao duyên
của người Sán Chay ở Lạng Sơn được gọi là Sắng
Cọ hoặc Piac nhặt cọ. Giai điệu lối
hát Sắng Cọ ở Lạng Sơn có phần gọn
gàng hơn Sắng cọ vùng Thái Nguyên, Bắc
Giang. Ngoài ra trong các lễ cúng cộng đồng, người Sán Chay còn có múa tắc xình
để mô phỏng các động tác trong lao động như tra hạt, phát cây, trỉa bắp,…
Người Hoa: Trước đây, người Hoa có dân số khá đông ở Lạng Sơn. Sau
năm 1979, đa phần họ trở về Trung Quốc. Đến nay, dân ca người Hoa đã gần như vắng
mặt trong đời sống sinh hoạt cộng đồng của Xứ Lạng nói chung và bản thân người
Hoa nói riêng. Qua khảo sát với cộng đồng người Hoa còn lại ở Thất Khê, chúng
tôi được biết lối hát giao duyên của người Hoa được gọi là Shán Cố (hát Sơn ca). Hát Shán
cố có âm điệu vui tươi, rộn ràng.[1]
Nhóm hai: Dân ca nghi lễ
Dân ca nghi lễ được xướng lên trong các nghi lễ gắn với gia đình và
cộng đồng như giải hạn, đầy tháng, tang ma,… Thông thường, hình thức dân ca này
do các ông thầy Mo, thầy Tào, bà Then, bà Pựt hát với phần đệm là các nhạc cụ
thuộc bộ gõ, bộ tự thân vang như trống, chiêng, não bạt, thanh la, chuông đồng,
xóc nhạc,… hoặc các loại đàn, sáo như đàn nhị, đàn nguyệt,… Trong đó tiêu biểu
nhất là cây đàn then trong diễn xướng then của người Tày, Nùng. Tùy từng dân tộc
mà có các hình thức diễn xướng nghi lễ (ở đây chúng tôi chỉ bàn đến dân ca)
khác nhau như Mo, then, tào, pựt của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Sán Chí, chầu
văn của người Kinh, Dùa Nhung (Mo Mèo) của người Mông. Ngoài ra, còn có một số
loại hình dân ca nghi lễ mà người xướng lên không phải thầy cúng mà là những
người bình thường nhưng có khả năng ca hát như hát lượn Nàng Hai (xã Chí Minh, Tràng Định), hát quan làng trong đám cưới và khóc tang lễ (hảy phji).
Nhóm ba: Dân ca sinh hoạt
Mảng dân ca sinh hoạt chủ yếu được diễn xướng trong các hoạt động
sinh hoạt cộng đồng, trong lao động sản xuất. Trong đó phổ biến nhất là hát kể
chuyện (cỏ lẩu) trong đám cưới, hát
ru con và đặc biệt là hát đồng dao của trẻ nhỏ trong những buổi lao động. Ngoài
ra, nếu xét trên khía cạnh tiết tấu và cường độ trong âm nhạc thì những câu nói
có vần điệu trong trò “lày cỏ” của người Tày, Nùng cũng là một hình thức dân
ca.
Nhóm bốn: Sân khấu dân gian
Đến nay, hầu hết các hình thức kịch hát sân khấu dân gian của Lạng
Sơn đều đã mai một như sân khấu chèo (vùng Bắc Sơn và Hữu Lũng trước đây cũng
đã có những gánh chèo nghiệp dư), sân khấu tuồng người Hoa và tuồng dá hai người Nùng.[2]
Tuy nhiên các hình thức diễn xướng dân gian mang đặc trưng sân khấu chuyên nghiệp
như then, pựt (người Tày, Nùng) và hầu
thánh (người Kinh) vẫn được duy trì trong các nghi lễ tâm linh.
