Không gian văn hóa trà đã gói ghém vào đó một phần dòng chảy văn hóa, lịch sử, truyền thống của người dân trên các vùng chè Việt Nam. Đặc biệt, Trà Thái Nguyên có một hương vị đặc trưng mang phong sắc vốn có của vùng đất này: “ Thiên thời- Địa lợi- Nhân hoà”. Sau những ngày nắng như thiêu như đốt, mưa bắt đầu xối xả giúp không khí dịu đi, nông dân các vùng chè hối hả hơn với công việc thu hái….
Chiều ngày 24/9/2013,
lớp Quản lý văn hóa k6 – Khoa Nghiệp vụ văn hóa và du lịch đã tổ chức chuyến đi
thực tế tìm về xóm Soi Vàng, xã Tân Cương, T.P Thái Nguyên, vào thăm Không gian
văn hóa trà để thưởng trà; để hiểu đầy đủ hơn quy trình sản xuất chè truyền
thống với những nét đặc trưng văn hóa thưởng trà của người Thái Nguyên không
cầu kỳ, không quy tắc nghiêm ngặt mà đơn giản tình cảm và giao lưu văn hoá độc
đáo. Đồng thời, đây sẽ là bước đầu giúp sinh viên trang bị thêm hiểu biết về
văn hóa Trà Việt Nam nói chung và văn hoá Trà Tân Cương nói riêng; là tư liệu
quý giá để thực hành môn học “Tổ chức sự kiện” trong fesstival Trà 2013 sắp tới
và môn “Quan hệ công chúng” trong việc đưa tin và PR thương hiệu Trà Thái
Nguyên.
Trong chuyến đi thực
tế, được sự hướng dẫn của giảng viên bộ môn – Th.S Nguyễn Thị Tuyết Nhung, sinh
viên đã được thuyết minh viên giới thiệu về các làng nghề truyền thống; Tư
liệu, bản trích, hiện vật, cup, bằng chứng nhận về chất lượng chè, đồ dùng sinh
hoạt của nông dân vùng chè, mẫu đất chè, sản phẩm chè, dụng cụ trồng, chăm sóc, chế biến chè, dụng cụ pha và uống
trà qua các thời kỳ.
Thông qua những tài liệu, hiện vật và nội dung trưng bày các
em sinh viên đã cảm nhận được sự độc đáo của điều kiện tự nhiên cho cây chè
phát triển, thấy được những giá trị lịch sử, văn hóa của chè và đồng thời cũng
cảm nhận được sự vất vả một nắng hai sương của người dân vùng chè. Mỗi chúng ta
khi nâng chén chè thơm nồng và đậm đà lên môi cũng từ đó mới thấy được những
giá trị của cuộc sống và nét tinh tế của người dân vùng chè. Điều đó có nghĩa
thương hiệu chè Thái Nguyên nói chung và thương hiệu chè Tân Cương nói riêng
không phải tự nhiên hay vô tình có được, mà trên thực tế do sự bồi tụ và lắng
đọng của thời gian theo dòng chảy lịch sử mà ở đó đất chè đã chắt chiu cho sự
sống, phát triển của chè và người trồng chè, người thưởng trà đã gây dựng lên
nét văn hóa trà độc đáo.
Bên cạnh đó, sinh viên còn được tận mắt tìm hiểu về quá trình
hái chè, sao chè tại cơ sở chè Tiến Yên, xóm Hồng Thái 2 – xã Tân Cương, TP.
Thái Nguyên – tỉnh Thái Nguyên. Được trao đổi thông tin cây chè, nghề làm chè
với gia đình nghệ nhân ông Tiến – một cơ sở sản xuất lâu đời chè đặc sản tại
Tân Cương.
Ông Tiến cho biết: Đất ở Tân Cương được cho là có chứa những
nguyên tố vi lượng với tỷ lệ phù hợp thuộc quyền đặc hữu của cây chè, được hình
thành chủ yếu trên nền Feralitic, macma axít hoặc phù sa cổ, đá cát và khí hậu cũng
là điều kiện lý tưởng cho phẩm chất cây chè được hoàn thiện.