Về với Xứ Lạng, ta không chỉ được nghe các làn điệu dân ca của đồng
bào các dân tộc thiểu số anh em mà còn được thưởng thức những làn điệu dân ca miền
đồng bằng Bắc Bộ do những dòng người di cư từ miền xuôi lên làm ăn sinh sống hoặc
đi phu, đi lính, đặc biệt là những đoàn thương nhân mang lên. Trong đó, hát chầu
văn là một loại hình dân ca đặc sắc của người Kinh và khá phổ biển ở Lạng
Sơn. Hát chầu văn gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ
phủ. Ở Lạng Sơn, hệ thống di tích thuộc tín ngưỡng thờ Mẫu phân bố hầu khắp các
huyện trong tỉnh với các ngôi đền nổi tiếng như đền Bắc Lệ, đền Đèo Kẻng, đền Chầu Lục (huyện Hữu Lũng), đền
Suối Lân, đền Mỏ Ba (huyện Chi Lăng), đền Kỳ Cùng, đền Mẫu Thoải, đền Cô Bé Thượng Ngàn (Tp Lạng Sơn), đền Mẫu Đồng Đăng (huyện Cao Lộc), đền Mẫu Na Sầm
(Văn Lãng), đền Mẫu Thất Khê (Tràng Định), đền Khánh Sơn, đền Cô Bơ (Lộc Bình)…
Các ngôi đền này đều là di tích trọng điểm trong tín ngưỡng thờ Mẫu và các vị
thánh được thờ tại đây cũng là những vị thánh giữ vai trò quan trọng trong hệ thống thần linh của tín ngưỡng thờ Mẫu
như Chầu Lục, Chầu Bé, Chầu Năm, Chầu Mười,… Vô hình chung, mảnh đất Lạng
Sơn cũng trở thành một “thánh địa” của tín ngưỡng thờ Mẫu và là điểm hành hương của các tín đồ. Cung văn phục vụ các đền ở Lạng Sơn đa phần đều là người địa
phương, họ được các cung văn kỳ cựu ở miền xuôi lên truyền nghề. Tuy nhiên
trong quá trình tiếp thu nghề cũng như quá trình hành nghề, các cung văn ở Lạng
Sơn đã hình thành nên lối hát văn mang đậm màu sắc, phong cách Xứ Lạng. Nếu hát
văn Nam Định mang nét cổ điển, hát văn Hà Nội, Hải Phòng có nét thanh lịch, thì
hát văn ở Lạng Sơn lại mang đậm màu sắc dân gian các dân tộc thiểu số[3].
Như vậy cũng có thể coi hát văn là một loại hình dân ca của Xứ Lạng.
Ngoài ra, trong quá trình sinh sống xen kẽ, dân ca các dân tộc ở Lạng
Sơn còn có sự giao thoa mạnh mẽ cả về âm nhạc, lời ca cũng như phương thức diễn
xướng. Điều này thấy rõ nhất trong hát ví
của người Tày ở huyện Bắc Sơn và hát hoa
tình ở Tràng Định. Các hình thức dân ca này đều có chung đặc điểm là sử dụng
hầu như toàn bộ tiếng Kinh để hát ca hát. Đồng thời hát ví và hát hoa tình có nét giai điệu rất gần với lối
hát nói trong sân khấu Chèo. Đặc điểm này cũng là một trong những gợi mở để nghiên cứu về
lịch sử hình thành tộc người.
Ngày nay, trước những tác động không nhỏ của kinh tế thị trường, của
nhịp sống hiện đại, văn hóa dân tộc nói chung và dân ca Lạng Sơn nói riêng chịu không
ít những sự cạnh tranh và đứng trước nguy cơ mai một rất lớn. Trong những năm gần
đây chúng ta chỉ còn thấy các loại hình dân ca gắn với tín ngưỡng như Mo, Then,
Tào, Pựt còn hiện diện trong đời sống cộng đồng, còn những hình thức dân ca
khác như Sli, lượn, phong slư, quan làng,… đều gần như biến mất khỏi sinh hoạt
thường ngày. Thực tế, chúng ta có thể tìm được một đêm then nguyên bản trong
các lễ then đầu năm; có thể tìm thấy những giai điệu rộn ràng, sâu lắng của Tào
trong những lễ cấp sắc, lễ tang nhưng khó có thể tìm lại được một canh hát Sli,
hát lượn trầm bổng, thướt tha kéo dài từ đêm này qua đêm khác như câu tục ngữ “đêm ốm dài, đêm Sli ngắn” mà chỉ có thể
tìm thấy những tiết mục hát sli, lượn không quá 5 phút trên sân khấu. Nếu như trước đây, các chợ như chợ
Kỳ Lừa, chợ Đồng Đăng, chợ Thất Khê mỗi phiên họp đều chan chứa những câu lượn,
câu Sli của những chàng trai cô gái, say đắm đến độ đã đi vào thơ ca, nhạc họa
thì ngày nay, những phiên chợ đó chỉ đơn thuần mua và bán.
Thực tế đáng lo ngại nhất của dân ca Xứ Lạng hiện nay chính là sự
thu hẹp dần về độ tuổi. Lớp trẻ ngày nay không còn quan niệm “Việt Nam
dân chủ cộng hòa/ Biết sli biết lượn mới là thanh niên” như thế hệ thanh niên trước đây mà họ chỉ yêu thích những bài nhạc trẻ có giai điệu rộn ràng, sôi nổi do các ca sỹ, nhóm nhạc trong nước hoặc nước ngoài đưa vào, những người còn đam mê dân ca hiện đang thu hẹp dần về lứa tuổi trung và
cao niên. Do đó nếu để tình
trạng diễn biến tiêu cực như trên thì trong khoảng 20 đến 30 năm nữa, dân ca sẽ
biến mất khỏi mảnh đất Xứ Lạng.
Như vậy ta có thể thấy, dân ca Lạng Sơn tuy giàu có, đa màu sắc
nhưng hiện nay đang đứng trước nguy cơ mai một rất lớn. Để bảo tồn và phát huy
dân ca Xứ Lạng, theo quan điểm chủ quan của tôi, chúng ta cần phải làm một số
việc sau:
Thứ nhất: Cần có sự định hướng âm nhạc
Sự định hướng âm nhạc gắn liền với vai trò của công tác giáo dục. Công
tác này phải có sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Đây cũng là một
trong những giải pháp cần thiết và tối ưu để bảo tồn dân ca. Đối tượng cần phải
được quan tâm định hướng âm nhạc chính là giới trẻ - những chủ nhân tương lai của
đất nước. Quá trình giáo dục âm nhạc thông qua các phương tiện thông tin đại
chúng, qua cha mẹ và nhà trường chính là quá trình “ươm mầm” những hạt giống của
tình yêu dân ca vào tâm hồn các em, giúp các em định hướng được thị hiếu âm nhạc
một cách tích cực. Từ sự định hướng âm nhạc đúng đắn này, ta sẽ có được 1 lớp
người có lòng đam mê dân ca và khi đã đam mê dân ca thì chắc chắn công tác bảo
tồn, phát huy dân ca Xứ Lạng sẽ có hiệu quả.
Thứ hai: Khôi phục lại các sinh hoạt văn hóa truyền thống
Dân ca là tiếng hát của nhân dân được lưu truyền qua nhiều thế hệ,
nó xuất hiện trong tất cả các sinh hoạt văn hóa truyền thống. Trong đó, chợ phiên
là một trong những không gian mà dân ca hiện hữu rõ nét. Ở Lạng Sơn, hầu như huyện
nào trong tỉnh cũng đều có những chợ tiêu biểu như chợ Thất Khê, chợ Long Thịnh,
chợ Áng Mò (Tràng Định), chợ Na Sầm (Văn Lãng), chợ Văn Mịch, Pác Khuông (Bình
Gia), chợ Bãi, chợ Tu Đồn (Văn Quan), chợ Kỳ Lừa (Tp Lạng Sơn),… Mỗi phiên chợ
đều có ngày họp theo quy ước chung của cộng đồng. Chợ Xứ Lạng không chỉ bao gồm
chức năng mua và bán mà còn có cả sự giao lưu về văn hóa, người ta ra chợ không
phải chỉ để đem hàng hóa ra trao đổi mà còn để gặp gỡ nhau, chia sẻ tâm tình.