Trà Tân Cương nói riêng chủ yếu vẫn được chế biến theo phương
pháp thủ công, truyền thống theo quy mô hộ gia đình. Người trồng chè tại Tân
Cương thói quen sử dụng phân hữu cơ chăm bón cho cây chè. Họ hái chè rất non,
phần lớn hái búp chè một tôm 2 lá, cả khi hái đến lá thứ 3, lá chè cũng rất non
nhưng khi mang về đề chế biến, họ vẫn tách riêng lá thứ 3 để chọn lấy búp 1 tôm
2 lá nhằm đảm bảo chất lượng của sản phẩm.
Cả đoàn cùng nhâm nhi chén trà, nhẩn nha nghĩ suy mới thấy
được sự tinh túy, sâu sắc của người dân vùng chè Thái Nguyên. Thưởng thức một chén trà mang nhiều ý nghĩa trong tiếng ngân nga của
cây đàn Tính:
“ Mời bạn
về Thịnh Đán- Tân Cương
Chè quê
mình thơm ngon nổi tiếng
Người
người uống sảng khoái ngợi khen
Trai gái
ngọt lời Then đón bạn…”
Với màu nước vàng
sánh trong xanh, hương trà, hương hoa tự nhiên là hình ảnh Việt Nam với rừng
vàng, biển bạc, tài nguyên phong phú. Vị đắng chát gợi lên nỗi vất vả, cần lao
của những người làm trà truyền thống bao đời nay. Hậu vị ngọt mát của trà chính
là tâm hồn người Việt giàu tình, giàu nghĩa, có thủy chung. Vì vậy mà chén trà
cho con người gần điều thiện, xa lánh điều ác, đoàn kết hơn, chia sẻ hơn.
Trong tâm trạng sảng khoái, dìu dịu, tôi cũng như rất nhiều sinh
viên thấy trào dâng một cảm giác tự hào, rằng mình đã được đặt chân đến đây,
được thưởng trà ngay giữa cái nôi quê hương chè. Hơn thế, làng nghề làm chè còn
như một bảo tàng về cây chè, về sản phẩm chè. Bên bàn trà, mọi người dễ thành tri
kỷ, nguôi đi những đắn đo, nghĩ suy trong cuộc đời.
Để thói quen thưởng
Trà và văn hóa Trà vẫn còn tồn tại và ngày càng phát triển mạnh mẽ trong đời
sống thiết nghĩ chúng ta phải có những
đề án thiết thực, như đẩy mạnh kinh tế trồng Chè trên nhiều địa phương, không
chỉ ở riêng Tân Cương. Bên cạnh đó Đảng và nhà nước cũng nên đầu tư vốn cho
những vùng và khu vực có xu hướng phát triển kinh tế trồng Trà mà còn gặp nhiều
khó khăn về vốn. Không ngừng đẩy mạnh và quảng bá hình ảnh, thương hiệu Trà
trên mọi phương tiện, thông tin đại chúng với các quốc gia và khu vực khác trên
thế giới.
Tuy nhiên để thương
hiệu Trà của chúng ta có uy tín hơn trên thị trường quốc tế và nội địa, nhất
thiết chúng ta phải có một đội ngũ những nhà nghiên cứu về lịch sử Trà Thái nói
riêng và Trà việt nói chung. Để làm nên thương hiệu Chè Thái là cả một quá
trình nghệ thuật. Quá trình ấy là một nét đẹp văn hóa cần được bảo tồn và lưu
giữ cho con cháu muôn đời….
Hi vọng rằng với
những chuyến thực tế như vậy, các em HSSV Khoa Nghiệp vụ Văn hóa và Du lịch
Trường CĐ VHNT Việt Bắc sẽ phần nào đưa hình ảnh và nét đẹp văn hóa đặc trưng
của quê hương Việt Bắc vào cuộc sống và trái tim của các em. Tiếp nhận và cảm
thụ văn hóa một cách trực tiếp sẽ là bài học kinh nghiệm quý giá để các em làm
hành trang chuẩn bị cho mình bước vào môi trường hoạt động văn hóa lâu dài với
nhiều điều bổ ích, lý thú.