Trong đó, dân ca là chiếc cầu nối để con người tâm tình và là một phần quan trọng
tạo nên nét bản sắc riêng của văn hóa chợ phiên. Những phiên chợ như chợ Kỳ Lừa,
chợ Đồng Đăng, chợ Thất Khê ngày trước nổi tiếng không phải chỉ vì buôn bán sầm
uất mà còn là những câu sli chan chứa ân tình khiến du khách đã đến thì không
muốn về. Tuy nhiên đến ngày nay, nét đặc sắc này dường như không còn. Ngay cả
phiên chợ đã trở thành những lễ hội lớn như Thổng báo slao (Tràng Định), chợ
tình Pác Khuông (Bình Gia), chợ tình Nhân Lý (Chi Lăng),… cũng chỉ còn những
câu hát được dàn dựng và sắp đặt sẵn chứ không phải những câu hát gắn với những
canh hát kéo dài nhiều ngày đêm như hội xưa. Như vậy vô hình chung, không gian
diễn xướng của dân ca Xứ Lạng đã dần biến mất. Do đó rất cần thiết phải khôi phục
lại các phiên chợ truyền thống – những phiên chợ không chỉ có mua và bán hàng
hóa.
Thứ ba: Tăng cường vai trò hoạt động của các tổ chức xã hội và có
chế độ đãi ngộ đối với những người trực tiếp tham gia vào công tác bảo tồn,
nghiên cứu, sưu tầm và chỉnh biên dân ca.
Sự hình thành của hội Bảo tồn dân ca Lạng Sơn (năm 2010) và các chi
hội, CLB ở các huyện trong tỉnh không chỉ tạo sân chơi hữu ích cho nhân dân mà
còn là kênh thông tin quan trọng để phát hiện những nghệ nhân và những làn điệu
dân ca cổ. Hiện nay, nhờ các hoạt động của Hội bảo tồn dân ca Lạng Sơn như hoạt
động truyền dạy hát then, đàn tính, tổ chức sưu tầm dân ca, đưa dân ca về phiên
chợ,... đã làm phong trào đàn hát dân ca của tỉnh nhà phát triển sâu và rộng
hơn bao giờ hết. Do đó, tăng cường vai trò hoạt động của các tổ chức xã hội
cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu để bảo tồn dân ca. Bên cạnh đó, cần
có chính sách đãi ngộ và động viên đội ngũ các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân,
nghệ sỹ hiện đang trực tiếp tham gia vào công tác sưu tầm, truyền dạy dân ca tại
các CLB cũng như định hướng để tìm nguồn kinh phí cho các CLB hoạt động. Tuy
nhiên, chúng ta cần chú ý vận động thêm lực lượng, nhất là lực lượng trẻ tham
gia vào các CLB này vì thực tế hiện nay, độ tuổi thành viên tham gia các CLB
trong tỉnh đều khá cao.
Ngoài ra cần tổ chức thêm nhiều đợt nghiên cứu, sưu tầm dân ca bằng
cách tổ chức các đoàn nghiên cứu đến tận nhà các nghệ
nhân để ghi âm, ghi hình và xây dựng kho tư liệu.
Kho tư liệu này sẽ góp phần tích cực trong việc bảo lưu lại những bài dân ca và
những làn điệu dân ca cổ, nguyên bản phòng khi các nghệ nhân mất đi. Việc thường
xuyên tổ chức các liên
hoan, hội diễn chuyên đề về dân ca cũng là một trong những phương pháp để phát
hiện nghệ nhân, sưu tầm những bài dân ca đặc sắc.
Thứ tư: Bảo tồn, gìn giữ có chọn lọc các phong tục tập quán
Dân ca bao trùm các mặt của đời sống
sinh hoạt cộng đồng. Các phong tục, tập quán, các lễ nghi truyền thống cũng là
một trong những không gian diễn xướng của dân ca. Những tiếng hát ngân nga cùng
tiếng đàn, tiếng trống chiêng trong những đêm then, những cuộc lễ Tào hay đơn
giản là tiếng khóc trong tang lễ cũng là một biểu hiện rất rõ nét của mối liên
hệ giữa dân ca và phong tục tập quán. Mối liên hệ này mật thiết đến mức nếu cái
này biến mất thì cái kia cũng không còn hoặc buộc phải biến đổi theo. Thực tế
cho thấy sự mất dần của tục hát quan làng
trong đám cưới dẫn đến đám cưới truyền thống người Tày hiện nay đã bị mai một
và thay vào đó là những thủ tục của lễ cưới hiện đại, khiến cho chúng ta muốn
tìm lại một đám cưới Tày đúng nghĩa cũng rất khó khăn. Do đó, công tác bảo tồn
dân ca cũng cần kèm cả nhiệm vụ khôi phục lại những phong tục, tập quán truyền
thống. Tất nhiên, những phong tục này cũng cần phải khôi phục một cách có chọn
lọc, vừa đảm bảo đáp ứng được nhịp sống hiện đại nhưng vẫn mang đậm bản sắc văn
hóa truyền thống
Thứ năm: Tăng cường công tác tuyên truyền thông qua các phương
tiện thông tin đại chúng.
Trong sự phát triển như vũ bão của khoa học hiện nay, chỉ bằng chiếc
điện thoại thông minh và các trang mạng xã hội như Face book, Zalo, You Tube,
Instagram, Goolge… thì việc giao lưu, kết bạn và thông tin liên lạc trên thế giới
đã vượt mọi khoảng cách, vượt mọi không gian và ngôn ngữ. Ta không thể phủ nhận
rằng, sức mạnh của các trang mạng xã hội này rất lớn và đó là phương tiện truyền
tải thông tin một cách hữu hiệu nhất. Do đó bên cạnh các phương tiện thông tin
đại chúng truyền thống như báo, đài, vô tuyến,... ta có thể sử dụng thêm các
trang mạng xã hội để tuyên truyền công tác bảo tồn dân ca.
Thứ sáu: Bảo tồn ngôn ngữ dân tộc
Đây là một trong những hạn chế lớn nhất đối với công tác bảo tồn
dân ca. Hiện nay, giới trẻ người Tày, Nùng hầu như không sử dụng ngôn ngữ của
dân tộc mình trong đời sống hàng ngày hoặc chỉ sử dụng được tiếng dân tộc ở mức
độ giao tiếp (nghĩa là suy giảm vốn từ vựng) và nhiều bố mẹ trẻ cũng không hướng
con mình nói tiếng mẹ đẻ. Đây là nguy cơ mai một bản sắc dân tộc rất lớn và
đang hiện diện nhãn tiền. Đối với dân ca, sự thiếu hụt ngôn ngữ dân tộc gây khó
khăn rất lớn cho việc tiếp cận những bài dân ca cổ. Sỡ dĩ có điều này vì các
bài dân ca cổ thường chứa đựng vốn ngôn ngữ và ý nghĩa văn hóa rất sâu, rộng.
Thậm chí, nhiều bài dân ca còn chứa đựng những từ vựng mà trải qua năm tháng đã
bị biến mất khỏi ngôn ngữ thường ngày do vậy dẫn đến tình trạng không hiểu được
nội dung lời ca, từ đó không thấm được cái đẹp, cái đặc sắc của dân ca tất yếu
khiến lòng yêu dân ca bị phai nhạt. Đây cũng là một vấn đề rất lớn cho công tác
bảo tồn văn hóa nói chung và dân ca nói riêng. Chúng ta chỉ có thể thực hiện được
điều này khi cả cộng đồng cùng chung tay vào bảo tồn ngôn ngữ, cần đưa ngôn ngữ
dân tộc vào trường phổ thông và cần thiết nhất chính là việc vận động cộng đồng
sử dụng thường xuyên tiếng dân tộc trong mọi hoạt động.
Thứ bảy: Gắn liền công tác bảo tồn,
phát huy giá trị dân ca Xứ Lạng với hoạt động du lịch, dịch vụ.
Hiện nay, khám phá
và trải nghiệm văn hóa đang là một trong những xu hướng hàng đầu của du lịch. Nếu
trước đây khách du lịch thường chỉ đến các địa điểm du lịch nổi tiếng chủ yếu để
nghỉ ngơi và mua sắm thì ngày nay, việc khám phá văn hóa địa phương là một
trong những nhu cầu thiết yếu. Dân ca cũng là một mảng rất được khách du lịch
quan tâm và là một nguồn “tài nguyên du lịch” rất sáng giá. Hoạt động du lịch
và hoạt động bảo tồn, phát huy dân ca có mối quan hệ tương hỗ rất sâu sắc. Nếu
du lịch đem lại cho các nghệ nhân, diễn viên hát dân ca nguồn thu nhập không nhỏ
để họ tiếp tục gìn giữ nghề thì ngược lại, dân ca trở thành điểm nhấn quan trọng
thu hút khách tham quan. Thực tế cho thấy, một số điểm du lịch trong khu vực
Đông Bắc như làng du lịch Quỳnh Sơn, Hữu Liên (Lạng Sơn), làng nhà sàn Thái Hải
(Thái Nguyên), làng du lịch Pác Ràng (Cao Bằng), khu hồ Ba Bể (Bắc Kạn)... đang
làm rất tốt công tác phát triển du lịch và bảo tồn dân ca. Tuy nhiên, ta cần phải
chú ý không để hoạt động du lịch làm biến dạng dân ca.
Kết luận
Lạng Sơn là vùng dân
ca trọng điểm của khu vực Đông Bắc. Dân ca không phải chỉ đơn thuần là tiếng
lòng của con người mà còn là kết quả của cả một quá trình lịch sử dân tộc. Bằng
tâm hồn phóng khoáng, yêu đời, người Xứ Lạng đã sáng tạo nên những câu ca thắm
đượm nghĩa tình và tràn đầy tinh thần dân tộc. Những câu ca ấy theo chân người
Xứ Lạng trong mọi chặng đường của cuộc đời. Người Xứ Lạng sinh ra trong tiếng “ứ
noọng” của bà, của mẹ; lớn lên trong từng câu hát đồng dao trong những buổi
chăn trâu cắt cỏ; yêu thương nhau từ câu sli câu lượn và trở về với tiên tổ
trong tiếng tính lời then. Chính vì vậy, trải bao thăng trầm biến thiên của lịch
sử, dân ca vẫn được người Xứ Lạng nâng niu, gìn giữ.
Với 7 dân tộc anh em, mỗi dân tộc lại có một hệ thống dân ca riêng,
góp vào vườn hoa chung của văn hóa dân tộc nên dân ca Lạng Sơn không chỉ đẹp về
giai điệu, lời ca mà còn phong phú về thể loại, làn điệu mà hiện nay vẫn chưa
khai thác được hết. Tuy nhiên trước những cạnh tranh và xu thế thị trường, dân
ca Xứ Lạng đã và đang đứng trước nguy cơ mai một rất lớn nên cần phải có những
biện pháp để bảo tồn và gìn giữ. Nếu chúng ta để mất dân ca, tất yếu làm tổn thất
một mảng văn hóa dân tộc rất quan trọng mà không bao giờ có thể khôi phục được.
Biện pháp tối ưu nhất để bảo tồn vẫn là sự chung tay từ cộng đồng. Hy vọng rằng,
bằng sự nỗ lực không ngừng của các cấp các ngành cũng như sự hưởng ứng nhiệt
tình từ nhân dân, dân ca Lạng Sơn sẽ được phục hưng và trở thành điểm nhấn quan
trọng của du khách thập phương khi nhắc về Xứ Lạng.
[1]
Trong quá trình tìm hiểu dân ca người Hoa, chúng tôi đã được nghe cụ Lý Hinh Và
(đã mất) và cụ Hoàng Thị Slao ở thị trấn Thất Khê hát Shan Có.
[2]
Theo hồi ức của nhiều người cao tuổi ở Thất Khê thì trước năm 1979, mỗi khi Hội
quán Thất Khê mở hội (vào ngày 10 tháng giêng) thì đều có diễn tuồng Tàu và tuồng
dá hai do đội tuồng của thị trấn hoặc đội tuồng dá hai ở Trùng Khánh (Cao Bằng)
về biểu diễn. Có nhiều năm, họ còn mời cả đội tuồng ở Bắc Kinh về phục vụ bà
con.
[3]
Năm 2015, khi đi dự một vấn hầu của một thanh đồng người Thất Khê tại đền Chầu
Lục (Hữu Lũng), tôi đã được nghe các cung văn của nhà đền sử dụng hát then và
sli sloong hau để hát cho thanh đồng hầu giá Chầu Lục.